Một số ý kiến đề nghị giải trình, làm rõ việc tích hợp các loại giấy tờ thủ tục hành chính trong một giấy phép về môi trường, trong đó bao gồm cả giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ – Môi trường Phan Xuân Dũng trình 2 phương án xin ý kiến UBTVQH. Theo đó, phương án 1 là tích hợp 7 giấy phép làm 1 và phương án 2 là tách riêng giấy phép xả thải vào công trình thủy lợi đang được quy định trong luật Thủy lợi. Thảo luận sau đó, nhiều ý kiến cho rằng nên tích hợp 7 giấy phép thủ tục về môi trường trong 1 giấy do Bộ TN-MT cấp là cần thiết, nhằm cắt giảm thủ tục hành chính, đồng thời đúng thẩm quyền của cơ quan chuyên ngành; không nên để giấy phép xả thải vào công trình thủy lợi riêng.
Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách cho ý kiến về dự thảo Luật Bảo vệ môi trường
Cho ý kiến về nội dung này, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (đoàn Bến Tre) đồng tình với phương án 1, tức là quan điểm tích hợp các loại giấy phép về môi trường, trong đó bao gồm cả giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi.
Theo đại biểu tỉnh Bến Tre, nguyên tắc cấp giấy phép đều dựa trên đánh giá tác động môi trường. Mặt khác, hiện nay việc phân cấp cấp phép vào công trình thủy lợi đang theo công trình chứ không theo quy mô, chưa tương thích với việc quản lý.
Bên cạnh đó, trên thực tế, việc xả thải vào các công trình thủy lợi chỉ chiếm một tỉ lệ nhỏ, do đó việc phân nhỏ cấp giấy phép là chưa phù hợp. Do đó, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy tán thành việc dùng 1 loại giấy phép thay thế 7 loại giấy tờ thủ tục hành chính về môi trường. Tuy nhiên, đề nghị cần có quy định cụ thể từ xét duyệt đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép đến hậu kiểm, bảo đảm thống nhất, không chồng chéo.
Nêu quan điểm về nội dung này, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (đoàn Ninh Thuận) nhấn mạnh việc tích hợp từ 7 giấy tờ thủ tục thành 1 giấy phép mang nhiều ý nghĩa trong bối cảnh Chính phủ đang quyết tâm thực hiện cải cách hành chính.
“Điều này giúp giảm thủ tục hành chính, bảo đảm tính thống nhất, rõ trách nhiệm cũng như tuân thủ những nguyên tắc về một cơ quan chịu trách nhiệm chính về việc này. Ngoài ra, quy định này cũng bảo đảm tiếp cận tổng hợp về việc cấp giấy phép xả thải môi trường”, đại biểu nêu rõ.
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương đề nghị cần phải làm rõ hơn, nhất chức năng các Bộ liên quan tới các dự án luật trước.
Cùng với đó, theo đại biểu Nguyễn Sỹ Cương, tất cả các giấy phép xả thải vào nguồn nước và xả thải vào công trình thủy lợi đều dựa trên báo cáo đánh giá tác động môi trường. Do đó, đại biểu đề nghị cần có cơ chế để bảo đảm tính minh bạch, chống tiêu cực trong việc này.
Đồng quan điểm, đại biểu Dương Minh Tuấn (đoàn Bà Rịa – Vũng Tàu) ủng hộ phương án Chính phủ trình về tích hợp các giấy phép với 3 lý do: Tất cả giấy phép đều được cấp dựa trên báo cáo đánh giá tác động môi trường, bản chất giống nhau và góp phần giảm thủ tục hành chính.
Ngoài ra, cũng tại phiên họp, nguyên tắc bình đẳng trong bảo vệ môi trường và nguồn lực bảo vệ môi trường cũng là nội dung được các đại biểu quan tâm.
Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (đoàn Lạng Sơn) quan tâm đến nguyên tắc bình đẳng trong bảo vệ môi trường. Theo đại biểu, điều 4 dự thảo luật chỉ quy định những tổ chức, hộ gia đình, cá nhân gây ô nhiễm, sự cố và suy thoái môi trường phải chi trả, khắc phục, xử lý và thực hiện trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, lại chưa có quy định đối với những trường hợp có đóng góp, làm giàu cho môi trường hoặc bảo vệ môi trường.
Minh Anh