MOITRUONG.NET.VN – Môi trường nông thôn là một trong những tiêu chí khó đạt trong quá trình xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là ở huyện vùng cao. Bài toán xử lý rác thải nông thôn đang thực sự làm đau đầu các cấp chính quyền nơi đây.
>>>Hà Nội: Phát động phong trào “Chống rác thải nhựa”
>>> Đồng Nai sẽ giải tỏa khu công nghiệp Biên Hòa 1
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Cùng với sự phát triển về kinh tế – xã hội, lượng rác thải rắn phát sinh trên địa bàn tỉnh Điện Biên ngày càng nhiều. Theo thống kê, tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh khoảng 225,8 tấn/ngày. Tỷ lệ thu gom chất thải rắn tại khu vực đô thị đạt 90%, tại khu dân cư nông thôn và làng nghề đạt 12% trên tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt nông thôn phát sinh.
Hiện nay, tại nhiều vùng nông thôn tỉnh Điện Biên, hiện tượng vứt vỏ bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật bừa bãi vẫn còn phổ biến, gây ảnh hưởng xấu đến môi trường cũng như đến sức khỏe cộng đồng do các hóa chất còn sót lại trong các chai lọ và vỏ bao bì.
Trước thực trạng đó, Sở Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì tiến hành 2 đợt thu gom vận chuyển xử lý hóa chất bảo vệ thực vật và vỏ bao bì hóa chất bảo vệ thực vật sau sử dụng trên địa bàn tỉnh với tống khối lượng 3.450 kg (đợt 1 năm 2010 khối lượng 1.745 kg và đợt 2 năm 2018 khối lượng 1.705 kg), với tổng kinh phí vận chuyển xử lý 270 triệu từ nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường. Đồng thời, đẩy mạnh xây dựng các bể chứa, thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật. Đến nay, toàn tỉnh Điện Biên đã xây dựng 52 bể thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật tại cánh đồng Mường Thanh, huyện Điện Biên và thành phố Điện Biên Phủ.
Để tăng cường công tác quản lý, đẩy mạnh xử lý chất thải rắn khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh Điện Biên, Sở Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND các huyện, thị xã, thành phố tổng hợp khối lượng, xây dựng nhu cầu kinh phí để thực hiện thu gom vận chuyển xử lý chất thải rắn gửi Sở Tài chính thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt. Đồng thời, làm đầu mối hợp đồng với các đơn vị, doanh nghiệp được cấp giấy phép xử lý chất thải nguy hại để tiến hành vận chuyền, xử lý đúng theo quy định.
Một trong những biện pháp để tăng cường xử lý rác thải sinh hoạt tại nông thôn được Điện Biên thực hiện là đẩy mạnh thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới (NTM). Theo bộ tiêu chí, để đạt được tiêu chí môi trường, các địa phương cần hoàn thành 5 chỉ tiêu: có từ 80% số hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh, trong đó 45% số hộ được sử dụng nước sạch đáp ứng quy chuẩn quốc gia; trên 90% cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn đạt chuẩn về môi trường; đường làng ngõ xóm, cảnh quan từng hộ xanh – sạch – đẹp, không có hoạt động làm suy giảm môi trường; nghĩa trang có quy hoạch và quản lý theo quy hoạch, có ít nhất một nghĩa trang tập trung; rác thải, chất thải, nước thải được thu gom và xử lý, trong đó thôn (xóm), xã phải có tổ dịch vụ thu gom rác thải và xử lý tại bãi rác tập trung.
Thông tin với báo chí, Ông Lò Văn Siêng, Chủ tịch UBND xã Mường Lói, huyện Điện Biên, cho biết: Triển khai xây dựng NTM với xuất phát điểm thấp, đến năm 2018, xã Mường Lói mới chỉ hoàn thành 4 tiêu chí. Trong năm 2018, xã phấn đấu hoàn thiện thêm 4 tiêu chí, trong đó có tiêu chí số 17 về môi trường. Chính quyền xã đã tập trung tuyên truyền vận động nhân dân tập trung xây dựng thu gom, đốt rác. Đến nay, toàn xã đã có 4 bản xây dựng các bể đốt rác theo nhóm hộ gia đình. Chúng tôi sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình này đến tất cả các bản trong xã.
Việc môi trường ô nhiễm, không chỉ làm mất cảnh quan, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người, ảnh hưởng đến an toàn vệ sinh thực phẩm mà còn là nguyên nhân làm cho tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Hà Linh (T/h)