Đảm bảo nước tưới cho lúa đông xuân ở Nam Trung bộ

Hoàng Linh|11/01/2024 13:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Hiện các công ty khai thác công trình thủy lợi ở khu vực Nam Trung bộ thực hiện điều tiết nước các hồ chứa hợp lý, bảo đảm sản xuất lúa đông xuân 2023-2024.

Trên cánh đồng mẫu thuộc xã Hòa Tân Đông, thị xã Đông Hòa (Phú Yên), thời điểm này nông dân đồng loạt ra đồng cấy dặm, bón thúc đợt 1.

Ông Nguyễn Dựng ở thôn Phú Đa, xã Hòa Tân Đông cho biết, nhờ nguồn nước được thủy nông thực hiện điều tiết đầy đủ, kịp thời nên cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt. Hiện hầu hết các gia đình đều tranh thủ ra đồng dặm tỉa, bón phân. Nhờ vậy, cây lúa hồi nhanh và đẻ nhánh rộ.

Tương tự, tại cánh đồng ở xã Hòa Bình 1, huyện Tây Hòa, hiện lúa đông xuân đã được 15 - 20 ngày tuổi và được cung cấp nước kịp thời. Ông Huỳnh Văn Khả, thôn Phước Nông, xã Hòa Bình 1 cho biết, để đảm bảo cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt, người dân đã chủ động duy trì mực nước hợp lý trên đồng ruộng và không để ruộng thiếu nước, khô cạn hoặc ngập úng.

nuoc-tuoi-1.jpg
Nguồn nước đảm bảo cho cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt. Ảnh: KS.

Theo Công ty TNHH MTV thủy nông Đồng Cam, để sản xuất vụ đông xuân diễn ra thuận lợi, Công ty đã đề nghị các địa phương tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng nước tiết kiệm ngay từ đầu vụ, tránh tình trạng thất thoát, lãng phí nguồn nước. Bên cạnh đó, các huyện, thành phố cần chủ động xây dựng kế hoạch gieo cấy, bố trí cơ cấu giống, thời vụ gieo trồng phù hợp...

Ông Nguyễn Minh Huệ, Chủ tịch Công ty TNHH MTV thủy nông Đồng Cam cho biết, trong năm 2024, Công ty được UBND tỉnh giao kế hoạch cung cấp nước tưới, tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh với diện tích trên 38.000ha, trong đó vụ đông xuân hơn 19.623ha.

Để đảm bảo nguồn nước tưới kịp thời, đầy đủ cho từng giai đoạn cho cây lúa, Công ty đã yêu cầu các đơn vị chỉ mở nước phục sản xuất. Các trạm khai thác thủy lợi ở các huyện, thành phố cũng xây dựng kế hoạch tưới cụ thể, chi tiết cho từng công trình, xứ đồng; đồng thời thông báo kịp thời lịch cấp nước cho các địa phương để người dân chủ động lấy nước.

“Hiện Công ty quản lý, vận hành khai thác 12 hệ thống công trình thủy lợi với nguồn nước đã tích đảm bảo đủ nước tưới theo kế hoạch vụ đông xuân. Đối với các hệ thống công trình thuỷ lợi nguồn nước đến phụ thuộc vào nguồn nước phát điện, Công ty sẽ phối hợp với các nhà máy thủy điện để đảm bảo ổn định lưu lượng đến công trình thuỷ lợi. Trong trường hợp nguồn nước đến không ổn định, Công ty cũng đã chủ động xây dựng phương án chống hạn, sẵn sàng vận hành các công trình chống hạn đảm bảo kế hoạch tưới, tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp vụ đông xuân”, ông Huệ chia sẻ.

Theo Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Khánh Hòa, kết thúc mùa mưa năm 2023, hiện 19 hồ chứa nước do đơn vị quản lý đã tích nước đạt từ 90 - 100% so với dung tích thiết kế (riêng chỉ hồ Tiên Du đạt 70% và hồ Suối Sim đạt 59%).

Ông Đinh Tấn Thành, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Khánh Hòa cho biết, với dung tích hiện tại của các hồ chứa và nguồn nước đến các đập dâng, sẽ đảm bảo cấp nước tưới cho hơn 16.718ha lúa vụ mùa và vụ đông xuân theo kế hoạch đề ra (trong đó vụ đông xuân hơn 16.180ha) và cung cấp nước thô.

Theo ông Đinh Tấn Thành, tính đến 4/1, toàn tỉnh Khánh Hòa đã sản xuất 12.127ha lúa, đạt 73% so với diện tích kế hoạch. Số diện tích còn lại, hiện bà con làm đất để tiếp tục gieo sạ trong thời gian đến.

Để đảm bảo việc cung cấp nước từ các công trình hồ chứa, đập dâng đạt hiệu quả, tránh lãng phí, thất thoát nước, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Khánh Hòa chỉ đạo công nhân thủy nông thường xuyên nạo vét, di dời vật cản trong lòng kênh mương, đồng thời vận hành các cửa lấy nước trên kênh, cống lấy nước của hồ chứa, đập dâng phải đảm bảo đúng, đủ lưu lượng nước cần cấp.

Bên cạnh đó, Công ty còn yêu cầu các HTX nông nghiệp, UBND xã, UBND huyện tổ chức triển khai nạo vét, khắc phục các vị trí bị hư hỏng, rò rỉ nước ở các tuyến kênh nội đồng để đảm bảo không lãng phí nguồn nước trong quá trình dẫn nước tưới. Cùng với đó, tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng nước tưới tiết kiệm, tránh lãng phí.

Còn theo Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bình Thuận, hiện lượng nước hữu ích các hồ chứa thủy lợi do Công ty quản lý là 321/363 triệu m³, đạt 88,8% so với dung tích thiết kế, cao hơn cùng kỳ 24,60 triệu m³. Bên cạnh đó, các hồ thủy điện Hàm Thuận và Đại Ninh hiện mực nước đều đạt hơn 99% so với dung tích thiết kế, cao hơn cùng kỳ.

nuoc-tuoi.png
Công ty thủy lợi Bình Thuận mở nước phục vụ sản xuất vụ đông xuân. Ảnh: KS

Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Quản lý nước và công trình (Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bình Thuận) cho biết, lượng nước trên bảo đảm cấp nước tưới vụ đông xuân với tổng diện tích hơn 53.000ha, trong đó hơn 33.000ha lúa và hoa màu, 19.663ha thanh long và cây ăn quả cùng 411ha nuôi trồng thủy sản.

“Để đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất vụ đông xuân và cấp nước sinh hoạt cho nhân dân trong mùa khô năm 2024, Công ty đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc quản lý chặt chẽ nguồn nước, đôn đốc các địa phương đẩy nhanh tiến độ sản xuất. Đến nay, các địa phương đã xuống giống trên 21.000ha, đạt khoảng 63,6% kế hoạch”, ông Khoa chia sẻ.

Cũng theo ông Khoa, để góp phần nâng cao năng suất trong vụ đông xuân, Công ty đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc bám sát địa bàn sản xuất, đẩy nhanh công tác tu sửa các công trình, cống lấy nước, trạm bơm tưới…, nạo vét, khơi thông các cửa lấy nước và tuyến kênh mương để phục vụ công tác tưới.

Đồng thời xây dựng kế hoạch cấp nước từ các hệ thống công trình thủy lợi, phân lịch phiên tưới cho từng tuyến kênh, phối hợp chặt chẽ với các tổ dùng nước của địa phương điều tiết nước tưới tiết kiệm, hiệu quả…

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Đảm bảo nước tưới cho lúa đông xuân ở Nam Trung bộ
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.