Đà Nẵng: Nước ô nhiễm chưa rõ nguyên nhân, người dân thiệt hại nặng nề

Khánh Thu|04/04/2017 02:22
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Ông Mai Hồng Lạc – trưởng thôn Lệ Sơn Nam – chia sẻ với báo Tuổi trẻ, một thời gian dài, tình trạng ô nhiễm nguồn nước khiến người dân địa phương thiệt hại nặng nề. Hiện diện tích đất lúa không thể trồng trọt, hư hại hơn 3ha.

(Moitruong.net.vn) Tại thôn Sơn Nam, xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang (TP. Đà Nẵng) xuất hiện tình trạng nguồn nước bị ô nhiễm  khiến nhiều hecta ruộng, vật nuôi của người dân bị chết hàng loạt.

“Người dân đi làm đồng giờ phải đeo ủng vì nguồn nước ô nhiễm khiến tay chân bị ngứa ngáy, lở loét tay chân” – ông Lạc chỉ tay ra cánh đồng nói.

Cũng theo ông Lạc, từ nhiều năm qua người dân đã có phản ánh về tình trạng ô nhiễm nước ở ruộng đồng nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. Người dân nghi do Công ty TNHH T.Đ.T đóng tại xã Điện Tiến (thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) – chuyên về mạ kẽm xả nước gây ra. 

Tại cánh đồng rộng hơn 3h trước đây là nơi người dân canh tác tạo nguồn thu nhập ổn định nhưng giờ đây mọc toàn cỏ dại, cây trồng héo úa, gia súc gia cầm chết hàng loạt.

img_6934_dwjs

Hốchứa nước thải của công ty TNHH T.Đ.T. Ảnh Hữu Long

Thiệt hại nặng nề nhất phải kể đến nhà ông Đặng Quang Đằng (người dân thôn Nam Sơn) khi đàn vịt sống ngoài đồng ruộng, số lượng gần 500 con chết bất ngờ.

Báo Tuổi trẻ đưa, theo Sở TN-MT Đà Nẵng, đơn vị này đã từng khảo sát thực tế, lấy mẫu phân tích 2 mẫu nước mặt. Sở xác định gần khu vực thôn Lệ Sơn Nam chỉ có phân xưởng mạ kẽm nhúng nóng của công ty TNHH T.Đ.T đang hoạt động, xả nước thải vào mương dẫn nước chảy vào đồng ruộng thôn Lệ Sơn Nam.

Kết quả phân tích mẫu nước cho thấy mẫu nước lấy tại kênh dẫn tự nhiên bên cạnh phân xưởng mạ kẽm nhúng nóng của công ty TNHH T.Đ.T có thông số sắt (Fe) vượt 2,3 lần, kẽm (Zn) vượt 2,9 lần. Mẫu nước lấy tại đồng ruộng thôn Lệ Sơn Nam thông số sắt vượt 0,4 lần.

Sở TN-MT Đà Nẵng đã có văn bản đề nghị UBND thị xã Điện Bàn kiểm tra công tác bảo vệ môi trường của công ty TNHH T.Đ.T, yêu cầu đơn vị này phải thực hiện xử lý nước thải sản xuất đạt quy chuẩn trước khi thải ra môi trường.

Về phía công ty TNHH T.Đ.T, ông Nguyễn Hoàng Chương tự nhận quản đốc nhà máy mạ kẽm có mặt và phản hồi thông tin từ phía người dân xã Hòa Tiến với báo Lao Động.

Theo đó, ông Chương cho rằng, gần khu vực đồng lúa xung quanh nhà máy kẽm không có tình trạng lúa, vật nuôi bị chết. Ông Chương khẳng định, nếu nước thải của đơn vị chảy xuống tới cánh đồng của người dân xã Hòa Tiến thì phải chảy qua cánh đồng gần khu vực nhà máy sản xuất nhưng xung quanh nhà máy mạ kẽm không có tình trạng cây trồng và vật nuôi chết.

“Nhà máy chúng tôi có lượng nước thải rất thấp. Chúng tôi đã có hệ thống xử lý nước thải và nước thải đều được chứa phía sau lưng nhà máy. Tuy nhiên, cũng có thể trong trường hợp mưa lụt thì nước đổ ra quá khiến bể nước thải xử lý không kịp thì mới tràn ra bên ngoài (!?)” – ông Chương nói.

Trước thực trạng ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân nơi đây, thiết nghĩ cơ quan chức năng cần vào cuộc để xác định được nguyên nhân và tìm cách khắc phục sớm nhất.

Khánh Thu


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đà Nẵng: Nước ô nhiễm chưa rõ nguyên nhân, người dân thiệt hại nặng nề