(Moitruong.net.vn) – Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội đã tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhiều biện pháp ngăn chặn tình trạng khai thác cát lòng sông trên địa bàn thành phố.
Đề xuất nhiều biện pháp ngăn chặn khai thác cát trái phép lòng sông
Theo Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội, trên các tuyến sông thuộc địa bàn thành phố có 20 vị khí khai thác cát (tuyến sông Hồng 18 vị trí, sông Đuống 2 vị trí). Trong số 18 vị trí trên sông Hồng có 16 vị trí có giấy phép và 2 vị trí không có giấy phép; sông Đuống có 2 vị trí có giấy phép. Về tình trạng hoạt động trên sông Hồng có 3 vị trí đang hoạt động, 7 vị trí chưa hoạt động và 11 vị trí đã dừng hoạt động.
Cũng theo Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội, thời gian qua, trên các tuyến đê thuộc địa bàn thành phố đã xảy ra nhiều sự cố công trình. Các sự cố tập trung ở các địa phương có tình trạng khai thác cát trái phép lòng sông, tập trung nhiều điểm kinh doanh tập kết vật liệu xây dựng. Hiện nay, đã vào mùa mưa bão, để bảo đảm an toàn đê điều, thoát lũ, sử dụng đất bãi sông hiệu quả theo quy định của pháp luật, tránh để xảy ra những sự cố công trình, gây thiệt hại về người và tài sản do tình trạng khai thác cát trái phép lòng sông…
Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo và đề nghị UBND thành phố chỉ đạo UBND quận, huyện, thị xã kiểm tra, rà soát các điểm tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng ngoài bãi sông, các điểm khai thác cát khu vực lòng sông; tổ chức xử lý, giải tỏa các trường hợp không có giấy phép theo quy định của pháp luật; kiểm điểm trách nhiệm của tổ chức, cá nhân để tình trạng vi phạm xảy ra trên địa bàn nhưng không xử lý kịp thời…
Đồng thời, chủ động trao đổi thông tin 2 chiều với cơ quan chức năng 8 tỉnh có tuyến đường thủy nội địa giáp ranh về tình hình địa bàn, hoạt động của các đối tượng khai thác cát trái phép tài nguyên, khoáng sản để xây dựng phương án bố trí lực lượng tăng cường kiểm tra xử lý vi phạm…
Chỉ đạo sở, ngành liên quan tăng cường quản lý đối với các phương tiện hoạt động đường thủy; thường xuyên kiểm tra, xử lý hoạt động bến thủy nội địa trái phép, nhất là các bến thủy nội địa có hoạt động tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng; tăng cường quản lý, giám sát đối với hoạt động nạo vét luồng thủy nội địa kết hợp tận thu sản phẩm trên các tuyến sông thuộc thành phố, tránh gây thất thoát tài nguyên, khoáng sản, sạt lở bờ bãi sông, đe dọa an toàn công trình đê điều…
An Nhiên (T/h)