Đồng bằng Sông Cửu Long chủ động sống chung với hạn mặn

Minh Châu|24/09/2020 10:31
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Năm 2020, dự báo tiếp tục là năm ít nước, lũ về ĐBSCL nhỏ nên xâm nhập mặn có khả năng đến sớm và cao hơn trung bình nhiều năm.

Tổng lượng mưa tích lũy trên lưu vực sông Mekong từ đầu mùa mưa, ngày 1-6-2020 đến cuối tháng 8-2020 bình quân đạt gần 731mm, thấp hơn gần 22% so với cùng kỳ năm 2019 và thấp hơn 24% so với TBNN. Theo nhận định của các cơ quan khí tượng thủy văn trong nước và trên thế giới, lượng mưa trên lưu vực sông Mekong từ tháng 9 đến hết năm 2020, khả năng ở mức cao hơn TBNN từ 15-30%.

Với dự báo mưa nêu trên, nguồn nước thiếu hụt trên lưu vực được bù đắp bằng lượng mưa muộn. Tuy nhiên, xét trung bình lượng mưa năm 2020 trên toàn lưu vực vẫn có khả năng thiếu hụt so với TBNN từ 5-15%. Theo tính toán của các cơ quan khoa học thuộc Bộ NN&PTNT, xâm nhập mặn mùa khô năm 2020-2021 dự kiến có thể xảy ra theo 2 kịch bản.

Nhiều ruộng lúa ở ĐBSCL khô cằn vì hạn mặn.

Những năm qua, sản xuất cây ăn trái cả nước và các tỉnh, thành vùng ĐBSCL nói riêng đã được quan tâm đầu tư và phát triển khá toàn diện, liên tục tăng trưởng cả về diện tích, sản lượng và giá trị, phục vụ cho nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Năm 2019, giá trị xuất khẩu rau quả của nước ta đạt 3,747 tỉ USD, tăng 3,287 tỉ USD so với năm 2010.

Tuy nhiên, BĐKH, thời tiết cực đoan xảy ra với mật độ thường xuyên, hạn hán và xâm nhập mặn những năm gần đây đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất cây ăn trái, nhất là tại vùng ĐBSCL. Trong mùa khô năm 2019-2020, toàn vùng ĐBSCL đã có khoảng 25.120ha cây ăn trái tại các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh và Sóc Trăng bị ảnh hưởng thiệt hại bởi khô hạn, xâm nhập mặn, trong đó, có 11.181ha bị thiệt hại trên 70% và 12.270ha bị thiệt hại từ 30-70%.

Nhờ chủ động thực hiện nhiều giải pháp hiệu quả mà các địa phương vùng ĐBSCL đã giảm thiểu được thiệt hại cho vườn cây ăn trái. Đặc biệt, nông dân đã chủ động trữ nước ngọt và sử dụng nước hợp lý, gắn với áp dụng nhiều giải pháp kỹ thuật được ngành chức năng khuyến cáo để chăm sóc, bảo vệ vườn cây. Đồng thời, các công trình phòng chống hạn, mặn do Trung ương và địa phương đầu tư cũng phát huy hiệu quả… Điều này cho thấy, chúng ta hoàn toàn có thể chủ động bảo vệ vườn cây ăn trái trong mùa khô sắp tới, dù cho có gay gắt như năm 2019-2020.

Để bảo vệ vườn cây, các địa phương đã và đang cập nhật thông tin liên tục tình hình diễn biến thời tiết và nguồn nước tại các vùng trồng cây ăn trái để người dân chủ động ứng phó. Đồng thời, rà soát, khoanh vùng cụ thể theo từng chủng loại cây, từng khu vực cụ thể; khảo sát hệ thống thủy lợi, cân đối nguồn nước, khả năng tích trữ nước của từng nhà vườn và của cộng đồng; áp dụng các kỹ thuật chăm sóc cây khỏe… ngay từ mùa mưa.

Tại hội nghị triển khai giải pháp phòng chống hạn, mặn mùa khô năm 2020-2021 cho vườn cây ăn trái vùng ĐBSCL vừa diễn ra tại tỉnh Tiền Giang, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh yêu cầu các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ và địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức và hành động của người dân trong công tác phòng chống hạn, mặn. Thường xuyên cập nhật tình hình hạn, mặn và rà soát tất cả hệ thống thủy lợi để có giải pháp đầu tư nâng cấp phát triển và vận hành hiệu quả. Hướng dẫn người dân chủ động dự trữ nguồn nước ngọt và áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp kỹ thuật nhằm “sống chung” với hạn, mặn và BĐKH…

Minh Châu

   
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đồng bằng Sông Cửu Long chủ động sống chung với hạn mặn