Đi tìm lời giải tình trạng ô nhiễm hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải - Bài 3: Xử phạt, thu phí nước thải đã là biện pháp tối ưu?

Mai Hạ|30/12/2022 09:01
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Việc chậm trễ triển khai các dự án xử lý nước thải tại các cụm công nghiệp vừa được các đại biểu chất vấn lãnh đạo UBND TP Hà Nội tại Kỳ họp thứ 10 HĐND thành phố khóa XVI. Nhiều ý kiến cho rằng nên thu phí nước thải, xử phạt và xã hội hóa một số hạng mục.

>> Những biện pháp bảo vệ môi trường sống

Theo các đại biểu thì hiện TP Hà Nội còn 28/70 cụm công nghiệp chưa có hệ thống nước thải tập trung, trong số này bao gồm cả các cụm làng nghề. 5 cụm công nghiệp đã được đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải nhưng không hoạt động hoặc chưa được đầu tư đồng bộ hoặc đã xuống cấp như: cụm công nghiệp Yên Nghĩa (Hà Đông), cụm công nghiệp Liên Hà (Đan Phượng), cụm công nghiệp Bát Tràng (Gia Lâm), cụm công nghiệp Sơn Mài – Yên Thái (Thường Tín), cụm công nghiệp Tân Triều (Thanh Trì). Mặc dù thời gian qua, TP đã có nhiều chính sách hỗ trợ, quy hoạch để đưa sản xuất làng nghề vào các cụm công nghiệp tập trung song nghịch lý thay tình trạng ô nhiễm làng nghề lại rất nhức nhối.

bac-hung-hai.jpg
Bà Trần Thị Phương Lan - Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội trả lời chất vấn của các đại biểu.

Theo Luật Bảo vệ Môi trường 2020, các cụm công nghiệp là đối tượng phải có hệ thống quan trắc nước hải. Tuy nhiên, theo khảo sát trên địa bàn TP, nhiều cụm công nghiệp đã hoạt động trước khi Luật có hiệu lực, tại các cụm này vẫn chưa có hệ thống quan trắc nước thải tự động như cụm công nghiệp Ngọc Hồi, cụm công nghiệp Liên Phương, cụm Ngọc Liệt, cụm Dị Nậu…Hay như khu công nghiệp Quang Minh I (huyện Mê Linh) đã được đầu tư trạm xử lý nước thải với công suất là 6.000m3/ngày đêm. Tuy nhiên, qua thực tế khảo sát hiện nay huyện vẫn chưa kiểm soát được việc xả thải của các DN, tình trạng ô nhiễm ở những khu vực giáp ranh vẫn ở mức cao. Theo quy hoạch, trạm này sẽ nâng công suất lên thành 7.000m3/ngày đêm đồng nghĩa khối lượng nước thải sẽ lớn hơn, nguy cơ ô nhiễm sẽ tăng cao.

Trả lời về vấn đề này, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, trên địa bàn TP Hà Nội có 7 cụm CN đang hoạt động, có 27/70 cụm chưa có trạm xử lý nước thải thì 19 trong số 27 cụm này phù hợp quy hoạch. Trong đó 13/19 cụm còn diện tích để mở rộng giai đoạn 2; 1 cụm đang thẩm định, 3 cụm đang kêu gọi đầu tư và 5 cụm dù phù hợp quy hoạch nhưng không còn diện tích đất để mở rộng quy hoạch.

Nguyên nhân của tình trạng này, theo Quyền Giám đốc Sở Công Thương, 27 cụm công nghiệp chưa có trạm xử lý nước thải hầu hết được thành lập trước khi có Quyết định 105 của Thủ tướng Chính phủ quy định về quản lý các cụm CN và các cụm này được thành lập trước khi Luật Bảo vệ môi trường có hiệu lực nên khi triển khai thực hiện các cụm CN này, quy hoạch chi tiết 1/500 không có trạm xử lý nước thải. Bên cạnh đó, các cụm này trước đây là tiểu thủ CN làng nghề, nằm ở các địa phương.

"Một nguyên nhân nữa là nhiều cụm công nghiệp được thành lập trước khi có Luật Bảo vệ môi trường nên quy hoạch 1/500 không có trạm xử lý nước thải, không bố trí được quỹ đất cho các trạm xử lý nước thải. Cùng đó, một số cụm có quy hoạch nhưng thực tế trong những năm qua, các sở ngành liên quan như Sở Công Thương, Sở TN&MT hay các địa phương có các cụm CN trên địa bàn chưa đôn đốc chỉ đạo quyết liệt nên các chủ đầu tư còn chây ỳ, chưa tập trung xử lý".

Về việc 5 cụm có trạm xử lý nước thải nhưng chưa hoạt động hiệu quả, Quyền Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Sở đề xuất, với trạm xử lý nước thải của cụm CN Tân Triều, trước đây UBND TP giao cho Thanh tra TP kiểm tra xử lý và có kết luận. Thanh tra TP cũng tham mưu TP chỉ đạo, giao rõ nhiệm vụ cho huyện Thanh Trì kiểm điểm tổ chức, tập thể, cá nhân. Đồng thời giao cho Sở TN&MT kiểm tra, hướng dẫn, cải tạo; giao cho Sở KHĐT kiểm tra, đề xuất, yêu cầu Cty Vạn Thuận thực hiện theo đúng quy định của pháp luật; cam kết làm trạm xử lý nước thải nếu không sẽ xử lý. Đề nghị các sở, huyện TT rà soát lại tiến độ công việc để tổ chức triển khai thực hiện.

Đối với 4 trạm còn lại như Liên Hà, Duyên Thái, Yên Nghĩa, cụm CN làng nghề Bát Tràng tồn tại do trước đây Ban quản lý dự án của các huyện làm chủ đầu tư, nhưng sau khi tính toán, khối lượng công suất xử lý nước thải với số lượng nước thải ra không phù hợp không sử dụng hết công suất nên sẽ tiếp tục giao cho Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương, Tài Chính, Xây dựng, KHĐT cùng UBND các quận, huyện và các chủ đầu tư rà soát, đánh giá lại.

Nhiều bất cập trong xử lý vi phạm về xả thải

Theo Nghị định số 104/NĐ-CP của Chính phủ, hành vi xả nước thải trái phép vào hệ thống công trình thủy lợi sẽ bị phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng đối với lưu lượng xả nhỏ hơn 5m3/ngày đêm; phạt tiền từ 30 - 60 triệu đồng đối với lưu lượng xả trái phép từ 5m3/ngày đêm đến dưới 100m3/ngày đêm. Với lưu lượng xả thải trái phép từ 100m3/ngày đêm đến dưới 500m3/ngày đêm thì bị phạt từ 60 - 80 triệu đồng. Mức phạt cao nhất từ 80 - 100 triệu đồng ứng với lưu lượng xả thải trái phép trên 500m3/ngày đêm trở lên.

Tuy nhiên, theo Giám đốc Công an TP Hà Nội Nguyễn Hải Trung, quá trình xử lý có nhiều bất cập. Ví dụ như khu công nghiệp Quang Minh, từ 2018 đến nay, Công an TP đã chủ trì, phối hợp với Tổng cục Môi trường và Sở TN&MT phát hiện xử lý 9 vụ vi phạm xả thải, xử phạt 2 tỷ đồng, hiện đang hoàn thiện hồ sơ xử lý 3 vụ. Thế nhưng vấn đề phạt tiền, khi áp dụng hình phạt bổ sung là đình chỉ thì lại nảy sinh vấn đề bởi câu chuyện đấu nối chung, nếu dừng 1 cơ sở vi phạm là dừng cả 133 nhà máy. Bên cạnh đó, theo nghị định mới nhất, Công an không được xử phạt hành chính trong xử lý xả thải.

Trên cơ sở đó, Giám đốc Công an TP kiến nghị, rà soát hệ thống xả thải, bóc tách từng cơ sở, để khi phát hiện thì dừng đơn vị đó.

Ngoài ra, theo báo cáo của Sở TN&MT, nơi đã đặt quan trắc nhưng chưa phản ánh về Sở TN&MT, trong trường hợp nào cần phải xem lại. Công an TP không có thẩm quyền, nhưng cố gắng phát hiện và phối hợp với các ngành khác để xử lý các hành vi xả thải trái phép.

Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong cho biết, trên địa bàn TP hiện có khu xử lý nước thải với tổng công suất 276.000 m3/ngày, đêm, vừa được bổ sung nâng tổng công suất lên khoảng 285.000 m3/ngày đêm, nâng tỷ lệ nước thải xử lý được khoảng 29,1% nhưng trong quá trình xử lý nước thải phát sinh bùn thải. Theo quy trình, bùn thải có được sau khi được ép và tách nước sẽ được đưa tới Khu C Yên Sở để xử lý theo phương pháp chôn lấp. Hiện nay tổng số lượng bùn thải phát sinh trong quá trình xử lý là khoảng 1.400 tấn, trong đó thì nhiều nhất là tại Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở khoảng 800 tấn, còn lại các cái khu như Bắc Thăng Long, Vân Trì, Bảy Mẫu, Kim Liên, Trúc Bạch, mỗi đơn vị có khoảng 30-50 tấn/ngày.

Đối với bùn thải này phải được lấy mẫu thí nghiệm để đảm bảo không vượt ngưỡng bùn thải nguy hại khi thực hiện chôn lấp. Bùn thải phải được kiểm soát các yêu cầu về hoá lý cũng như các yêu cầu về chất gây hại ở trong đó. Hiện thành phố đã có 3 nơi để thực hiện chôn lấp bùn thải nhưng mới chỉ có khu vực Chương Dương (huyện Thường Tín) được cấp chủ trương đầu tư, đã thực hiện công nghệ tái chế làm cốt liệu xây dựng, giảm được khối lượng chôn lấp còn các đơn vị khác chưa có nhà đầu tư nào quan tâm.

Theo Giám đốc Sở Xây dựng, với quy mô và công suất như hiện nay thì chỉ đến hết năm 2025 là khu C công trình đầu mối Yên Sở với diện tích khoảng 32 ha không còn chỗ để chôn lấp bùn thải.

"Hiện nay Sở Xây dựng đang tiếp tục phối hợp với các tổ chức để bàn về các nội dung liên quan đến công nghệ cũng như việc thực hiện xã hội hoá đầu tư xử lý bùn thải theo quy định"- Giám đốc Sở Xây dựng thông tin.

Thu phí xử lý nước thải có khả thi

he-thong-bac-hung-hai-ab.png
Cống Xuân Quan nằm trên địa phận tỉnh Hưng Yên là nơi tiếp nguồn nước từ sông Hồng vào tạo dòng chảy lưu chuyển làm sạch cho hệ thống thuỷ lợi Bắc Hưng Hải.

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, cả nước hiện có 49 nhà máy xử lý nước thải đô thị tập trung đã đi vào vận hành với tổng công suất thiết kế 1.181.380m3/ngày, đêm; hệ thống thoát nước trên toàn quốc đạt hơn 60% nhưng tổng lượng nước thải được thu gom, xử lý tại các đô thị rất thấp, chỉ đạt khoảng 15%. Trong đó, tỷ lệ đô thị loại IV trở lên có hệ thống xử lý nước thải tập trung mới đạt khoảng 21,35%. Ở nông thôn, hầu hết các khu dân cư chưa có hệ thống thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt tập trung.

Tại Hà Nội, theo quy hoạch có 31 nhà máy xử lý nước thải nhưng đến nay mới chỉ có 6 nhà máy đi vào hoạt động và chỉ đáp ứng được khoảng 28% khối lượng nước thải cần xử lý. Tương tự, tại TP Hồ Chí Minh, theo quy hoạch sẽ có 11 nhà máy xử lý nước thải, nhưng đến nay cũng chỉ có 3 nhà máy đang hoạt động. Điều này đã và đang khiến công tác xử lý nước thải trở thành vấn nạn lớn gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.

Lý giải về việc “những khoảng trắng” trong công tác xử lý nước thải sinh hoạt, một số chuyên gia trong lĩnh vực thoát nước chia sẻ, mặc dù tỷ lệ thu gom nước thải ở các hộ gia đình ở Việt Nam đạt hơn 60% nhưng chỉ có khoảng 10% lượng nước thải được xử lý, số còn lại chảy thẳng vào hệ thống tiêu thoát nước bề mặt. Nguyên nhân của tình trạng trên xuất phát từ việc thiếu kinh phí trong việc lắp đặt, bổ sung các hệ thống thu gom, xử lý nước thải tại các khu đô thị cũ… Trong khi đó, việc kêu gọi xã hội hóa công tác xử lý nước thải gặp rất nhiều khó khăn, vì đây là lĩnh vực khả năng thu hồi vốn rất chậm nên nhiều DN không hào hứng với lĩnh vực này.

Ngày 16/11/2016 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 154/2016/NĐ-CP về phí bảo vệ môi trường (BVMT) đối với nước thải. Tiếp đó, ngày 5/5/2020, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị định số 53/2020/NĐ-CP quy định phí BVMT đối với nước thải nhằm thay thế, bổ sung một số nội dung của Nghị định số 154 trước đó và chính thức có hiệu lực từ 10/6/2020.

Theo quy định của Nghị định 53, mức phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt là 10% trên giá bán của 1m3 nước sạch, chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng. Trong khi đó, mức phí đối với nước thải công nghiệp trong năm 2020 sẽ áp dụng mức phí chung là 1,5 triệu đồng/năm. Kể từ năm 2021 trở đi, mức phí BVMT đối với nước thải sẽ được áp dụng mức phí theo lưu lượng nước thải bình quân trong ngày, cụ thể: Từ 10m3 đến dưới 20m3/ngày mức phí sẽ là 4 triệu đồng/năm, từ 5m3 đến dưới 10m3/ngày mức phí: 3 triệu đồng/năm, dưới 5m3 mức phí: 2,5 triệu đồng/năm.

Đối với cơ sở có khối lượng nước xả thải từ 20m3/ngày trở lên ngoài số phí cố định, cơ sở xả thải còn phải nộp phí biến đổi. Phí biến đổi tính theo hàm lượng thông số ô nhiễm có trong nước thải (6 thông số ô nhiễm: Nhu cầu ô xy hóa học, Chất rắn lơ lửng, Thủy ngân, Chì, Arsenic, Cadimium). Mức phí biến đổi được tính theo tổng lượng nước thải ra, hàm lượng thông số ô nhiễm của từng chất có trong nước thải và mức thu đối với mỗi chất. Mức phí thấp nhất 2.000 đồng/kg đối với nhu cầu ô xy hóa học (COD), và cao nhất 20 triệu đồng/kg đối với chất thủy ngân (Hg).

Trong đó, việc xác định tổng lượng nước thải đối với cơ sở thuộc đối tượng thực hiện quan trắc nước thải định kỳ theo quy định pháp luật thì căn cứ xác định hàm lượng thông số ô nhiễm trong nước thải để kê khai, tính phí là số liệu quan trắc nước thải định kỳ. Bên cạnh đó, tổng lượng nước thải được xác định căn cứ vào các nguồn dữ liệu như: Kết quả thực tế của đồng hồ, thiết bị đo lưu lượng; Tính bằng 80% lượng nước sử dụng; Thông tin có trong báo cáo giám sát môi trường định kỳ.

Theo GS.TS Trần Hiếu Nhuệ - nguyên Viện trưởng Viện kỹ thuật nước và Công nghệ môi trường, việc thu phí xử lý nước thải bây giờ mới thực hiện là quá chậm so với nhiều nước trên thế giới song cũng là động thái rất đáng trân trọng nhằm giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường nước, đất ở Việt Nam.

PGS.TS Bùi Thị An - nguyên đại biểu Quốc hội, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và phát triển cộng đồng cho rằng, mức phí bằng 10 - 35% giá nước sạch, tương ứng từ 6.000 đến 16.000 đồng/hộ/tháng nếu sử dụng nước sinh hoạt dưới 10m3 với nhiều gia đình là số tiền nhỏ. Tuy nhiên, khi kết hợp với những khoản chi phí khác của từng gia đình là khoản rất cần các cơ quan quản lý xem xét mức độ cũng như thời gian áp dụng.

Giá dịch vụ thoát nước đề xuất tăng dần theo lộ trình 5 năm và thu thông qua giá nước sạch. Cụ thể, năm thứ nhất thu bằng 10% giá nước, năm thứ 5 thu khoảng 35%. Mức giá mà TP Hà Nội đưa ra thấp hơn các tỉnh, TP đang thực hiện, cụ thể Đà Nẵng 15%; Nha Trang 30 - 40%; Bắc Ninh 25 - 38% và Hải Phòng 20%.

Với giá nước sinh hoạt của Hà Nội hiện là 5.973 đồng/m3, hộ gia đình sử dụng nước sinh hoạt dưới 10m3 (chiếm 50% tổng hộ gia đình) phải trả theo phương án đề xuất gần 6.000 đồng/tháng (10%) đến hơn 21.000 đồng/tháng (35%). Tuy nhiên, TP đang rà soát tăng giá nước sạch do nhiều DN cung cấp nước cho rằng mức giá áp dụng từ 1/10/2015 đến nay quá thấp.

Đưa ra giải pháp “hồi sinh” Bắc Hưng Hải, đại diện Cục Bảo vệ môi trường miền Bắc (Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng cần triển khai 4 giải pháp trước mắt và lâu dài.

Đầu tiên, phải thống kê các nguồn thải vào hệ thống Bắc Hưng Hải, từ đó cơ quan chức năng sẽ có kế hoạch kiểm soát nguồn thải. Khi có thông tin, Bộ Tài nguyên và môi trường có thể có văn bản đôn đốc UBND các tỉnh tăng cường xử lý, từ đó sẽ giải quyết được các nguyên nhân chính.

Thứ hai cần phải điều tra, khảo sát, đánh giá khả năng chịu tải. Bởi nếu muốn quản lý nguồn nước mặt xả thải thì phải xem hệ thống còn khả năng chịu tải hay không mới cấp phép xả thải. Ngoài ra, phải ban hành kế hoạch quản lý chất lượng nước mặt của hệ thống Bắc Hưng Hải.

Thứ ba, trên cơ sở thống kê, Bộ Tài nguyên và môi trường phải phối hợp với UBND các tỉnh. Trong đó, UBND các tỉnh chịu kinh phí. Nếu có vướng mắc về kinh phí đầu tư hệ thống thì Bộ và UBND các tỉnh có liên quan sẽ cùng có kiến nghị với Thủ tướng các giải pháp để hỗ trợ đầu tư hệ thống xử lý.

Thứ tư, trách nhiệm của đơn vị vận hành hệ thống Bắc Hưng Hải phải thường xuyên duy tu, bảo dưỡng, nạo vét, khơi thông dòng chảy.

Dự thảo Luật Tài nguyên nước sửa đổi đã quy định hàng năm, Bộ TN&MT chỉ đạo cơ quan chuyên môn công bố kịch bản nguồn nước trên các lưu vực sông, trên cơ sở kịch bản nguồn nước, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, địa phương theo thẩm quyền chỉ đạo việc xây dựng kế hoạch khai thác, sử dụng nước. Ngoài ra, dự thảo quy định bổ sung khi lưu vực sông dự báo xảy ra hạn hán, thiếu nước, quy định trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, địa phương xây dựng phương án điều hòa, phân phối tài nguyên nước để chỉ đạo lập kế hoạch khai thác, sử dụng nước cho phù hợp.

Về xã hội hóa, dự thảo quy định cụ thể các hoạt động bảo vệ, phát triển, phục hồi nguồn nước, trữ nước được khuyến khích sử dụng nguồn vốn xã hội hóa tại Điều 73. Đồng thời, quy định các Tổ chức tham gia thực hiện các hoạt động xã hội hóa được hưởng ưu đãi, hỗ trợ về đất đai, vốn; miễn, giảm thuế, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước và các ưu đãi, hỗ trợ khác theo quy định của pháp luật.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Đi tìm lời giải tình trạng ô nhiễm hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải - Bài 3: Xử phạt, thu phí nước thải đã là biện pháp tối ưu?
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.