ĐBSCL sớm chủ động chống hạn, mặn vùng chuyên canh cây ăn quả

Quỳnh Anh (t/h)|06/10/2020 09:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng trồng cây ăn quả chủ lực của nước ta với 14 loại cây chính như xoài, thanh long, sầu riêng, chuối, cam, nhãn…  Tuy nhiên, hạn hán, xâm nhập mặn trong mùa khô 2019 – 2020 đang diễn biến phức tạp khiến người trồng đối mặt với nhiều khó khăn.

Theo dự đoán của các cơ quan chuyên môn, mùa khô năm 2020-2021, tình hình hạn mặn nhiều khả năng diễn ra gay gắt ở khu vực ĐBSCL. Do đó, tại thời điểm này, chính quyền và người dân các địa phương này đang khẩn trương chủ động ứng phó với thiên tai.

Vùng ĐBSCL hiện có khoảng 370 nghìn ha cây ăn quả, chiếm hơn 34% tổng diện tích cây ăn quả của cả nước, tập trung nhiều ở các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Hậu Giang. Trong mùa khô năm nay, hạn, mặn đến sớm và gay gắt hơn so với mọi năm đã khiến hơn 23.000 ha lúa bị ảnh hưởng. Mặc dù, diện tích cây ăn quả bị ảnh hưởng tại thời điểm này chưa đáng kể, song do xâm nhập mặn đến sớm hơn, cho nên chính quyền và người dân nhiều vùng trồng cây ăn quả tập trung ở các tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long, Tiền Giang, Trà Vinh, Hậu Giang, Sóc Trăng… đang quyết liệt thực hiện nhiều biện pháp ứng phó.

Rút kinh nghiệm qua đợt hạn mặn lịch sử vừa qua, hiện nay dù chưa bước vào mùa khô nhưng chính quyền và các nhà vườn khu vực ĐBSCL đang khẩn trương triển khai thực hiện các giải pháp phi công trình và công trình để bảo vệ vườn cây ăn trái. Tại các xã ven sông Tiền của tỉnh Tiền Giang, các công trình gia cố cống đập, nâng cấp đê bao ngăn mặn, trữ ngọt đang được thi công, nhất là quyết tâm bảo vệ hơn 10.000 ha cây sầu riêng chuyên canh. Loại cây này khi nhiễm nước mặn 1‰ là đã chết. Riêng huyện Cai Lậy đã đề nghị tỉnh hỗ trợ cấp bách trên 5,8 tỉ đồng nạo vét 10 tuyến kinh trên địa bàn; hỗ trợ khoan thêm 6 giếng tầng sâu tại xã Ngũ Hiệp để đảm bảo nhu cầu nước ngọt phục vụ cho cây sầu riêng; xây dựng 7 đập thép để ngăn mặn, trữ ngọt.

Mực nước trên nhiều kênh rạch ở ĐBSCL xuống thấp

Tại tỉnh Bến Tre hơn 30.000 ha cây sầu riêng, chôm chôm, măng cụt, bưởi da xanh; hàng chục triệu sản phẩm cây giống, hoa kiểng cũng đang được bảo vệ sau khi nước mặn dâng cao từ sông Tiền, sông Hàm Luông, sông Cổ Chiên. Từ nguồn kinh phí của tỉnh, Trung ương và nhân dân, Bến Tre đang hoàn thiện hàng chục hệ thống cống đập ngăn mặn có quy mô lớn ven sông, rạch. Trong đó có hơn 10 cống đập ven sông Tiền đã khép kín.

Nhiều nhà vườn đã góp công, góp kinh phí xây nhiều ao, hồ chứa nước ngọt để sử dụng vào những tháng cao điểm khô hạn. Đối với diện tích hàng nghìn ha cây ăn quả bị thiệt hại do hạn mặn vừa qua, nhà vườn đã chuyển trồng lại các loại cây khác thích nghi với hạn mặn như: cam, bưởi, mít, hồng Xiêm, mãng cầu… Chính quyền và nhân dân địa phương xem hạn mặn là chuyện hiển nhiên, phải thích ứng.

Về giải pháp trước mắt, đại diện lãnh đạo Cục trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho rằng, cần cập nhật liên tục hằng ngày diễn biến thời tiết, nguồn nước tại các vùng trồng cây ăn trái để kịp thời phát hiện, nắm bắt tình trạng xâm nhập mặn. Đo độ mặn cẩn thận trước mỗi lần lấy nước tưới, không tưới nước có độ mặn trên 1 phần nghìn cho cây. Người dân cần chủ động thực hiện tích trữ nước ngọt thông qua hệ thống cống đập, bờ kè, các hồ kênh mương dự trữ nước ngọt. Bên cạnh đó, chủ động che phủ đất trong mùa khô bằng các vật liệu hữu cơ (rơm rạ, cỏ khô, lá khô, lục bình…) hoặc màng phủ nông nghiệp phủ gốc để giữ ẩm cho đất. Tăng cường sử dụng phân hữu cơ, khi bị nhiễm mặn nên bón bổ sung phân sulphate kali (K2SO4), vôi bột lượng 500 – 1.000 kg/ha…

Đồng bằng sông Cửu Long cần có biện pháp ứng phó với hạn mặn cho vùng chuyên canh cây ăn quả

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Quốc Doanh cho rằng, về giải pháp lâu dài phải rà soát lại quy hoạch thủy lợi song song với việc phát triển cây ăn quả của địa phương thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Xây dựng các phương án và giải pháp bảo vệ cho từng vùng sản xuất cây ăn quả dưới các mức độ ảnh hưởng của hạn, mặn khác nhau.

Theo nhận định của Bộ NN-PTNT, diện tích cây ăn quả có khả năng bị ảnh hưởng hạn hán, xâm nhập mặn năm 2020-2021 là hơn 80.000 ha, chiếm hơn 23% tổng diện tích cây ăn quả toàn vùng. Địa phương có nguy cơ bị ảnh hưởng của xâm nhập mặn vẫn là: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Hậu Giang, Vĩnh Long…

Các bộ ngành, cơ quan chuyên môn khuyến cáo các giải pháp trước mắt để chủ động ứng phó với hạn mặn là cập nhật thường xuyên diễn biến thời tiết, thủy văn, đo độ mặn trước mỗi lần lấy nước tưới, không tưới nước có độ mặn trên 1‰ cho cây, nhất là các cây ăn trái nhạy cảm với mặn như sầu riêng, chôm chôm, măng cụt,… không tưới nước có độ mặn trên 0,5‰; chủ động thực hiện tích trữ nước ngọt thông qua hệ thống cống đập, bờ kè, các hồ kênh mương dự trữ nước ngọt; đào ao, nạo vét các kênh mương trong vườn để trữ nước, sử dụng các túi đựng để trữ nước, kết hợp sử dụng nguồn nước tiết kiệm thông qua hệ thống tưới nước nhỏ giọt, phun sương; áp dụng các biện pháp kỹ thuật trong việc giữ ẩm, giảm thoát hơi nước cho vườn cây; bón các loại phân cho thích hợp, giúp cây tăng cường khả năng đề kháng. Đặc biệt, không tiến hành xử lý ra hoa rải vụ, trái vụ, trồng mới trong thời gian hạn mặn. Nhà vườn trồng mới vườn cây ăn quả nên chọn các loại giống thích ứng với hạn mặn.

Quỳnh Anh (t/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
ĐBSCL sớm chủ động chống hạn, mặn vùng chuyên canh cây ăn quả