Đẩy mạnh hợp tác ứng dụng công nghệ thông tin trong cảnh báo khí tượng thủy văn

Lương Anh|06/03/2021 02:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Với nhu cầu hiện tại, ngành Khí tượng Thủy văn mong muốn xây dựng mạng lưới quan trắc KTTV bứt phá và hiện đại; hệ thống thông tin ổn định trong thời tiết xấu và cực xấu; ứng dụng sâu trí tuệ nhân tạo trong các hoạt động dự báo, cảnh báo KTTV…

Chiều 4/3, tại Hà Nội, Tổng cục Khí tượng Thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường) và Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội Viettel đã tổ chức Lễ ký kết hợp tác ứng dụng công nghệ thông tin giữa hai đơn vị.

 Toàn cảnh Lễ ký kết

Mục tiêu việc ký kết hợp tác nhằm nghiên cứu xây dựng ứng dụng công nghệ thông tin, điện tử viễn thông ngành Khí tượng Thủy văn (KTTV) theo định hướng chiến lược phát triển ngành KTTV đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045 và trên cơ sở yêu cầu công tác quy hoạch mạng lưới trạm KTTV quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2045.

Theo đó, hai bên sẽ cùng trao đổi, cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời về các vấn đề có khả năng hợp tác. Hai bên sẽ cùng phối hợp xây dựng mạng lưới quan trắc KTTV hiện đại, cụ thể: Đề xuất các giải pháp tiên tiến, công nghệ quan trắc KTTV ứng dụng CN4.0, tạo bứt phá trong phát triển ngành KTTV phù hợp với Chính phủ số trong ngành tài nguyên và môi trường; Nghiên cứu phát triển trang thiết bị đo ứng dụng CN4.0; tư vấn, phối hợp tăng cường mạng lưới quan trắc tại các khu vực vùng núi, hải đảo, biên giới, trên tàu thuyền… Xây dựng đường truyền tốc độ cao từ các trạm ra đa thời tiết đến Tổng cục KTTV, đặc biệt là từ các trạm ra đa thời tiết trên các đảo xa…

Cán bộ ngành KTTV bám sát diễn biến thời tiết để đưa ra những bản tin giúp người dân phòng chống thiên tai

Đồng thời, hai bên sẽ xây dựng các giải pháp công nghệ thông tin về dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn như: Xây dựng các giải pháp công nghệ thông tin về dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn; phối hợp thực hiện các nghiên cứu thực nghiệm về bão, ứng dụng flycam điều tra, khảo sát thực trạng lũ quét, sạt lở đất; xây dựng các mô hình dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn dựa trên kỹ thuật AI; tư vấn, hỗ trợ thực hiện các bài toán mô phỏng lũ, ngập lụt; phối hợp thiết lập hệ thống cảnh báo tác động, rủi ro của thiên tai đối với hệ thống hạ tầng của Viettel.

Phát biểu tại biểu lễ, GS.TS Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn nhấn mạnh hợp tác với Viettel là hoạt động hết sức quan trọng của ngành khí tượng thủy văn trong năm 2021.

Theo ông, việc hợp tác nghiên cứu xây dựng các ứng dụng công nghệ thông tin, điện tử viễn thông cho ngành KTTV theo định hướng, quan điểm, chương trình hành động của Chính phủ để thực hiện cuộc cách mạng 4.0 cũng như hiện thực hóa chiến lược phát triển ngành đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045 là hoạt động hết sức quan trọng trong năm 2021. Với nhu cầu hiện tại, ngành KTTV mong muốn xây dựng một mạng lưới quan trắc KTTV bứt phá và hiện đại; hệ thống thông tin ổn định trong thời tiết xấu và cực xấu; ứng dụng sâu trí tuệ nhân tạo trong các hoạt động dự báo, cảnh báo KTTV…

Lương Anh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Đẩy mạnh hợp tác ứng dụng công nghệ thông tin trong cảnh báo khí tượng thủy văn
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.