Điển hình, hồi cuối tháng 7, đầu tháng 8/2023, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Đắk Nông liên tiếp đón những cơn mưa lớn, kéo dài suốt nhiều giờ đồng hồ, gây ngập lụt trên diện rộng.
Trong 2 ngày 30 và 31/7, nhiều nơi trong tỉnh ghi nhận mưa lớn kỷ lục, lượng mưa dao động trên dưới 150mm, có nơi 200mm. Đây được coi là đợt mưa lũ kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây tại Đắk Nông.
Để đảm bảo an toàn tuyệt đối tính mạng cho người dân, chính quyền địa phương cùng các ngành chức năng khẩn trương tiến hành nhiều cuộc di dân khẩn cấp. Đến nay, huyện này đã đề nghị UBND tỉnh Đắk Nông cho chủ trương xây dựng 2 điểm tái định cư, với quy mô bố trí ổn định cho khoảng 120 hộ dân tại bon Bu Krắc và bon Bu Prăng 1A.
Trực tiếp đến các khu vực ngập lụt, sạt lở, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cùng Phó chủ tịch Lê Trọng Yên yêu cầu lãnh đạo các địa phương và sở, ngành liên quan chủ động phòng tránh thiên tai, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại. Đối với những khu vực có nguy cơ mất an toàn do sụt lún, sạt trượt, lãnh đạo tỉnh yêu cầu di dời khẩn và có phương án bố trí nơi ăn chốn ở đảm bảo cho người dân an tâm.
Tại các cuộc làm việc với các địa phương, sở ngành về công tác phòng chống thiên tai, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Đắk Nông Hồ Văn Mười đánh giá, các sở, ngành, địa phương đã có sự chủ động, tích cực và phối hợp nhịp nhàng nhằm ứng phó với những diễn biến thất thường của thiên tai.
Các ngành, địa phương đã làm tốt hoạt động tổ chức trực ban 24/24h để theo dõi tình hình, kịp thời chỉ đạo, chỉ huy ứng phó theo đúng chức năng, nhiệm vụ được phân công; chủ động, phát huy khả năng phòng, chống thiên tai theo phương châm "4 tại chỗ"; không để bị động, bất ngờ trong các tình huống thiên tai, từ đó tránh được thiệt hại về người và hạn chế thiệt hại tài sản trong nhân dân.