Đề xuất dùng đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp: Cần giải pháp cụ thể tránh thất thoát tài nguyên khoáng sản

Mai Hạ|09/10/2023 15:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Trước đề xuất của Công ty Cổ phần Than Cọc Sáu - Vinacomin (Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam) về việc sử dụng đất đá thải từ mỏ than làm vật liệu san lấp ở Quảng Ninh, Bộ TN&MT chưa có văn bản trả lời song khuyến cáo phải có giải pháp quản lý chặt chẽ, hiệu quả tránh tình trạng doanh nghiệp lợi dụng việc vận chuyển đất, đá thải để “tuồn” than đạt chất lượng từ mỏ đi tiêu thụ trái phép, gây thất thoát tài nguyên khoáng sản, ngân sách Nhà nước.

Đề xuất sử dụng đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp

9-thai-than.jpg
Các bãi thải mỏ tại TP.Cẩm Phả (Quảng Ninh) cao hàng trăm mét như núi, tiềm ẩn nguy cơ sạt lở

Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) nhận được đề xuất của Công ty Cổ phần Than Cọc Sáu - Vinacomin (Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam) về việc thu hồi và sử dụng đất đá thải mỏ trong quá trình khai thác than để làm vật liệu san lấp.

Lý do được công ty này đưa ra là hiện nay nhu cầu sử dụng đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp cho các dự án trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh rất lớn và cấp bách trong khi đó các bãi thải đang chất lên thành những ngọn núi khổng lồ. Mỗi năm, các đơn vị khai thác than lộ thiên đổ thải khoảng 150 triệu m3 và hiện các bãi thải ở Quảng Ninh đã chứa hơn 1.375 triệu m3 trong khi sức chứa của các bãi thải có thể đạt 2.125 triệu m3 đất đá.

Trước đó, ngày 23/12/2020, UBND tỉnh Quảng Ninh giao Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) lập kế hoạch khai thác, sử dụng đất đá thải trong quá trình khai thác, chế biến than làm vật liệu san lấp cho các dự án công trình trên địa bàn tỉnh.

Đến nay, TKV đã hoàn thành việc quy hoạch các khu vực hoạt động khai thác, sử dụng và kinh doanh đất đá thải trong quá trình khai thác, chế biến than thuộc TKV trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Bộ TN&MT cấp giấy phép khai thác than cho Công ty Cổ phần Than Cọc Sáu - Vinacomin từ năm 2008 bằng phương pháp lộ thiên tại các vỉa than thuộc khu vực mỏ Cọc Sáu (phường Cẩm Phú, TP Cẩm Phả).

Trong quá trình khai thác than, đất đá thải mỏ được đổ thải tại các bãi thải theo quy hoạch của tỉnh Quảng Ninh.

Ngoài Công ty Cổ phần Than Cọc Sáu - Vinacomin, Công ty Cổ phần Thiên Nam cũng có văn bản gửi Bộ TN&MT xin tận dụng đất đá thải tại mỏ than Mông Dương để sản xuất cát nghiền nhân tạo thay thế cát tự nhiên, vật liệu san nền.

Theo đại diện Công ty Thiên Nam, đơn vị này đang khảo sát khu vực tại bãi thải mỏ của Công ty than Mông Dương và thấy có đất đá thải mỏ phù hợp để tận dụng, sản xuất thành cát nghiền nhân tạo bao gồm 4 dây chuyền, mỗi dây chuyền có công suất 600 tấn/h.

Các bãi thải khai thác than trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh phân bố chủ yếu tại TP Hạ Long, TP Uông Bí, thị xã Đông Triều và nhiều nhất là ở TP Cẩm Phả. Tại Cẩm Phả, ngoài hai Công ty than Cao Sơn và Cọc Sáu, còn nhiều đơn vị khác cũng khai thác than lộ thiên, đổ thải.

Tổng diện tích các bãi thải ở Quảng Ninh hơn 4.000ha, có thể chứa khoảng 2.125 triệu m3 đất đá, hiện nay đã chứa hơn 1.375 triệu m3. Hằng năm, các đơn vị khai thác than lộ thiên đổ thải khoảng 150 triệu m3.

Cần có giải pháp quản lý chặt chẽ, hiệu quả tránh thất thoát

Liên quan đến vấn đề này, đại diện Bộ TN&MT cho biết, Bộ chưa có văn bản trả lời và đang thực hiện theo quy trình, nếu xác định đúng là vật liệu xây dựng thì mới cho phép thực hiện.

Trong quá trình khai thác than (nhất là các mỏ lộ thiên), để thu hồi than đạt chất lượng phải thải bỏ một lượng đất đá phủ, đất đá vây quanh vỉa than (chủ yếu đây là khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường để sử dụng san lấp).

Mỗi năm các mỏ than vùng Quảng Ninh đưa ra các bãi thải hàng triệu m3 đất đá, sau vài chục năm đã hình thành những bãi thải chiếm dụng hàng ngàn ha, gây ô nhiễm môi trường và nguy cơ gây sạt lở đất đá, trôi lấp đất đá vào khu vực dân cư vào mùa mưa bão.

Đại diện Bộ TN&MT cho rằng, việc sử dụng đất, đá từ bãi thải của mỏ than nào, vị trí ở đâu, bãi thải đang hoạt động hay bãi thải thuộc các mỏ đã được đóng cửa mỏ, bãi thải đã dừng đổ thải hay sử dụng trực tiếp đất đá trong quá trình khai thác than, cần phải được xem xét, đánh giá cụ thể về công nghệ, phương pháp khai thác, tác động đến môi trường trong quá trình khai thác, vận chuyển đất, đá thải mỏ.

Bộ TN&MT cũng khuyến cáo phải có giải pháp quản lý chặt chẽ, hiệu quả tránh tình trạng doanh nghiệp lợi dụng việc vận chuyển đất, đá thải để “tuồn” than đạt chất lượng từ mỏ đi tiêu thụ trái phép, gây thất thoát tài nguyên khoáng sản, ngân sách Nhà nước.

Theo quy định của pháp luật về khoáng sản, đất đá thải của mỏ than là khoáng sản đi kèm, nếu muốn khai thác, tổ chức, cá nhân khai thác phải báo cáo Bộ TN&MT và được cho phép; phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định.

TS. Nguyễn Thành Sơn (nguyên Giám đốc Ban Quản lý Dự án Than đồng bằng Sông Hồng của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam) cho rằng, xét về mặt kinh tế, việc Quảng Ninh sử dụng đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp một số dự án, công trình ven biển là một hướng đi đúng. Nhiều công trình, nhiều dự án lớn tại Quảng Ninh được xây dựng nhờ vào sử dụng đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp vừa có thể tận dụng được khối lượng lớn đất đá thải mỏ, vừa có thêm được quỹ đất đáng kể cho phát triển kinh tế.

Theo phân tích của TS Sơn thì việc sử dụng đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp một số dự án, công trình ven biển không ảnh hưởng xấu đến môi trường. Điều duy nhất có thể ảnh hưởng đến môi trường là quá trình vận chuyển đất đá thải mỏ từ nguồn đến những công trình, dự án cần san lấp.

“Nếu đơn vị vận tải không đảm bảo đúng quy định, có thể sẽ gây ra khói, bụi, ảnh hưởng đến cảnh quan và cuộc sống của người dân. Còn nếu các đơn vị vận tải đảm bảo đúng quy định thì sẽ không có vấn đề gì", ông Sơn lưu ý.

Đề cập đến vấn đề này, PGS.TS Trần Hồng Côn (nguyên Chủ nhiệm bộ môn Công nghệ hóa học, khoa Hóa học, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết xét về mặt hóa học thì than không có tính chất gây độc (tính trơ). Mặt khác, hàm lượng than trong lớp đất đá bóc ra trong quá trình khai khoáng không nhiều.

"Việc Quảng Ninh sử dụng đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp một số dự án, công trình ven biển, dưới góc độ khoa học thì than không có tính chất gây độc, còn nếu xét về những khía cạnh khác (về cảnh quan, kiến trúc, quy hoạch...) không thuộc chuyên môn của tôi thì tôi không thể đánh giá tùy tiện được. Tuy nhiên, việc sử dụng đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp đã được tỉnh Quảng Ninh đề cập và nghiên cứu từ 10 năm trước. Do đó, tôi tin rằng, Quảng Ninh cũng đã có những đánh giá cụ thể, đặc biệt là đánh giá tác động môi trường", ông Côn chia sẻ.

Trong quá trình thực hiện nghiên cứu khoa học hiện tượng sử dụng đất đá thải mỏ để san lấp một số dự án trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, cuối tháng 8/2023 các nhà khoa học thuộc Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam đã có chuyến khảo sát độc lập, lấy mẫu đất đá, cũng như mẫu nước tại một số vị trí sử dụng đất đá thải mỏ.

Thực hiện nghiên cứu khoa học hiện tượng sử dụng đất đá thải mỏ để san lấp một số dự án trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, cuối tháng 8/2023 các nhà khoa học thuộc Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam đã có chuyến khảo sát độc lập, lấy mẫu đất đá, cũng như mẫu nước tại một số vị trí sử dụng đất đá thải mỏ.

Theo kết quả phân tích mẫu đất đá thải được lấy tại các vị trí như KĐT Ao Tiên (Vân Đồn), Cụm Công nghiệp Cẩm Thịnh (Cẩm Phả), KĐT Dragon City (Cẩm Phả), KĐT Cao Xanh - Hà Khánh (Hạ Long), Dự án đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả, một số mẫu tại các bãi thải mỏ: Hà Lầm; Cao Sơn; Đông Dương; Vàng Danh; Hòn Gai; Uông Bí cho thấy có Hàm lượng % than trong mẫu đã lấy. Có những mẫu Hàm lượng % than lên đến 17.3%.

Theo đánh giá của các nhà khoa học: Tất cả các mẫu phân tích lấy từ bãi thải đã đưa san lấp và đất đá thải mỏ khác đều chứa than. Có 2 mẫu đất đá thải san lấp chứa hàm lượng than rất cao (15,2 và 17,3 %).

Các mẫu đất đá thải Hà Lầm và Vàng Danh cần tuyển để thu hồi than chứa trong đất đá thải > 5%. Các mẫu đất đá thải của các mỏ Cao Sơn và Uông Bí chứa lượng than có thể gây ra ô nhiễm biển vùng đổ đất đá thải lấn biển.

Các nhà khoa học của Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam đưa ra lưu ý: Cần có quy trình phân loại đất đá thải (tách ra khỏi bước nghiền sàng) trước khi nghiền sàng (tránh tạo ra lỗ hổng chứa nước ô nhiễm trong nền đất) và tạo ra nguy cơ gây thương tích cho người ở các bãi tắm;

9-thai-than.jpg

Ô nhiễm than và kim loại nặng trong trầm tích có nguồn gốc từ nước thải chứa than từ các mỏ và dây truyền tuyển than chưa xử lý, đất đá thải đổ san lấp mặt bằng, cũng như hoạt động vận chuyển than.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đề xuất dùng đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp: Cần giải pháp cụ thể tránh thất thoát tài nguyên khoáng sản