Đắk Lắk khẩn trương triển khai các giải pháp phòng cháy, chữa cháy rừng

Huyền Trang|09/03/2024 07:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Ngành lâm nghiệp tỉnh Đắk Lắk đang cấp bách triển khai các giải pháp phòng cháy, chữa cháy rừng nhằm bảo vệ tài nguyên rừng và cuộc sống của người dân.

Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk cho biết, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã bước vào mùa khô, thời tiết nắng nóng và hanh khô diễn ra trên diện rộng và kéo dài, đặc biệt là tại các huyện như Ea Súp, Buôn Đôn, Ea H’leo, Cư M’gar, M’Drắk... Nhiều khu rừng đang ở cấp cảnh báo cháy rừng cấp IV, cấp V (cấp nguy hiểm và cực kỳ nguy hiểm).

Dự báo trong thời gian tới, tình trạng nắng nóng, khô hạn sẽ tiếp tục diễn ra ở nhiều địa phương, nguy cơ cháy rừng rất cao.

Để chủ động trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, giảm thiểu tối đa thiệt hại do cháy rừng gây ra, Chi cục Kiểm lâm tỉnh yêu cầu các Hạt Kiểm lâm huyện, Đội Kiểm lâm cơ động và phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) số 1, 2, 3 xây dựng kế hoạch kiểm tra công tác PCCCR của chủ rừng trên địa bàn quản lý. Phối hợp với các tổ chức đoàn thể, các đơn vị liên quan, các đơn vị chủ rừng tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục nâng cao nhận thức của người dân về công tác bảo vệ rừng, PCCCR trên địa bàn quản lý, đảm bảo hiệu quả theo kế hoạch.

chua-chay-rung.jpg
Nắng nóng và hanh khô diễn ra trên diện rộng và kéo dài khiến nhiều khu rừng đang ở cấp cảnh báo cháy rừng

Bên cạnh đó, tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm tra các khu vực trọng điểm cháy rừng có thể xảy ra (đặc biệt là diện tích rừng trồng, rừng khộp...). Rà soát trang thiết bị, công cụ, phương tiện PCCCR của các đơn vị và chủ rừng, sẵn sàng lực lượng thực hiện chữa cháy rừng kịp thời, triệt để và an toàn theo phương châm 4 tại chỗ “lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, hậu cần tại chỗ” và 4 sẵn sàng “sẵn sàng lực lượng, sẵn sàng phương tiện, sẵn sàng hậu cần và sẵn sàng chỉ huy”.

Phân công công chức kiểm lâm thường xuyên theo dõi thông tin cảnh báo cháy rừng trên hệ thống thông tin cảnh báo cháy sớm của Cục Kiểm lâm để kiểm tra, xác minh các điểm cháy, kể các các điểm cháy do đốt nương làm rẫy nhằm có biện pháp xử lý kịp thời. Trường hợp xảy ra cháy rừng phải điều tra, xác định nguyên nhân và đối tượng gây cháy rừng để xử lý theo quy định của pháp luật.

Chỉ đạo kiểm lâm địa bàn, công chức kiểm lâm bám sát địa bàn, nắm chắc tình hình, trường hợp phát hiện cháy rừng phải khẩn trương báo cáo để có chỉ đạo.

Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk cho biết, sẽ kiên quyết xử lý những cá nhân thiếu trách nhiệm trong công tác PCCCR, không phát hiện, báo cáo kịp thời khi có cháy rừng xảy ra.

Đối với các đơn vị chủ rừng, tiếp tục triển khai thực hiện các biện pháp quản lý, bảo vệ rừng, PCCCR tại các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh và các văn bản hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Kiểm lâm. Rà soát trang thiết bị, công cụ, phương tiện PCCCR của đơn vị để chủ động sẵn sàng lực lượng thực hiện chữa cháy rừng kịp thời, triệt để và an toàn. Đồng thời, thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo ngay sau khi phát hiện cháy rừng theo quy định, để phối hợp chỉ đạo và huy động lực lượng chữa cháy rừng trong trường hợp cần thiết.

Ông Phạm Tuấn Linh - Giám đốc Vườn quốc gia Yók Đôn cho biết, do biến đổi khí hậu nên thời tiết nhiều năm nay có diễn biến phức tạp, khó lường; tình trạng khô hanh kéo dài. Trong Vườn quốc gia Yók Đôn, rừng khộp chiếm 92,33 % tổng diện tích tự nhiên, phân bố rải đều trên toàn diện tích của Vườn quốc gia Yók Đôn. Do đặc điểm rụng lá gần như hoàn toàn vào mùa khô, loại hình thảm thực bì chủ yếu gồm: Trảng cỏ, cây bụi, le, lau lách…. rất nhanh khô trong những tháng mùa khô, đặc biệt là dưới tán rừng khộp nên diện tích phân bố của rừng khộp được xem là trọng điểm cháy rừng, có nguy cơ cháy cao nhất vào mùa khô.

Theo đánh giá, nguyên nhân chính để các vụ cháy rừng xảy ra phần lớn là do con người dùng lửa dưới nhiều hình thức như: Người dân chăn thả gia súc; sự tồn tại của các ruộng, rẫy cũ trong vùng lõi của Vườn quốc gia Yók Đôn khi đốt dọn nương rẫy có nguy cơ gây cháy rừng cao vào mùa khô hanh; việc dùng lửa bất cẩn trên các tuyến đường giao thông qua Vườn quốc gia Yók Đôn.

Bên cạnh đó, mùa khô kéo dài 6 tháng, độ ẩm thấp, nhiệt độ cao làm phát sinh nhanh vật liệu cháy. Ngoài ra, còn do lâm tặc đốt lửa để săn bắt động vật rừng, lấy mật ong, khai thác lâm sản trái phép...

Vườn quốc gia Yók Đôn xác định cháy rừng là một thảm hoạ, huỷ hoại tài nguyên quốc gia, không những ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường mà còn gây tác động xấu đến tình hình dân sinh kinh tế và xã hội. Vì vậy, thời gian qua, Vườn quốc gia Yók Đôn luôn xác định, nhiệm vụ PCCCR là nhiệm vụ thường xuyên và trọng tâm của Vườn.

Giám đốc Vườn quốc gia Yók Đôn cho biết thêm, với quan điểm phòng là chính, chữa cháy phải khẩn trương, kịp thời, hạn chế đến mức thấp nhất các tác hại của cháy rừng. Ngay từ cuối mùa mưa hàng năm, Vườn quốc gia Yók Đôn đã chủ động xây dựng phương án PCCCR trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, phương án phối hợp, huy động lực lượng chữa cháy rừng. Đồng thời, thành lập Ban chỉ huy PCCCR, đội PCCCR và các tổ PCCCR tại các Trạm Kiểm lâm. Mặt khác, thực hiện triển khai đồng bộ các hoạt động theo phương án đã được phê duyệt.

Do có sự chuẩn bị và triển khai, thực hiện tốt phương án PCCCR vì vậy những năm qua, tại khu vực Vườn quốc gia Yók Đôn gần như không có vụ cháy rừng nào xảy ra.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đắk Lắk khẩn trương triển khai các giải pháp phòng cháy, chữa cháy rừng