Đắk Lắk sẽ xây dựng, triển khai mô hình du lịch sinh thái thân thiện với voi, tiến tới chấm dứt hình thức du lịch cưỡi voi, các hoạt động ảnh hưởng phúc lợi của voi nhà, góp phần bảo tồn voi nhà trên địa bàn.
Theo thỏa thuận, tỉnh Đắk Lắk sẽ hạn chế tối đa, hướng tới không tổ chức các hoạt động ảnh hưởng đến phúc lợi voi nhà bao gồm: du lịch cưỡi voi; các hội thi như voi bơi, voi đá bóng, voi chạy, voi kéo co, voi diễu hành nhiều giờ trên đường nhựa hoặc bê tông; dùng voi tái hiện cảnh săn bắt và thuần dưỡng voi…
02 trong số những con voi đầu tiên được AAF hỗ trợ thực hiện mô hình du lịch voi thân thiện ở Vườn quốc gia Yók Đôn (Đắk Lắk) từ 3 năm nay
UBND tỉnh Đắk Lắk sẽ tạo điều kiện cho AAF tổ chức các hoạt động theo đúng quy định pháp luật. Giao Sở NN-PTNT làm đầu mối phối hợp với AAF và các đơn vị, tổ chức có liên quan, hộ gia đình nuôi voi để xây dựng và hoàn thiện mô hình du lịch thân thiện với voi, trình UBND tỉnh xem xét phê duyệt trước khi triển khai.
AAF có trách nhiệm vận động các nguồn lực hợp pháp nhằm hỗ trợ kỹ thuật và tài chính để mang lại phúc lợi cho voi và các hộ dân mưu sinh nhờ nguồn thu từ du lịch cưỡi voi bằng mô hình du lịch sinh thái thân thiện với voi, góp phần bảo tồn voi nhà tại Đắk Lắk.
Từ năm 2018 đến nay, AAF đã hỗ trợ đưa được 6 cá thể voi nhà ở tỉnh này vào chăm sóc, tham gia mô hình du lịch thân thiện trong Vườn quốc gia Yók Đôn.
Mới đây, tại kỳ họp thứ 3 (từ ngày 8 – 10/12), HĐND tỉnh Đắk Lắk khóa X đã thông qua nhiều nội dung điều chỉnh, bổ sung Nghị quyết 78 về chính sách bảo tồn voi được ban hành năm 2012. Theo đó, nhất trí tăng phúc lợi cho voi nhà bằng cách bố trí kinh phí hằng năm để hỗ trợ chủ voi không còn khả năng chăm sóc tự nguyện giao lại Trung tâm bảo tồn voi Đắk Lắk phục vụ nghiên cứu sinh sản, bảo vệ nguồn gen; cấp kinh phí cùng các nguồn tài trợ của các tổ chức phi chính phủ hỗ trợ chủ voi chuyển đổi hình thức du lịch từ cưỡi voi sang khai thác du lịch thân thiện với voi.
Kim Anh