Đi tìm giải pháp quản lý hơn 1.000 cá thể gấu nuôi nhốt tại Việt Nam

Dương Đại Tiến|07/02/2018 04:23
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – Cuối thập niên 90 của thế kỷ XX và những năm đầu của thế kỷ XIX, tình trạng săn bắt, mua, bán, vận chuyển gấu trái phép diễn biến phức tạp. Đặc biệt, việc nuôi nhốt gấu để trích hút mật gấu trái phép diễn ra phổ biến ở nhiều địa phương, đã đe dọa và làm suy giảm nhanh các quần thể gấu ngoài tự nhiên. Theo thống kê, năm 1999 cả nước có 446 cá thể gấu nuôi nhốt, đến năm 2003, số lượng đã tăng lên là 2.451 cá thể và đến năm 2006 là 4.349 cá thể.

Gấu nuôi nhốt tại Việt Nam

Theo Cục Kiểm lâm, những năm qua, số lượng gấu nuôi nhốt giảm dần qua các năm, cụ thể: Từ năm 2006 đến 2012 số lượng gấu giảm còn 2.289 cá thể (gấu ngựa 2.192 cá thể, gấu chó 97 cá thể) với 797 trại nuôi (trong đó: 46 tổ chức, 751 cá nhân). Thống kê đến tháng 12/2017, toàn quốc còn 1.062 cá thể (gấu ngựa 1.017 cá thể, gấu chó 45 cá thể; trong đó bao gồm cả 69 cá thể gấu con được sinh ra trong giai đoạn từ 2006 đến nay). Gấu được nuôi nhốt tại 268 cơ sở (16 tổ chức và 252 hộ gia đình), 42 tỉnh với số lượng là 843 cá thể, tại các Trung tâm cứu hộ là 219 cá thể.

Từ năm 2016 – 2017, Tổ chức Bảo vệ động vật thế giới đã phối hợp với các cơ quan quản lý Nhà nước hỗ trợ gắn chíp điện tử công nghệ mới cho 330 cá thể gấu nuôi nhốt (trong đó: Thành phố Hà Nội 210 cá thể, Hải Phòng 27 cá thể, Đồng Nai 79 cá thể, Bình Phước 14 cá thể).

Trong thời gian tới, Tổ chức Bảo vệ động vật thế giới phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành gắn chíp điện tử công nghệ mới trên phạm vi toàn quốc, đối với những cá thể gấu đã gắn chíp điện tử (chíp cũ) và những cá thể gấu đã có hồ sơ quản lý nhưng chưa gắn chíp điện tử, để đảm bảo không có cá thể gấu mới bị săn, bắt từ tự nhiên mang về nuôi nhốt trái phép.

Mặt khác, Cục Kiểm lâm thường xuyên theo dõi, kiểm tra (kiểm tra định kỳ và kiểm tra đột xuất) để quản lý tốt đối với 1.062 cá thể gấu đang nuôi nhốt trên cả nước. Tăng cường công tác tuyên truyền vận động để người dân tự nguyện giao nộp gấu chuyển đến các Trung tâm Cứu hộ gấu để tiếp tục chăm sóc nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật. Kiên quyết ngăn chặn, truy cứu trách nhiệm hình sự đối với chủ thể thực hiện hành vi nuôi nhốt gấu không có hồ sơ nguồn gốc hợp pháp, đảm bảo không tăng số lượng gấu nuôi nhốt và tiến tới chấm dứt hoàn toàn việc nuôi nhốt gấu bất hợp pháp tại Việt Nam.

Đồng thời, phối hợp với các tổ chức quốc tế như các tổ chức phi chính phủ để vận động đầu tư, hỗ trợ xây dựng các Trung tâm Cứu hộ đủ điều kiện, tiêu chuẩn để thực hiện tiếp nhận gấu do người dân tự nguyện giao, nộp cho Nhà nước, đặc biệt là khu vực các tỉnh phía Nam. Triển khai có hiệu quả các hoạt động cứu hộ bảo tồn và giám sát gấu ở Việt Nam theo Bản ghi nhớ hợp tác giữa Tổng cục Lâm nghiệp với Tổ chức động vật Châu Á.

Lực lượng Kiểm lâm kiểm tra mã số chíp điện tử gấu nuôi nhốt

Vừa qua ngày 2/2/2018, Tổng cục Lâm nghiệp phối hợp với Tổ chức Bảo vệ động vật thế giới tổ chức Diễn đàn về gấu lần thứ 3, chia sẻ kinh nghiệm quản lý hoạt động nuôi, nhốt gấu và bảo tồn gấu trong tự nhiên. Diễn đàn về gấu là một sáng kiến của Tổ chức Bảo vệ động vật thế giới, trong đó tạo cơ hội cho các bên liên quan thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm, chính sách và các giải pháp để chấm dứt hoạt động nuôi gấu lấy mật ở Châu Á, từ đó thúc đẩy sự hợp tác, phối hợp để hỗ trợ lẫn nhau trong nỗ lực chấm dứt hoạt động khai thác mật gấu nhằm góp phần bảo vệ gấu trong tự nhiên. Kết thúc Diễn đàn, ông Trần Thế Liên – Vụ trưởng Vụ Quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ – Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng, chúng ta đang đi đúng hướng đẩy nhanh tiến độ để sớm kết thúc việc nuôi nhốt gấu lấy mật tại Việt Nam trong một tương lai không xa; đồng thời, tập trung triển khai thực hiện một số nội dung sau:

Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền trọng tâm, trọng điểm, đúng đối tượng để chủ nuôi gấu tự nguyện giao, nộp gấu cho Nhà nước mà không đòi hỏi bất kỳ một khoản hỗ trợ nào; nói không với mật gấu và các sản phẩm từ gấu. Trích hút mật gấu là bất hợp pháp.

Hai là, các cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ các cơ sở nuôi nhốt gấu trên địa bàn, để đảm bảo không có cá thể gấu mới bị săn, bắt từ tự nhiên mang về nuôi nhốt trái phép; phát hiện, xử lý nghiêm các chủ trại nuôi không thực hiện đúng nội dung cam kết khi đăng ký trại nuôi gấu, đặc biệt là xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật hành vi chích, hút mật gấu trái phép.

Ba là, 05 năm tới tăng cường năng lực tại các Trung tâm cứu hộ, bảo tồn gấu, để tiếp nhận, nuôi dưỡng, chăm sóc những cá thể gấu mới do các chủ nuôi tự nguyện giao, nộp cho Nhà nước; đồng thời, có những chính sách mới nhằm bảo tồn, phát triển bền vững gấu trong tự nhiên.

      Dương Đại Tiến


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đi tìm giải pháp quản lý hơn 1.000 cá thể gấu nuôi nhốt tại Việt Nam