Quảng Nam: Trạm bơm tiền tỷ hoạt động không hiệu quả, nhiều diện tích đất thiếu nước tưới

Hoàng Linh|09/01/2024 10:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Những năm trước, do thiếu nước tưới tiêu nên việc sản xuất lúa tại các cánh đồng Rộc, Hóc Bầu và Gò Bút (thôn Long Khánh, xã Tam Đại, Phú Ninh, Quảng Nam) chỉ thực hiện được 1 vụ đông xuân từ nguồn nước trời, vụ còn lại phải bỏ hoang.

Cùng với đó, vào mùa nắng nóng, người dân nơi đây cũng thường xuyên đối mặt với nguy cơ thiếu nước sinh hoạt do nguồn nước ngầm cạn kiệt.

Trạm bơm Long Sơn và tuyến kênh mương dẫn nước để phục vụ tưới cho các cánh đồng, bà con rất phấn khởi. Dự án được khởi công năm 2017, với kinh phí khoảng 4 tỷ đồng từ nguồn ngân sách huyện. Chủ đầu tư là Ban quản lý Dự án - Quỹ đất huyện Phú Ninh. Dự kiến, đến năm 2020 sẽ thực hiện xong. Thế nhưng, đến giữa năm 2023, công trình mới hoàn thành và đưa vào sử dụng, bắt đầu bơm nước tưới cho người dân địa phương canh tác vụ lúa hè thu.

Mặc dù vậy, trong quá trình vận hành, trạm bơm này bộc lộ điểm bất cập, không được như mong đợi. Nhiều diện tích không thể lấy được nước. Ông Phan Văn Hoa (trú thôn Long Khánh) chia sẻ, nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là do một số đoạn kênh mương được đào quá sâu, thấp hơn mặt ruộng. Vậy nên, để có nước, người dân phải sử dụng máy bơm để tiếp tục bơm nước từ kênh lên. Tuy nhiên, lượng nước cũng không đủ để tưới cho toàn bộ 3 cánh đồng này.

“Tôi không hiểu sao họ lại xây dựng tuyến kênh cắt qua cánh đồng mà không xây vòng xung quanh cánh đồng. Điều này dẫn đến những đám ruộng phía trên vẫn không thể lấy được nước. Vụ đông xuân năm nay lại tiếp tục sử dụng nước trời. Một số đám khác chấp nhận bỏ hoang. Dù trong quá trình xây dựng, người dân chúng tôi cũng nhiều lần góp ý, kiến nghị rồi”, ông Hoa nói.

Cũng theo ông Hoa, trong quá trình xây dựng trạm bơm và tuyến kênh dẫn, bản thân gia đình ông và nhiều hộ dân khác trong thôn đã tình nguyện hiến đất phục vụ thi công. Vậy nhưng khi công trình hoàn thành lại không mang lại hiệu quả như mong muốn nên bà con khá bức xúc. Chưa hết, có đoạn kênh được đào rất sâu xuống đất vườn, ngay sát con đường làng nhưng khi xây xong lại không có nắp đậy và trả lại mặt bằng dẫn đến nhiều trường hợp gia súc, xe cộ đi qua bị sụp xuống kênh, tiềm ẩn nguy hiểm.

thieu-nuoc-tuoi.png
Người dân địa phương cho rằng, nhiều đoạn kênh mương được thiết kế chưa hợp lý dẫn đến tình trạng nước tưới không đáp ứng được điều kiện sản xuất. Ảnh: L.K

Ông Thái Hữu Triệu, Trưởng thôn Long Khánh cho biết: “Trạm bơm Long Sơn đưa vào hoạt động đã đáp ứng được 1 phần nhu cầu nước tưới phục vụ sản xuất lúa cho người dân địa phương. Một số diện tích khác không lấy được nước nên bà con vẫn phụ thuộc vào nước trời. Chúng tôi mong muốn ngành chức năng có biện pháp để trạm bơm này hoạt động hiệu hơn, từ đó góp phần nâng cao thu nhập, đồng thời phát triển kinh - xã hội ở địa phương”.

Ông Nguyễn Quốc Phượng, Chủ tịch UBND xã Tam Đại cho biết, Trạm bơm Long Sơn được xây dựng với kỳ vọng sẽ phục vụ nước tưới cho hơn 100ha đất lúa và hoa màu của gần 200 hộ dân trong xã. Dù đã đưa vào vận hành nhưng đến nay, chủ đầu tư dự án vẫn chưa bàn giao cho chính quyền địa phương quản lý. Hiện toàn xã có khoảng 20ha canh tác không có nước tưới dẫn đến năng suất lúa, cây trồng khác của người dân thấp.

“Trong các cuộc tiếp xúc cử tri ở huyện, chính quyền xã Tam Đại đã nhiều lần kiến nghị với lãnh đạo huyện Phú Ninh về vấn đề này. Tuy nhiên đến giờ chủ đầu tư dự án vẫn chưa nghiệm thu, chỉ mới vận hành thử nghiệm. Do trạm bơm chậm đưa vào hoạt động, nhiều diện tích đất thiếu nước, sản xuất khó khăn nên chính quyền xã cũng lên phương án chuyển đổi cây trồng hoặc chuyển đổi ngành nghề để giúp nhân dân có nguồn thu nhập”, ông Phượng nói.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Nam: Trạm bơm tiền tỷ hoạt động không hiệu quả, nhiều diện tích đất thiếu nước tưới