Giảm 94 cơ quan chủ quản báo chí
Tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2019 của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Báo chí cho biết: Thực hiện quy hoạch báo chí, Bộ TT&TT đã làm việc với từng cơ quan chủ quản và cơ quan báo chí, tiến hành tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc khi thu gọn đầu mối cơ quan báo chí, rà soát nhân sự bị tác động và lên phương án giải quyết.
Theo ông Lưu Đình Phúc, cả nước có 868 cơ quan báo in, báo điện tử. Thực hiện quy hoạch, sẽ giảm 94 cơ quan chủ quản với 180 cơ quan báo chí. Dự kiến đến 2025, cả nước còn 688 cơ quan báo chí với 8.194 nhân sự bị ảnh hưởng, tương đương 20% nhân sự trong lĩnh vực này.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng: “báo chí cách mạng phải được hỗ trợ một phần từ ngân sách”. Ảnh: Tiền Phong
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, thời gian tới, Bộ sẽ làm việc với từng tờ báo của các Hội, của TPHCM, Hà Nội và TW Đoàn TNCSHCM về sắp xếp báo chí. Theo Bộ trưởng Hùng, quy hoạch báo chí không chỉ là sắp xếp cơ quan báo chí mà còn là cơ chế chính sách phát triển báo chí, đào tạo nhân lực báo chí, thực hiện tốt các phát sinh khi quy hoạch báo chí, giải quyết các tồn tại như báo hóa tạp chí, báo hóa trang tin điện tử tổng hợp, xa rời tôn chỉ, tư nhân hóa.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký Quyết định Phê duyệt quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025. Theo đó, các tổ chức chính trị – xã hội trực thuộc trung ương, các bộ, cơ quan ngang bộ được quy hoạch 01 cơ quan báo và 01 cơ quan tạp chí. Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có 01 cơ quan báo thuộc Đảng bộ cấp tỉnh, 01 cơ quan tạp chí thuộc hội văn học – nghệ thuật tỉnh.
Một số tỉnh, thành phố là địa bàn trọng điểm có cơ quan tạp chí chuyên ngành. Ban Chấp hành Trung ương Đảng có Báo Nhân dân, Tạp chí Cộng sản. Đến năm 2020, mỗi Ban Đảng Trung ương có không quá 01 tạp chí in. Sau năm 2020, trên cơ sở lấy Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam (thuộc Ban Tuyên giáo Trung ương) làm nòng cốt, hợp nhất tạp chí các Ban Đảng Trung ương để xây dựng một cơ quan báo chí tập trung, đa phương tiện.
Học viện, viện nghiên cứu, các trường đại học, bệnh viện đủ điều kiện theo quy định được có cơ quan tạp chí khoa học chuyên ngành. Cơ quan trung ương của các tổ chức tôn giáo hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam có 01 cơ quan tạp chí.
Ngày 4/6/2019, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng ký ban hành Kế hoạch triển khai sắp xếp các cơ quan báo chí theo Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, công bố chi tiết lộ trình triển khai quy hoạch báo chí được phân loại theo 5 nhóm cơ quan chủ quản.
Đề xuất tăng chi ngân sách cho báo chí
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, báo chí cách mạng phải được hỗ trợ một phần từ ngân sách. Cần xây dựng cơ chế giao nhiệm vụ cho báo chí, đặt hàng báo chí kèm theo điều kiện đảm bảo.
Theo ông Lưu Đình Phúc, Bộ TT&TT đã đề nghị tăng chi ngân sách cho báo chí trong đó có việc xây dựng tiêu chí để xác định các hoạt động phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu. Nhà nước hỗ trợ đảm bảo kinh phí thông qua cơ chế đặt hàng hoặc mua dịch vụ. Bộ đã làm việc với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng yêu cầu miễn phí đường truyền cho báo chí. Thúc đẩy ứng dụng công nghệ trong báo chí.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, một công nghệ nền tảng dùng chung cho báo điện tử đang được xây dựng bởi Công ty Yeah1. Bộ trưởng cho rằng, hiện có hàng trăm cơ quan báo chí, mỗi cơ quan bỏ tiền ra để làm nền tảng công nghệ thì không đủ nguồn lực và lãng phí. Vì vậy, một nền tảng công nghệ dùng chung cho báo chí đang được xây dựng và dự kiến ra mắt trong tháng 7 này. Nền tảng này sẽ hỗ trợ công nghệ cho các cơ quan báo chí giống như Grab cung cấp nền tảng chung cho các doanh nghiệp vận tải.
Báo cáo sơ kết của Bộ TT&TT chỉ ra, báo chí đang phải đối mặt với nhiều xu hướng và thách thức mới, trong đó có nguy cơ bị truyền thông xã hội chi phối, lấn át, bị phụ thuộc và dẫn dắt bởi mạng xã hội. Đặc biệt báo chí có thể phụ thuộc hoàn toàn vào mạng xã hội để thu hút, gia tăng lượng người truy cập. “Khi những mạng xã hội lớn như Facebook dùng tính năng hạn chế chia sẻ đường link báo chí trên nền tảng của họ thì báo chí có nguy cơ bị sụt giảm người đọc và giảm khả năng tương tác”.
Lãnh đạo Bộ TT&TT cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục nghiên cứu, rà soát, đề xuất sửa đổi chính sách theo hướng: Phân định rõ cơ quan báo chí phục vụ nhiệm vụ chính trị thiết yếu và báo chí phục vụ giải trí; Định hướng phù hợp với xu hướng công nghệ. Đề xuất nghiên cứu sửa đổi một số quy định của Luật Báo chí không còn phù hợp với sự phát triển thực tiễn và xu thế công nghệ.
Theo Tiền Phong