Đại dịch COVID-19 “thổi bay” nhiều sạp báo in

Trung Hiếu|19/06/2022 13:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Trong mấy năm bùng phát dịch COVID-19, báo giấy dù vẫn phát hành nhưng chẳng mấy ai tìm mua, các không gian như sạp báo, quán cà phê để độc giả tìm đọc báo giấy cũng ngày càng ít đi.

Các sạp báo giấy đi vào quá khứ

Dịch bệnh COVID-19 như một cú hích, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có báo chí. Hình ảnh các cụ già, bác xe ôm cầm tờ báo chăm chú đọc tin tức ở một sạp báo lề đường ngày càng hiếm gặp. Thay vào đó là chiếc điện thoại thông minh trên tay, giúp tiếp cận mọi thông tin đa dạng, phong phú trên mặt báo một cách thuận tiện nhất.

Những ngày trung tuần tháng 6, hướng tới kỷ niệm 97 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/2022). “Chợ báo” lớn nhất Hà Nội trên phố Đinh Lễ, quận Hoàn Kiếm lại sôi nổi, hối hả hơn ngày thường. Hằng ngày, cứ vào khoảng 4 giờ sáng, trên các vỉa hè của con phố này lại rộn ràng cảnh hàng trăm người phân loại, giao báo tập trung về đây. Những người tham gia công việc này chủ yếu là những người lớn tuổi, đã về hưu. Nhiều người cho biết, công việc thu nhập cũng chẳng được bao nhiêu nhưng chủ yếu là được gặp gỡ và giao lưu với mọi người.

Các sạp báo giấy ở Hà Nội đang dần biến mất

Là một trong những người đã gắn bó lâu năm với nghề đưa báo ở phố Đinh Lễ, ông Thuận cho biết, ông bắt đầu công việc này từ năm 1996 cho đến nay đã hơn 26 năm. “Trước đây, báo giấy phát hành với số lượng rất lớn, bạn đọc chờ từng phút để được đọc những tờ báo mới nhất. Nhưng đến nay, số lượng bản in ngày càng ít đi, người dân cũng không còn mặn mà với báo giấy. Đặc biệt là sau dịch, các sạp báo và người đi bán báo dạo đã giảm mạnh, lực lượng bán báo rong đã bỏ nghề chuyển sang công việc khác. Bây giờ báo giấy chủ yếu phục vụ các cơ quan, đoàn thể và những cá nhân đặt báo hàng ngày”, ông Thuận cho hay.

Ông Nguyễn Văn Thắng (75 tuổi), một cán bộ hưu trí cho biết, ông luôn duy trì thói quen đọc báo mỗi sáng, bởi báo giấy có chức năng lưu giữ, khi cần ông có thể tìm những bài xã luận để xem lại, tra cứu. Nhắc đến báo giấy, điều khiến ông Thắng cảm thấy nuối tiếc, đó là sự biến mất của các sạp báo vỉa hè. “Hiện tại đi khắp Hà Nội chỉ còn vài ba sạp báo như Đinh Lễ, Tràng Tiền, Đinh Tiên Hoàng… Trước đây, Bưu điện Bờ Hồ cũng từng là nơi mọi người đến đọc báo, nhưng nay đã không còn. Tôi lấy làm tiếc về điều đó vì nó đã đánh mất chức năng của Bưu điện trung tâm, nơi thuận tiện để người dân tiếp nhận thông tin”, ông Thắng bày tỏ.

Sạp báo của bà Trần Thị Vĩnh trên phố Hàng Trống, ngay sát Tòa soạn Báo Nhân Dân là một trong những sạp báo lâu đời của Hà Nội, sau đợt dịch lần thứ tư cũng đã đóng cửa. “Gia đình mở sạp báo đến nay đã hơn 40 năm. Trước đây, con phố này có hàng chục sạp báo, nhưng bây giờ họ thu hết lại ki-ot không cho bán nữa. Mấy năm qua dịch COVID-19 hầu như dừng hẳn, không có khách mua”, bà Vĩnh chia sẻ.

Trước đại dịch COVID-19, lượng phát hành báo giấy đã sụt giảm đáng kể do người dân có nhiều cách để tiếp cận tin tức, nhất là trong thời buổi bùng nổ của các mạng xã hội. Sau mấy năm dịch bệnh, tình hình lại có vẻ tệ hơn. Một số sạp báo không còn, một số địa điểm như chưa hề tồn tại quầy báo. Không như các ngành nghề, lĩnh vực khác có bố cáo giải thể, các quầy báo lặng lẽ đi vào quá khứ.

Bao giờ cho đến ngày xưa?

Là một độc giả trung thành của báo giấy suốt mấy chục năm qua, mỗi sáng sau khi đi tập thể dục về, ông Phạm Văn Khiêm lại ghé qua sạp báo để mua về đọc. Ông Khiêm chia sẻ, mình có điện thoại thông minh nhưng khi dùng phải đeo kính, đọc lâu thì mỏi mắt nên ông vẫn chọn đọc tin tức qua các tờ báo giấy: “Những năm bao cấp trước đây, lượng báo giấy khan hiếm. Nếu mua được một tờ báo giấy là rất quý, truyền hết tay người này đến tay người kia, đọc đến bao giờ báo sờn rách, cũ quá rồi thôi. Tôi vẫn nhớ lúc đó, có một sạp báo gần nhà, ngày bán được gần trăm tờ mỗi đầu báo. Nhưng từ khi mở cửa kinh tế thị trường, báo chí cũng sôi động hơn, truyền hình, báo mạng nhiều thì cũng ít người đọc báo giấy. Không có nhu cầu thì nguồn cung cũng hẹp lại, các sạp báo không có doanh thu hoặc doanh thu ít sẽ phải đóng cửa, chuyển nghề”.

Theo số liệu thống kê của Hội Phát hành Báo chí Việt Nam năm 2009, riêng địa bàn Hà Nội có đến hơn 60 đại lý và khoảng 700 sạp báo lớn nhỏ. Nhưng đến năm 2017, cả Thủ đô chỉ còn khoảng 60 sạp, tập trung chủ yếu ở các quận trung tâm như Hoàn Kiếm, Đống Đa, Thanh Xuân. Con số này đang tiếp tục giảm nhanh sau mấy năm bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Cách đây hơn chục năm về trước, trên khắp các tuyến phố của Hà Nội, chúng ta không khó bắt gặp cảnh những người già, các em nhỏ ôm cả tệp báo rồi lang thang khắp nẻo từ quán cà phê, trà đá, quán ăn hoặc trên hè phố để bán báo. Càng dễ bắt gặp hơn cảnh những chiếc xe đạp, xe máy chở đầy báo đi đến khắp các đường ngõ, phát tiếng rao: “Ai báo nào, ai báo nào, Báo An ninh Thủ đô, Báo Bóng đá đây,…”. Thị trường báo giấy lúc bấy giờ phát triển mạnh, luôn chiếm

được lòng tin yêu của các độc giả. Ai cũng hào hứng, mong muốn được cầm tờ nhật báo sớm nhất, đọc những tin tức mới nhất và đi chia sẻ với mọi người.

Đọc báo bảng tin – “Đọc báo đứng” là một nét đẹp của văn hóa Hà Nội

Bà Oanh, chủ sạp báo duy nhất còn lại trên phố Phan Huy Chú, cho biết những tờ báo có nhiều tin tức sốt dẻo, cập nhật hằng ngày thường bán chạy nhất. “Ngày xưa, khi có vụ việc giật gân hay các trận bóng đá của đội tuyển Việt Nam thì người dân đi lùng mua báo rất nhiều. Mấy năm nay dịch bệnh thì coi như chẳng có khách, bán thế này để duy trì một cái nét văn hóa thôi chứ bảo sống bằng sạp báo này thì rất khó”, bà Oanh cho hay.

Bây giờ đi khắp Hà Nội, “tìm đỏ mắt” mới thấy các sạp báo. Để kiếm thêm thu nhập, nhiều sạp báo đã phải bán thêm sim thẻ điện thoại, lịch Tết, hay đồ lưu niệm cho khách du lịch, nhưng với họ cũng chẳng thể so sánh với thu nhập “thời hoàng kim” của báo giấy. Chẳng ai biết được, nhiều năm nữa liệu các sạp báo có còn tồn tại hay không. Nhưng với nhiều người dân Thủ đô, hình ảnh các sạp báo nhỏ nép mình bên vỉa hè, chứng kiến dòng chảy lịch sử, đã trở thành một phần không thể thiếu trong ký ức về Hà Nội.

Trung Hiếu

Bài liên quan
  • “Chung tay hành động vì Hà Nội xanh”
    Moitruong.net.vn – Đó là thông điệp của các hoạt động Thành phố Hà Nội sẽ triển khai trong thời gian tới nhằm hưởng ứng Tháng hành động vì môi trường và Ngày Môi trường thế giới (5/6/2022).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đại dịch COVID-19 “thổi bay” nhiều sạp báo in