Đắk Lắk: Hơn 1.500 hécta cây trồng vụ hè thu bị thiếu nước tưới, khô hạn

Hoàng Anh (t/h)|06/04/2019 05:12
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

– Do nắng nóng kéo dài, khiến hàng ngàn hecta cây trồng vụ hè thu của người dân Đắk Lắk đang bị thiếu nước tưới, khô hạn, hồ đập nước rút gần cạn đáy.

>>> Hiện trạng công tác quan trắc xâm nhập mặn ở vùng Đồng bằng Bắc Bộ

>>> Xây dựng quy hoạch tài nguyên nước Đồng bằng sông Cửu Long

Ảnh minh họa

Thời gian qua, trên địa bàn các huyện: Ea Kar, Krông Pắc và M’Đrắc không có mưa và xảy ra nắng nóng kéo dài, khiến cho gần 2.300 héc ta cây trồng vụ hè thu bị khô hạn, chủ yếu là lúa nước. Nhiều diện tích không còn nguồn nước để chống hạn do mực nước các suối xuống thấp, một số hồ chứa đã cạn kiệt.

Chiều 5-4, Chánh văn phòng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Đắk Lắk Phan Thị Thu Hiền cho biết: Vụ đông xuân 2018 -2019, toàn tỉnh có khoảng 316 nghìn ha cây trồng các loại cần tưới nước, trong đó có khoảng 145 nghìn ha được tưới trực tiếp từ các công trình thủy lợi và 171 nghìn ha được tưới từ nguồn nước sông, suối, nước ngầm.

Để đáp ứng nhu cầu tưới cho diện tích cây trồng trên, bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, đến nay tỉnh Đắk Lắk đã đầu tư xây dựng được 782 công trình thủy lợi gồm: 118 đập dâng, 57 trạm bơm và 607 hồ chứa nước với tổng dung tích hồ chứa có khoảng 650 triệu m3.

Tuy nhiên, do nắng nóng kéo dài nên hiện nay mực nước tại các hồ chứa thủy lợi trên địa bàn đã giảm mạnh, các hồ vừa và lớn phổ biến còn khoảng 40 -70% dung tích thiết kế; các hồ nhỏ chủ yếu gần đến mực nước chết hoặc đã cạn; đặc biệt đến nay toàn tỉnh đã có 51 hồ chứa đã cạn kiệt nước. Mực nước các sông suối duy trì ở mức thấp, một số suối nhỏ không còn dòng chảy, mực nước ngầm giảm sâu hơn so với cùng kỳ năm 2018 khiến hơn 1.500 ha cây trồng trên địa bàn bị thiếu nước tưới, khô hạn. Trong đó có khoảng 1.000 ha cà-phê, 60 ha cây ăn quả và 440 ha cây ngắn ngày khác.

Bên cạnh đó, hiện nay trên địa bàn các huyện như: Buôn Đôn, Ea Súp, Krông Pắc, Krông Búc, Lắc, Krông Năng… cũng đang xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt trong nhân dân do giếng đào bị cạn. Riêng địa bàn huyện Ea Súp từ cuối tháng 3 đến nay, tình trạng thiếu nước sinh hoạt xảy ra khá gay gắt với 1.234 hộ tập trung tại các xã Ia Lốp 300 hộ, Cư Kbang 212 hộ, Ia R’vê 200 hộ, Ea Rốc 135 hộ, Ea Lê 105 hộ, Ya Tờ Mốt 97 hộ, Thị trấn Ea Súp 93 hộ và Ia Jlơi 92 hộ.

Hạn hán xảy ra và những hậu quả mà người dân Ea Súp đang phải hứng chịu cho thấy sản xuất nông nghiệp ở huyện thuần nông như Ea Súp còn quá bấp bênh, phụ thuộc phần lớn vào thiên nhiên. Hệ thống thủy lợi đã được đầu tư xây dựng, nhưng chưa khai thác có hiệu quả. Cây trồng vụ hè thu chủ yếu trông chờ “nước trời”.

Theo nhận định của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Đắk Lắk, căn cứ tình hình thời tiết, nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt trên địa bàn hiện nay, dự kiến giữa tháng 4-2019 mức độ hạn hán sẽ tăng cao, đặc biệt trong thời kỳ cuối tháng 4-2019, tình hình thiếu nước cho sản xuất và sinh hoạt có thể xảy ra trên diện rộng ở nhiều vùng trong tỉnh.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk Mai Trọng Dũng cho biết, để chủ động phòng, chống hạn hán, giảm thiểu thiệt hại do hạn hán gây ra, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo các cấp, các ngành và các địa phương trong tỉnh triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ như: Cân đối nguồn nước để xây dựng kế hoạch sản xuất cây ngắn ngày phù hợp, đặc biệt giảm diện tích lúa nước; dừng sản xuất đối với diện tích không bảo đảm đủ nước tưới đến khi thu hoạch; thực hiện chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, thời vụ phù hợp.

Tăng cường quản lý nguồn nước, điều tiết cấp nước tưới luân phiên; khuyến khích áp dụng các công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước như tưới phun mưa, nhỏ giọt; lập kế hoạch cấp nước theo thứ tự ưu tiên nước sinh hoạt, nước uống cho gia súc, nước tưới cho cây công nghiệp dài ngày có giá trị kinh tế cao, …

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về công tác chống hạn, hướng dẫn nhân dân sử dụng nước tiết kiệm; huy động toàn dân tham gia làm thủy lợi và kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quản lý công trình gây thất thoát nguồn nước.

Các địa phương xây dựng phương án ứng phó với hạn hán khốc liệt có thể xảy ra vào thời điểm cuối mùa khô, chuẩn bị lực lượng, phương tiện, thiết bị, nhiên liệu sẵn sàng đáp ứng yêu cầu chống hạn kịp thời, hiệu quả theo phương châm bốn tại chỗ..

Vẫn biết những thiệt hại do thiên tai gây ra là khó tránh khỏi nhưng để sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững, chủ động nguồn nước cho cây trồng, cần phải tiếp tục đầu tư xây dựng hoàn thiện hệ thống kênh mương thủy lợi Công trình thủy lợi Ea Súp Thượng, xây dựng thêm những công trình thủy lợi vừa và nhỏ, giảm dần diện tích cây trồng phụ thuộc vào nước trời như hiện nay.

Hoàng Anh (t/h)














(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đắk Lắk: Hơn 1.500 hécta cây trồng vụ hè thu bị thiếu nước tưới, khô hạn