Đẩy mạnh hợp tác với Thụy Điển về đào tạo trong lĩnh vực Tài nguyên và Môi trường

Theo Monre|07/03/2018 04:22
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – Đó là mong muốn của PGS.TS. Nguyễn Ngọc Thanh – Hiệu trưởng Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Hà Nội tại buổi làm việc với Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam Pereric Högberg và đoàn chuyên gia Thụy Điển vào sáng 6/3, tại Hà Nội.

Ban Giám hiệu, giảng viên và sinh viên nhà trường chụp ảnh lưu niệm với Ngài Đại sứ và đoàn chuyên gia Thụy Điển

Phát buổi chào mừng lễ đón tiếp, PGS.TS. Phạm Quý Nhân – Phó Hiệu trưởng trường Đại học TN&MT Hà Nội cho biết: Tại hội thảo, nhóm chuyên gia Thụy Điển sẽ chia sẻ những kiến thức và kinh nghiệm quý báu của họ liên quan đến các vấn đề đang được thế giới quan tâm liên quan đến môi trường như: quản lý tài nguyên nước, quản lý Biển, biến đổi khí hậu, thiên tai…, đồng thời chia sẻ các vấn đề liên quan đến chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững và các vấn đề khác liên quan.

“Trường Đại học TN&MT Hà Nội là một trường đại học non trẻ nên cần chuyên môn sâu hơn từ các nước phát triển, đặc biệt là Thụy Điển về các lĩnh vực tài nguyên và môi trường, từ đó, có thể nâng cao năng lực cho trường trong tương lai” – PGS.TS. Phạm Quý Nhân mong muốn.

Chia sẻ về kinh nghiệm của Thụy Điển trong việc bảo vệ môi trường, Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam Pereric Högberg cho biết: Kể từ giữa những năm 1990, Thụy Điển là một trong số ít các nước công nghiệp hóa đã quản lý một cách khá tuyệt đối và duy trì sự cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và phát thải carbon: Kết quả tỷ lệ tăng trưởng kinh tế đang tiếp tục tăng lên cùng với mức phát thải giảm đi. Mức phát thải khí nhà kính của Thụy Điển nằm ở mức thấp nhất trong EU và OECD, tính theo đầu người.

Ngài Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam Pereric Högberg phát biểu

“Trong giai đoạn 2015 – 2018, Thụy Điển đã dành 4 nghìn tỷ SEK (522 triệu EUR) – nhiều hơn bất cứ quốc gia nào khác nếu tính đầu người – cho Quỹ Khí hậu Xanh của LHQ, một cơ chế tài chính sẽ giúp chuyển đổi sang mô hình kinh tế mới nhằm thích ứng với khí hậu” – Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam Pereric Högberg chia sẻ.

Theo ông Pereric Högberg, thông điệp của Thụy Điển là 15 năm đầu tư kế tiếp sẽ xác định tương lai của khí hậu thế giới – đây nên được xem như là một cơ hội tài chính chứ không phải là một gánh nặng.

Theo ông Jakob Granit, Cục trưởng Cục Quản lý Nước và Biển Thụy Điển, ở Việt Nam, hạn hán xảy ra nhiều, trữ lượng nước giảm, sông bị khai thác và chia đoạn nên người dân phải hứng chịu nhiều hậu quả. Một vấn đề khác là rác thải biển từ đất liền đổ ra biển, gây ảnh hưởng đến hệ sinh thái biển và đại dương. Ngoài ra, các hiện tượng phù dưỡng từ hoạt động nông nghiệp đã dẫn đến tảo nở hoa và ảnh hưởng đến ngành thủy sản. Tất cả ngành khoa học và các chuyên gia phải làm việc với nhau để giải quyết các vấn đề đó.

Ông Niall O’ Connor, Giám đốc Trung tâm châu Á (Viện Môi trường Stockholm (SEI) chia sẻ: SEI đã làm việc với nhiều đối tác như các trường học và cơ quan nhà nước để cùng nhau đưa ra ý tưởng giải quyết các vấn đề về môi trường. Để làm việc hiệu quả, cần có sự tham gia của tất cả các bạn trẻ, gồm cả nam và nữ. SEI đã sử dụng những thành công trên thế giới được áp dụng cho châu Á.

“Đối với sinh viên, các bạn cần tham gia sáng tạo vào các hoạt động bên ngoài lớp học để có thể tích lũy được nhiều kiến thức và kinh nghiệm hơn, góp phần không nhỏ vào công cuộc gìn giữ và bảo vệ tài nguyên và môi trường” – ông Niall O’ Connor khuyến khích.

Quyền Giám đốc về Quản trị nước, Viện Nước Quốc tế Stockholm (SIWI) bà Birgitta Liss Lymer cho biết: Thụy Điển và Việt Nam có sự tương đồng đó là gần như cùng chiều dài bờ biển, có các vấn đề về sử dụng tài nguyên, vấn đề đất và biển. Nước là vấn đề chính có thể dẫn đến phát triển bền vững và nhiều vấn đề liên quan đến nước tồn tại như thiếu nước, lượng mưa tăng do BĐKH và nhiễm mặn.

Theo bà, sự khác biệt giữa 2 quốc gia là dân số. Việt Nam có dân số lớn hơn nhiều so với Thụy Điển nên những ảnh hưởng về môi trường sẽ lớn hơn nhiều.

Ông L. Phil Graham – Giám đốc dự án quốc tế, Viện Khí tượng Thuỷ văn Thụy Điển (SMHI) chia sẻ: Vấn đề môi trường được đề cập nhiều nhưng BĐKH là vấn đề nóng nhất, tất cả các lĩnh vực, vấn đề về môi trường đều liên quan đến BĐKH. BĐKH ở mức độ hiện tại có thể ảnh hưởng lâu dài, dù BĐKH không xảy ra nữa thì tác động tiêu cực của nó vẫn còn tồn tại dai dẳng.

“Sinh viên cần sử dụng kiến thức của mình để tìm ra con đường lớn nhất trong điều kiện có thể. Sinh viên luôn phải tự phân tích từ cái nhìn của bản thân phải làm gì để có thể mang lại tương lai tốt đẹp nhất. Ví dụ, tìm hiểu khi ảnh hưởng của BĐKH khiến lượng mưa tăng lên 30% trong thời gian một ngày hay dài ngày có thể ảnh hưởng đến Việt Nam như thế nào, khi nào thực sự là thảm họa” – ông L. Phil Graham khuyến khích.

PGS.TS. Nguyễn Ngọc Thanh – Hiệu trưởng Trường Đại học TN&MT Hà Nội mong muốn có nhiều cơ hội hợp tác về đào tạo nhân lực TN&MT với Thụy Điển

Kết thúc buổi làm việc, PGS.TS. Nguyễn Ngọc Thanh – Hiệu trưởng Trường Đại học TN&MT Hà Nội đánh giá cao những chia sẻ của các chuyên gia Thụy Điển trong các lĩnh vực quản lý nước và biển, BĐKH và phát triển bền. “Những chia sẻ này cung cấp cho đội ngũ sinh viên, giảng viên và cán bộ công nhân viên của trường nhiều kiến thức và thông tin quý giá về những kinh nghiệm thực tế ở Thụy Điển” – PGS.TS. Nguyễn Ngọc Thanh nhấn mạnh.

Theo Monre


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Đẩy mạnh hợp tác với Thụy Điển về đào tạo trong lĩnh vực Tài nguyên và Môi trường
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.