Emagazines

Chuyên đề: Biến rác thải thành tài nguyên – Hướng đi cho phát triển bền vững

Mai Hạ 03/07/2025 15:23

Trong bối cảnh Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển mới với yêu cầu ngày càng cao về tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, vấn đề rác thải từ lâu vốn được xem là “gánh nặng”, đang được nhìn nhận lại như một nguồn tài nguyên tiềm năng nếu biết quản lý và khai thác hợp lý.

hd3.jpg

Trong những thập niên gần đây, rác thải rắn đô thị, công nghiệp và nông nghiệp đang nổi lên như một trong những thách thức môi trường nghiêm trọng nhất ở Việt Nam. Khối lượng rác phát sinh ngày càng gia tăng, trong khi tỷ lệ tái chế, tái sử dụng còn thấp, chủ yếu vẫn dựa vào hình thức chôn lấp và đốt lộ thiên – gây ra nhiều hệ lụy về môi trường, sức khỏe cộng đồng và phát triển kinh tế – xã hội.

Tuy nhiên, dưới góc nhìn của kinh tế tuần hoàn và quản lý tài nguyên bền vững, rác thải không còn được xem thuần túy là chất thải, mà đang được tái định nghĩa như một dạng “tài nguyên thứ cấp” có thể thu hồi, tái chế và tái tạo thành sản phẩm hoặc năng lượng. Thực tiễn quốc tế đã chứng minh: nếu được phân loại, xử lý và khai thác hiệu quả, rác có thể đóng vai trò quan trọng trong việc giảm khai thác tài nguyên sơ cấp, giảm phát thải khí nhà kính và thúc đẩy đổi mới công nghệ.

Với chức năng là một Tạp chí chuyên ngành về môi trường, chúng tôi nhận thấy việc triển khai một chuyên đề báo chí chuyên sâu về “Biến rác thải thành tài nguyên” là cần thiết và cấp bách, xuất phát từ các lý do chính sau:

Góc độ khoa học – công nghệ: Đánh giá tiềm năng khai thác tài nguyên từ rác thải; giới thiệu các tiến bộ kỹ thuật và công nghệ xử lý, tái chế, thu hồi năng lượng hiệu quả, thân thiện với môi trường.

Góc độ chính sách – pháp lý: Phân tích các cơ chế hiện hành như Luật Bảo vệ môi trường 2020, cơ chế trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR), chính sách thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực chất thải.

Góc độ thực tiễn: Ghi nhận những mô hình điển hình, sáng kiến cộng đồng, doanh nghiệp khởi nghiệp xanh… đang góp phần thay đổi cách nhìn về rác tại Việt Nam.

Góc độ phản biện: Chỉ ra những rào cản lớn đang kìm hãm quá trình “chuyển hóa rác” – từ nhận thức, hạ tầng, cơ chế thị trường đến việc phối hợp giữa các chủ thể liên quan.

Với chuyên đề này, chúng tôi kỳ vọng tạo ra một diễn đàn kết nối giữa giới nghiên cứu – nhà hoạch định chính sách – doanh nghiệp môi trường và cộng đồng thực hành, nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi từ mô hình xử lý rác thải sang mô hình quản lý tài nguyên toàn diện để từng túi rác không còn là gánh nặng, mà trở thành mắt xích của một tương lai phát triển bền vững.

Thực tế cho thấy, mỗi năm Việt Nam thải ra hàng triệu tấn chất thải rắn sinh hoạt, hàng trăm ngàn tấn chất thải nguy hại và nhiều loại chất thải công nghiệp khác. Trong khi đó, tỷ lệ tái chế, tái sử dụng còn rất thấp. Nói như ông Hồ Kiên Trung Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) tại Diễn đàn Công nhân lao động vì môi trường được tổ chức ngày 12/12/2024 thì tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) phát sinh trên toàn quốc khoảng 67.110 tấn/ngày nhưng chất thải có khả năng tái chế dao động từ 20 - 25% tổng lượng CTRSH phát sinh. Đây là nguồn nguyên liệu giá trị cao phục vụ làm nguyên liệu sản xuất; còn lại là CTRSH khác như túi nilong sử dụng một lần, vỏ kẹo, hộp xốp, mảnh gỗ... có giá trị thấp.

2.jpg

Rác thải tưởng chừng là thứ vô giá trị, thứ bỏ đi đang ngày càng trở thành một trong những thách thức nghiêm trọng nhất đối với môi trường, sức khỏe cộng đồng và phát triển bền vững. Từ các bãi rác khổng lồ ở ngoại ô thành phố cho đến những dòng sông đen ngòm rác thải trôi nổi, từ ô nhiễm vi nhựa trong thực phẩm đến khủng hoảng năng lượng và tài nguyên, dấu chân của rác thải đã in hằn lên mọi mặt đời sống hiện đại.

Rác thải đa dạng, phức tạp và ngày càng gia tăng

Trong kỷ nguyên hiện đại, khi tăng trưởng kinh tế và đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, rác thải trở thành một vấn đề nan giải, không chỉ với các đô thị lớn mà còn lan rộng đến vùng nông thôn. Từ rác sinh hoạt đến rác thải điện tử, nông nghiệp, công nghiệp… khối lượng và mức độ độc hại ngày càng gia tăng. Nếu không có giải pháp quản lý và tái sử dụng hiệu quả, rác thải sẽ không chỉ làm suy thoái môi trường mà còn gây tổn thất nặng nề về kinh tế và đe dọa chất lượng sống của hàng triệu người dân.

4.jpg

Rác thải hiện nay không còn chỉ là những túi rác sinh hoạt hằng ngày mà đã trở thành một hệ thống phức tạp với nhiều loại hình như:

Rác sinh hoạt: Chiếm phần lớn trong tổng khối lượng rác thải tại Việt Nam, bao gồm rác hữu cơ (thực phẩm thừa, rau quả hỏng…), rác vô cơ (bao bì nhựa, giấy, vải…) và rác tái chế. (cho vào box ảnh minh họa)

Rác công nghiệp: Phát sinh từ các khu công nghiệp, nhà máy, xưởng sản xuất, trong đó có một phần lớn là chất thải nguy hại nếu không được xử lý đúng quy trình.

Rác thải điện tử: Gồm các thiết bị điện – điện tử hỏng, lỗi thời như máy tính, điện thoại, tivi…, có chứa kim loại nặng như chì, thủy ngân, cadimi – cực kỳ độc hại nếu thải ra môi trường.

Rác nông nghiệp: Vỏ chai, bao bì thuốc bảo vệ thực vật, túi nilon, màng phủ nông nghiệp… đang ngày càng gia tăng ở các vùng trồng trọt và chăn nuôi, nhưng lại chưa được quản lý đồng bộ.

Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, lượng rác thải sinh hoạt ở Việt Nam đã vượt mức 65.000 tấn/ngày, trong khi tỷ lệ xử lý bằng phương pháp hiện đại (đốt, tái chế) chỉ chiếm khoảng 15–20%. Còn lại vẫn chủ yếu chôn lấp, trong đó nhiều bãi rác lộ thiên, gây ô nhiễm nặng nề.

8.jpg

Việt Nam hiện là một trong những quốc gia có tốc độ phát sinh rác thải sinh hoạt tăng nhanh nhất khu vực châu Á – Thái Bình Dương, nhưng tỷ lệ tái chế và tái sử dụng còn rất thấp. Theo số liệu từ Bộ Tài nguyên và Môi trường (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường), mỗi năm Việt Nam phát sinh khoảng 25 triệu tấn chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH), trong đó riêng khu vực đô thị chiếm hơn 70%. Dự báo đến năm 2030, lượng rác thải rắn có thể đạt tới 35-40 triệu tấn/năm nếu không có giải pháp giảm thiểu và phân loại hiệu quả. Các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng... đang phải đối mặt với sức ép khổng lồ từ khối lượng rác thải tăng nhanh, trong khi hệ thống thu gom, vận chuyển và xử lý chưa theo kịp.

Điển hình như ở TP.HCM, gần 10.000 tấn rác sinh hoạt/ngày được thu gom, nhưng đa phần đem đi chôn lấp tại các bãi rác như Đa Phước (huyện Bình Chánh) và Phước Hiệp (huyện Củ Chi). Theo báo cáo tổng kết kết quả thực hiện đồ án quy hoạch xử lý chất thải rắn TP.HCM đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050, tỉ lệ chất thải rắn sinh hoạt được xử lý bằng công nghệ đốt không thu hồi năng lượng, compost, tái chế chỉ đạt 33% quá thấp so với 67% còn lại đang được xử lý bằng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh.

Tại Hà Nội, báo cáo của Sở Nông nghiệp và Môi trường TP Hà Nội, mỗi ngày toàn thành phố phát sinh khoảng 7.000 - 8.000 tấn rác thải sinh hoạt. Từ năm 2022 trở về trước, các khu xử lý rác thải sinh hoạt tập trung của thành phố tiếp nhận khoảng 7.000 tấn/ngày; trong đó hơn 90% lượng rác được xử lý thông qua chôn lấp. Phương pháp này không chỉ tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, mà còn lãng phí nguồn tài nguyên để chuyển hóa thành năng lượng phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Từ khi Nhà máy điện rác Thiên Ý đi vào hoạt động, khoảng 5.500 tấn rác mỗi ngày được xử lý. Tuy nhiên, còn lại 2.500 - 3.000 tấn rác vẫn phải sử dụng phương pháp chôn lấp.

5.jpg

Còn tại Hải Phòng, theo Sở Nông nghiệp và Môi trường (NN&MT) Hải Phòng, mỗi ngày thành phố hoa phượng đỏ phát sinh khoảng 2.010 tấn chất thải rắn sinh hoạt. Đây là một thách thức lớn đối với công tác quản lý, xử lý rác thải và bảo vệ môi trường đô thị ở thành phố này bởi trong khi số lượng rác thải đang không ngừng tăng theo thời gian thì việc xử lý rác vẫn chủ yếu là chôn lấp.

Không chỉ có rác sinh hoạt, Việt Nam còn phải “gánh” một lượng lớn rác thải công nghiệp, rác thải nhựa, rác thải y tế và chất thải nguy hại. Riêng rác nhựa, loại chất thải có khả năng tồn tại hàng trăm năm trong môi trường đang trở thành mối lo lớn. Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, Việt Nam nằm trong nhóm 5 quốc gia xả thải nhựa ra đại dương nhiều nhất thế giới, với khoảng 3,1 triệu tấn rác nhựa mỗi năm, trong đó có đến 10% bị thải trực tiếp ra biển.

Theo bà Hoàng Thị Diệu Linh, cán bộ phụ trách về Chất thải và Kinh tế tuần hoàn thuộc Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) thì báo cáo về môi trường Quốc gia giai đoạn 2016-2020, lượng CTRSH phát sinh ở các đô thị trên toàn quốc tăng trung bình 10-16% mỗi năm. Tổng khối lượng CTRSH phát sinh tại khu vực đô thị là hơn 35.600 tấn/ngày, chiếm khoảng 55% tổng khối CTRSH phát sinh trên cả nước. TP.HCM và thành phố Hà Nội là 2 đô thị có lượng phát sinh CTRSH lớn nhất, lên đến 10.000 tấn/ngày.

Số liệu thống kê mới nhất cho thấy, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh ở nước ta hiện nay khoảng 24,5 triệu tấn và chất thải rắn công nghiệp là 8,1 triệu tấn. Trong đó, rác thải nhựa, nilon hiện đang là một vấn đề khiến Chính phủ phải đau đầu. Ước tính, mỗi ngày nước ta xả ra khoảng 2.500 tấn rác thải nhựa và có từ 0,28 đến 0,73 triệu tấn được xả ra đại dương. Đại diện Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc cho biết, lượng rác thải nhựa trên biển của nước ta nhiều thứ 4 thế giới, chỉ sau Trung Quốc, Indonesia và Philippines. Việt Nam có tổng cộng 112 cửa biển và 80% rác thải trên biển đều trôi ra từ đây. Trong đó, phần lớn đều là rác thải sinh hoạt.

6.jpg

Trong khi đó, tỷ lệ thu gom rác thải sinh hoạt tại đô thị hiện nay đạt khoảng 70% đến 85% và ở nông thôn chỉ khoảng 40% đến 55%. Đối với hoạt động công nghiệp, tỷ lệ thu gom rác thải rắn đạt chỉ 31%. Phương pháp xử lý rác thải phổ biến nhất ở nước ta vẫn là chôn lấp và đốt thủ công. Cả nước hiện có hơn 660 bãi chôn lấp nhưng chỉ khoảng 120 bãi là hợp vệ sinh. Theo phạm vi, nơi có tỷ lệ phát sinh rác thải nhiều nhất là khu vực Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Hồng. Điều này đã và đang là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến ô nhiễm môi trường một cách nghiêm trọng.

Hiểm họa môi trường và rào cản cho phát triển bền vững

Nếu không được thu gom và xử lý hiệu quả, rác thải để lại hệ lụy lớn cho mọi lĩnh vực như môi trường, kinh tế và xã hội.

Với môi trường, rác thải nếu không được xử lý đúng cách sẽ làm ô nhiễm đất và nước ngầm do chất thải thấm qua tầng đất đá. Các kim loại nặng từ rác điện tử hoặc thuốc trừ sâu ngấm vào nguồn nước, gây ảnh hưởng lâu dài đến hệ sinh thái.

Theo số liệu thống kê, bình quân mỗi năm cả nước phát sinh thêm khoảng 25.000 tấn rác thải sinh hoạt, tổng lượng rác thải sinh hoạt phát sinh từ các đô thị có xu hướng tăng trung bình từ 10% - 16%. Trong đó, tỷ lệ thu gom rác thải tại các đô thị bình quân trên cả nước chỉ đạt khoảng 70% - 85%.

Lượng chất thải sinh hoạt ở các khu đô thị phát sinh 38.000 tấn mỗi ngày, trong khi tỷ lệ thu gom, xử lý chỉ đạt hơn 85%. Ở nông thôn lượng chất thải sinh hoạt là 32.000 tấn mỗi ngày và chỉ thu gom được khoảng 55%. Đối với hoạt động công nghiệp, tỷ lệ thu gom rác thải rắn đạt chỉ 31%. Việc xử lý chủ yếu là chôn lấp và chỉ có một tỷ lệ nhỏ được xử lý bằng phương pháp đốt còn lại trôi nổi trên sông, hồ, vùng đất ngập nước cửa sông, ven biển.

Các loại rác thải, nhất là rác thải khó phân hủy và chứa nhiều chất độc khi bị lẫn vào trong đất sẽ tiêu diệt các vi sinh vật có lợi cho đất, từ đó làm giảm tính đa dạng sinh học của đất, cản trở đến quá trình tổng hợp chất dinh dưỡng, đất trở nên chua và kém phì nhiêu, đồng thời cũng làm phát sinh nhiều sâu bọ phá hoại cây trồng.

Đặc biệt hiện nay việc sử dụng tràn lan các loại túi nilông trong sinh hoạt và đời sống, khi xâm nhập vào đất cần tới 50 - 60 năm mới phân huỷ hết và do đó chúng tạo thành các "bức tường ngăn cách" trong đất hạn chế mạnh đến quá trình phân huỷ, tổng hợp các chất dinh dưỡng, làm cho đất giảm độ phì nhiêu, đất bị chua và năng suất cây trồng giảm sút .

7.jpg

Việt Nam là một quốc gia lấy nông nghiệp làm nguồn phát triển kinh tế chính nên đất đai đóng vai trò quan trọng bậc nhất đối với người nông dân. Việc rác thải sinh hoạt thải ra và làm giảm chất lượng dinh dưỡng của đất đã tác động không nhỏ đến hoạt động canh tác, làm chất lượng mùa vụ bị mất ổn định, chưa kể sâu bệnh hại phát triển còn làm giảm sản lượng mùa vụ nghiêm trọng.

Thói quen đổ rác tại bờ sông, hồ, ao, cống rãnh gây tác động tiêu cực mạnh mẽ đến môi trường nước, gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của các loại sinh vật sống trong nước, làm giảm đa dạng sinh học. Không chỉ tác động tiêu cực đến nguồn nước mặt và các loài sinh vật biển, rác thải còn tác động mạnh mẽ đến nguồn nước ngầm qua quá trình phân hủy. Lượng chất độc lớn từ rác làm ô nhiễm nguồn nước ngầm, tác động đến mọi mặt và mọi ngành nghề của đời sống, từ hoạt động sinh hoạt, sản xuất, nông nghiệp và thậm chí là nuôi trồng thủy sản, ảnh hưởng xấu đến kinh tế và đời sống tại địa phương.

Rác thải còn gây ô nhiễm không khí khi bị đốt lộ thiên hoặc trong các lò không đạt tiêu chuẩn, sinh ra các chất độc hại như dioxin, furan – những hợp chất có khả năng gây ung thư.

3.jpg

Việc chôn lấp rác hữu cơ tạo ra khí metan – khí nhà kính có khả năng gây ấm lên toàn cầu gấp 25 lần CO₂. Đây chính là nguyên nhân gây biến đổi khí hậu.

Với kinh tế, chi phí xử lý rác chiếm tỷ trọng không nhỏ trong ngân sách của các đô thị. Hà Nội, TP.HCM mỗi năm tiêu tốn hàng nghìn tỷ đồng cho hoạt động này. Điều đáng nói là trong khi thế giới không còn xem rác là gánh nặng mà là nguồn tài nguyên có thể khai thác, tái chế, tái tạo trong mô hình kinh tế tuần hoàn thì ở Việt Nam phần lớn rác thải đang bị bỏ phí khiến chúng ta đang mất đi một khối lượng tài nguyên không hề nhỏ. Những loại rác như: Nhựa, kim loại, giấy, thức ăn dư thừa… nếu được thu hồi hợp lý có thể tái sử dụng làm nguyên liệu đầu vào nhưng hiện nay phần lớn đang bị bỏ phí.

Với xã hội, rác thải tác động trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng, nhất là người dân sống gần các bãi rác, người làm nghề thu gom phế liệu… Những bệnh lý về hô hấp, da liễu, ung thư đang có xu hướng gia tăng ở nhóm này dẫn đến chi phí điều trị cũng không hề nhỏ.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Chuyên đề: Biến rác thải thành tài nguyên – Hướng đi cho phát triển bền vững
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.