Ô nhiễm môi trường

Đồ nhựa dùng một lần và cuộc khủng hoảng rác thải nhựa đại dương

Quốc Minh 23/05/2025 09:00

Những chiếc túi nilon, ống hút, hộp đựng thực phẩm bằng nhựa dùng một lần – tiện dụng, rẻ tiền và dễ dàng tìm thấy ở bất kỳ đâu – đang góp phần tạo nên một trong những cuộc khủng hoảng môi trường nghiêm trọng nhất hiện nay: ô nhiễm rác thải nhựa đại dương.

Hàng trăm nghìn tấn rác nhựa từ đất liền đổ ra biển mỗi năm, len lỏi vào rạn san hô, mắc kẹt trong dạ dày sinh vật biển và bám đầy lưới đánh cá. Theo nghiên cứu, vi nhựa đã xuất hiện trong hệ tiêu hóa của phần lớn cá và nhuyễn thể được lấy mẫu tại các vùng biển Việt Nam – một dấu hiệu đáng lo ngại cho sức khỏe hệ sinh thái và cả con người.

Gánh nặng rác thải từ lối sống tiện nghi


Tổ chức UNEP cho biết, thế giới sản xuất khoảng 430 triệu tấn nhựa mỗi năm, trong đó hơn 2/3 là sản phẩm dùng một lần. Riêng tại Việt Nam, khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa được tạo ra hằng năm, nhưng chưa đến 30% được tái chế. Phần còn lại bị đốt, chôn lấp hoặc thải trực tiếp ra môi trường, gây lãng phí tài nguyên và để lại hậu quả lâu dài.

rac-thai-nhua.jpg
Ảnh minh họa

Thực trạng này phản ánh rõ nét một lối sống phụ thuộc vào nhựa, trong khi công tác quản lý và chính sách xử lý vẫn còn thiếu hiệu quả và chưa đồng bộ.

Ngành du lịch, đặc biệt tại các địa phương ven biển như Quảng Nam, Phú Quốc, Hội An hay Ninh Thuận, đang phải gánh chịu hậu quả từ ô nhiễm rác thải nhựa. Nước biển đục màu, bãi biển lổn nhổn rác, các “dòng suối nhựa” tuôn ra từ khu resort khiến nhiều du khách mất thiện cảm và lựa chọn điểm đến khác.

Trớ trêu thay, chính ngành này lại góp phần không nhỏ vào lượng rác thải nhựa đại dương. Các dịch vụ lưu trú và ăn uống sử dụng ồ ạt sản phẩm nhựa dùng một lần như chai nước, ly nhựa, túi giặt, ống hút… Sự kiện ngoài trời, picnic hay chợ đêm càng khiến tình hình thêm nghiêm trọng.


Cơ sở hạ tầng và chính sách quản lý chưa theo kịp


Tại nhiều địa phương du lịch, hệ thống thu gom, phân loại và tái chế rác vẫn chưa hoàn thiện. Công tác phân loại tại nguồn hầu như chưa được triển khai hiệu quả. Thiếu cơ chế hỗ trợ và chế tài từ phía chính quyền khiến phần lớn rác thải nhựa bị đốt, chôn lấp hoặc đổ ra sông, suối, biển – những nơi dễ dàng tiếp cận đại dương.

Một số mô hình như “Ngư dân mang rác vào bờ” tại Đồng Hới (Quảng Bình) hay “Xóa điểm nóng và can thiệp tránh tái nhiễm” tại Vũng Rô (Phú Yên) cho thấy nỗ lực tích cực trong việc quản lý rác thải nhựa. Tuy nhiên, nếu không có chính sách duy trì dài hạn, hỗ trợ tài chính và mở rộng quy mô, các mô hình này khó tạo ra tác động bền vững.

Cội rễ của vấn đề nằm ở “văn hóa tiện lợi” – sự lạm dụng đồ nhựa một cách thiếu kiểm soát. Giải pháp bền vững đòi hỏi sự thay đổi toàn diện trong cách sản xuất, tiêu dùng và xử lý sản phẩm nhựa.

Để hạn chế rác thải nhựa, cần chuyển đổi thói quen tiêu dùng sang hướng giảm thiểu, tái sử dụng và thay thế nhựa bằng các vật liệu thân thiện với môi trường. Đi kèm với đó là các công cụ pháp lý mạnh mẽ, cơ chế tài chính hỗ trợ và sự cam kết đồng hành của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các bên. Nhà nước cần hoàn thiện khung pháp lý, có chính sách khuyến khích hoặc bắt buộc thay thế nhựa dùng một lần bằng sản phẩm thân thiện với môi trường. Các doanh nghiệp du lịch cần chủ động thay đổi nhận thức, xây dựng hình ảnh thương hiệu gắn với phát triển bền vững. Đồng thời, mỗi người dân và du khách cũng cần được truyền cảm hứng để lựa chọn lối sống xanh, bắt đầu từ việc từ chối những chiếc ống hút hay bao nilon chỉ sử dụng trong vài phút nhưng tồn tại cả thế kỷ trong môi trường.

Rác thải nhựa đại dương không chỉ là vấn đề môi trường, mà là hồi chuông cảnh tỉnh về lối sống, trách nhiệm cộng đồng và định hướng phát triển kinh tế. Việc tiếp tục lạm dụng nhựa dùng một lần chính là con đường ngắn nhất dẫn đến sự sụp đổ của hệ sinh thái biển – vốn là bệ đỡ cho sinh kế, du lịch và an ninh lương thực.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Đồ nhựa dùng một lần và cuộc khủng hoảng rác thải nhựa đại dương
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.