(Moitruong.net.vn) – Rác thải y tế là mối nguy hại đối với con người, môi trường, nhưng hiện nay, công tác thu gom, xử lý tại các trạm y tế trên địa bàn huyện Đắk Mil (Đắk Nông) vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập.
Lò đốt của Trạm y tế xã Thuận An, huyện Đắk Mil (Đắk Nông) đã xuống cấp, chủ yếu chỉ dùng để đốt các loại rác thải sinh hoạt như giấy tờ, hộp thuốc…
Thu gom đưa đến bệnh viện huyện xử lý
Mỗi tháng, lượng rác thải ở mỗi trạm y tế khoảng 3-5 kg, chủ yếu tập trung trong các ngày tiêm chủng mở rộng. Chính vì lượng rác thải không nhiều nên việc xử lý rác thải tại các trạm y tế trên địa bàn lâu nay chưa được quan tâm đúng mức. Về nguyên tắc chung, các chất thải y tế đều được phân loại tại chỗ. Việc chứa đựng và xử lý cũng có quy trình riêng gồm đốt, chôn hoặc đưa về lò đốt của các bệnh viện.
Hiện nay, để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, các trạm y tế trên địa bàn huyện không xử lý rác thải y tế bằng cách chôn lấp hay đốt tại trạm mà đều tổ chức thu gom. Sau đó, lượng rác thải này được đưa về Bệnh viện Đa khoa huyện Đắk Mil để xử lý bằng lò đốt.
Đơn cử như Trạm y tế xã Thuận An, lò đốt rác thủ công của trạm đã xuống cấp, chủ yếu chỉ dùng để đốt các loại rác thải sinh hoạt như giấy tờ, hộp thuốc… Đối với rác thải y tế, trạm phải đóng vào các thùng kín và vận chuyển bằng xe máy đến lò đốt của bệnh viện huyện để đốt nhờ.
Bác sĩ Nguyễn Đắc Thành, cán bộ Trạm y tế xã cho biết: “Cứ vài ngày, nhất là sau những ngày tiêm chủng mở rộng, trạm lại vận chuyển rác đến bệnh viện một lần. Do không có xe chuyên dụng nên anh em phải buộc rác đằng sau xe máy để chở đi”.
Đối với các trạm y tế xa trung tâm, việc vận chuyển khá vất vả và mất nhiều thời gian trong khi nguồn nhân lực của trạm ít, công việc lại nhiều. Theo Trưởng Trạm y tế xã Đắk Gằn Nguyễn Anh Đức, trạm cách bệnh viện huyện hơn 20 km, mỗi lần chở rác đến đốt phải mất nửa ngày. Chưa kể, kinh phí cho việc thu gom và xử lý rác thải y tế của trạm chưa có nên các chi phí đều do cán bộ y tế tự lo.
Tại Trạm y tế xã Đức Minh, mặc dù mới được xây dựng khang trang, có lò đốt thủ công ngay tại chỗ, nhưng đến nay, trạm vẫn chưa sử dụng lần nào vì sợ ô nhiễm môi trường. Theo bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Huyên, Trưởng Trạm tế xã, trạm được xây dựng ngay gần khu dân cư nên việc đốt rác thải y tế bị người dân phản đối gay gắt. Thậm chí, chính quyền địa phương cũng yêu cầu trạm không được đốt vì sợ ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.
Bác sĩ Huyên cho biết: “Lò đốt được xây dựng ngay bên giếng nước sinh hoạt của trạm. Dẫu biết không sử dụng là lãng phí tiền của xây dựng, nhưng trạm cũng không dám đốt rác thải y tế tại đây, bởi nó vừa ảnh hưởng đến môi trường, vừa ô nhiễm nguồn nước. Vậy là, các loại rác thải y tế lại được đóng gói vào các thùng xốp, dán kín và chở đến lò đốt của bệnh viện”.
Chỉ có 2 trạm có hệ thống xử lý rác thải đạt chuẩn
Lò đốt của Trạm y tế xã Đức Minh, huyện Đắk Mil (Đắk Nông) mới được xây dựng đúng quy chuẩn, nhưng không sử dụng vì sợ ảnh hưởng đến dân cư xung quanh
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Được, Trưởng Khoa y tế công cộng (Trung tâm y tế huyện Đắk Mil), hiện nay, nhờ được trang bị các tủ bảo ôn, túi hộp đựng rác, hóa chất diệt khuẩn… nên khâu thu gom, lưu giữ, phân loại rác thải y tế tại các trạm y tế đã được thực hiện đầy đủ và khá hiệu quả. Tuy nhiên, việc vận chuyển rác đến lò đốt tập trung lại bất cập do không có phương tiện vận chuyển chuyên dụng. Theo quy định, các chất thải y tế phải được vận chuyển bằng xe chuyên dụng, có thùng kín và bảo đảm về nhiệt độ phù hợp. Hiện nay, rác thải y tế tại các trạm đều chỉ được đóng vào các hộp đơn giản và vận chuyển bằng xe máy.
Mặt khác, hiện nay, các trạm y tế trên địa bàn chưa được đầu tư hệ thống xử lý chất thải lỏng. Cùng với khó khăn trong khâu vận chuyển rác, hiện các trạm y tế không có nguồn kinh phí dành riêng cho việc xử lý rác thải. Về phía trung tâm, hàng năm, việc kiểm tra, giám sát môi trường ở các trạm y tế cũng được triển khai, nhưng chỉ lồng ghép do kinh phí hạn chế. Qua kiểm tra, toàn huyện chỉ có 2/10 trạm y tế có hệ thống xử lý rác thải y tế đạt chuẩn.
Bác sĩ Nguyễn Đình Hòa, Phó Giám đốc Trung tâm y tế huyện Đắk Mil cho biết: “Cùng với tranh thủ các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, việc tăng cường kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở các trạm y tế thực hiện tốt quy chế quản lý rác thải y tế là điều hết sức cần thiết. Cán bộ, nhân viên y tế cũng cần được tập huấn, hướng dẫn về công tác phân loại rác, thu gom và xử lý đúng cách”.
Thực tế, cùng với việc mở rộng mạng lưới chăm sóc sức khỏe nhân dân, lượng chất thải y tế phát sinh sẽ ngày càng tăng là điều không thể tránh khỏi. Điều này đòi hỏi việc quản lý, xử lý chất thải y tế phải được quan tâm đúng mức để giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm môi trường sống của cộng đồng. Bên cạnh đó, vấn đề xây dựng hệ thống xử lý chất thải y tế tại các trạm y tế cũng phải bảo đảm đúng tiêu chuẩn kỹ thuật và bố trí vị trí phù hợp, tránh tình trạng không sử dụng được, gây lãng phí.
Theo báo Đắk Nông