Trên địa bàn huyện Đắk Mil, Đăk Nông có hơn 250 lò sấy cà phê hoạt động trong khu dân cư. Vào dịp cao điểm, lò sấy hoạt động nhiều, khói thải ra nghi ngút, đen kịt. Nhiều người dân cho hay, bầu trời ở đây lúc nào cũng chìm trong “sương mù”.
Thời gian hoạt động của các lò này kéo dài từ 12-24 tiếng mỗi ngày, đồng nghĩa với việc dân cư ở đây phải chịu cảnh “sống khổ sống sở” trong làn khói ô nhiễm. Trên các tuyến đường khói đen làm hạn chế tầm nhìn của các phương tiện.
Hình ảnh một lò sấy cà phê ở Đăk Nông
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Văn Hiệp, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đắk Nông cho biết: “Trước mắt, có hai phương án được đưa ra để bảo vệ môi trường là di dời các lò sấy này vào khu công nghiệp và sử dụng lò sấy hiệu quả về mặt kinh tế và môi trường.
Tuy nhiên, việc di dời lò sấy đòi hỏi phải có kinh phí hỗ trợ, bên cạnh đó chủ yếu các lò sấy chỉ hoạt động đặc thù thời vụ ngắn và liên quan đến giao dịch mua bán nên rất khó khăn.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có một số hộ gia đình sử dụng lò sấy tự đảo, khép kín được đánh giá là hiệu quả và hạn chế được thấp nhất ô nhiễm khói bụi, tiếng ồn. Tuy nhiên, các lò này đang ở quy mô hộ gia đình, chưa áp dụng vào hộ sản xuất, kinh doanh với quy mô lớn. Bên cạnh đó, tâm lý của người dân ngại bỏ tiền đầu tư lại lò sấy mới mà chỉ cải tạo và sử dụng lò cũ nên rất khó”.
Phạm Huyền (t/h)