Giải pháp “hồi sinh” hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải

Ánh Minh|23/06/2022 16:43
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Hệ thống thuỷ lợi Bắc Hưng Hải có tổng chiều dài tuyến sông chính khoảng 232km, cung cấp nước tưới cho 135.000ha và tiêu úng cho gần 200.000ha đất canh tác. Hệ thống còn tạo nguồn cấp nước sinh hoạt cho hơn 3 triệu người dân và các khu công nghiệp.

hung-1.jpg
Tình trạng ô nhiễm hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải đã diễn ra từ nhiều năm nay và ngày càng trở lên đáng báo động.

Báo động tình trạng ô nhiễm ở Bắc Hưng Hải

Trước tình trạng ô nhiễm hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải đã diễn ra từ nhiều năm nay và ngày càng trở lên đáng báo động, tại Công văn số 3372/VPCP-NN ngày 31/5/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành yêu cầu Bộ TN&MT khẩn trương triển khai các nhiệm vụ theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 để quản lý chặt chẽ chất lượng môi trường nước tại hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải. Bộ Công an nghiên cứu ý kiến góp ý của các bộ ngành, địa phương để có đề xuất giải pháp đảm bảo phù hợp, khả thi.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cũng yêu cầu các địa phương liên quan tập trung tăng cường, đẩy nhanh triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao, các công việc, giải pháp theo thẩm quyền để ngăn chặn, xử lý ngay các hành vi, hoạt động, các đối tượng, cơ sở xả thải trái phép gây ô nhiễm môi trường nước trên hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải...

Tại hội nghị mà Bộ trưởng Bộ Công an - Tô Lâm tiếp xúc cử tri tại huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên diễn ra vào ngày 22/6, trong hàng loạt kiến nghị mà cử tri nơi đây gửi đến Bộ trưởng Bộ Công an, trong đó được đề nghị nhiều nhất là cần tiếp tục chỉ đạo xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân xả chất thải gây ô nhiễm môi trường hệ thống Bắc Hưng Hải,...

Đây được coi và vấn đề rất nóng, được đại đa số người dân tại 4 địa phương (thành phố Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh và Hải Dương) bức xúc và đặc biệt quan tâm đến công tác xử lý vi phạm và phục hồi môi trường tại hệ thống thủy lợi đóng vai trò rất quan trọng này.

Liên quan đến nội dung này, theo Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an), để phòng ngừa xả thải, đơn vị này mới thực hiện tổng kiểm tra, xử lý hơn 11 tỷ đồng liên quan đến các vi phạm nêu trên. Chỉ tính riêng trong cuối tháng 5, đơn vị đã phối hợp với Tổng cục Môi trường thanh kiểm tra gần 20 đơn vị xả nước thải ra công trình thủy lợi.

Trong thời gian tới sẽ tiếp tục phòng ngừa, kiểm tra, xử lý; tham mưu cho công an tỉnh, huyện, công an xã tăng cường công tác giám sát. Với các hộ sống 2 bên bờ kênh cần yêu cầu ký cam kết không vứt rác xuống lòng kênh.

Được xây dựng từ năm 1958, hệ thống thuỷ lợi Bắc Hưng Hải có tổng chiều dài tuyến sông chính khoảng 232km, cung cấp nước tưới cho 135.000ha và tiêu úng cho gần 200.000ha đất canh tác. Hệ thống còn tạo nguồn cấp nước sinh hoạt cho hơn 3 triệu người dân và các khu công nghiệp.

Mặc dù vậy, tình trạng ô nhiễm nguồn nước trên hệ thống thuỷ lợi Bắc Hưng Hải những năm gần đây đang trở thành nỗi lo lớn, gây nhiều hệ luỵ đến cuộc sống và môi sinh.

kenh.jpg
Nước chuyển màu tại kênh Bắc Hưng Hải.

Khảo sát mới đây của Bộ NN&PTNT thực hiện trên 83 tuyến kênh chính và kênh nhánh vào mùa khô từ tháng 12 năm trước đến tháng 4 năm sau, cho thấy tình trạng ô nhiễm đáng báo động trên hệ thống thuỷ lợi Bắc Hưng Hải. Cụ thể, có đến 40/83 tuyến kênh bị ô nhiễm nghiêm trọng và rất nghiêm trọng; 23/43 tuyến kênh còn lại bị ô nhiễm ở mức độ trung bình; còn lại 20 tuyến kênh đang ở mức độ ô nhiễm nhẹ.

Theo đánh giá của Bộ TN&MT, 100% các khu công nghiệp có xả thải ra hệ thống thuỷ lợi Bắc Hưng Hải đều đầu tư xây lắp hệ thống xử lý nước thải tập trung và có hệ thống quan trắc tự động, liên tục kết nối với Sở TN&MT, Bộ TN&MT. Các đối tượng này được quản lý hết sức chặt chẽ.

Ông Hoàng Văn Vy - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ môi trường miền Bắc (Tổng cục Môi trường, Bộ TN&MT) cho rằng, nguồn gây ô nhiễm từ các cơ sở sản xuất công nghiệp hiện nay đang được kiểm soát khá tốt. Nhưng có một vấn đề là hàng năm từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau, ô nhiễm trên hệ thống thuỷ lợi Bắc Hưng Hải lại gia tăng. Điều này cho thấy, tình trạng ô nhiễm phụ thuộc vào lượng nước cấp cho hệ thống.

“Trên sông Cầu Bây (tuyến nhánh đổ vào hệ thống thuỷ lợi Bắc Hưng Hải), trung bình 1 ngày đêm phát sinh khoảng 160.000m3 nước thải, chủ yếu từ các khu đô thị, điểm dân cư tập trung, làng nghề chưa được xử lý đạt tiêu chuẩn. Đây là nguyên nhân chính gây ô nhiễm hệ thống thuỷ lợi Bắc Hưng Hải…” - ông Hoàng Văn Vy nhận định.

Ở góc độ quản lý, đại diện Cục Bảo vệ môi trường miền Bắc nhìn nhận có 3 nguyên nhân có thể làm gia tăng ô nhiễm.

Thứ nhất, do mực nước sông Hồng bị hạ thấp trong khi lượng nước thải vào hệ thống thuỷ lợi Bắc Hưng Hải vẫn giữ nguyên, làm gia tăng tình trạng ô nhiễm.

Thứ hai, hệ thống thuỷ lợi Bắc Hưng Hải có chức năng tưới tiêu nên phải đảm bảo mực nước. Khi mực nước bị hạ thấp sẽ vận hành theo xu hướng đóng kín hạ lưu để dâng mực nước. Nước dâng lên không được lưu thông cũng là nguyên nhân gia tăng ô nhiễm.

Thứ ba, khi Cục Bảo vệ môi trường miền Bắc khảo sát trên hệ thống thuỷ lợi Bắc Hưng Hải, việc duy tu bảo dưỡng, khơi thông dòng chảy chưa được thực hiện thường xuyên. Trên hệ thống, hệ thực vật thủy sinh phát triển rất mạnh. Bình thường, thủy sinh làm giảm ô nhiễm, nhưng khi phát triển quá mức, hệ thủy sinh chết đi, vô hình trung trở thành tác nhân gây tái ô nhiễm.

Cần giải pháp đồng bộ

Để “hồi sinh” hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải, nhiệm vụ đặt ra là cần có kế hoạch để kiểm soát nguồn thải. Thực tế lâu nay cho thấy số liệu nguồn thải chưa đầy đủ. Chỉ khi có thông tin, Bộ TN&MT mới có căn cứ, cơ sở để đôn đốc UBND các tỉnh, TP tăng cường xử lý, như một số trường hợp ở quận Long Biên, huyện Gia Lâm (TP Hà Nội) thời gian qua.

Điều tra, khảo sát, đánh giá khả năng chịu tải là vấn đề tiếp theo được các chuyên gia khuyến cáo. Bởi nếu muốn quản lý nguồn nước mặt xả thải thì phải xem hệ thống còn khả năng chịu tải hay không thì mới cấp phép xả thải. Ngoài ra, phải ban hành kế hoạch quản lý chất lượng nước mặt của hệ thống thuỷ lợi Bắc Hưng Hải.

Liên quan đến trách nhiệm của đơn vị vận hành hệ thống thuỷ lợi, đại diện Cục Bảo vệ môi trường miền Bắc cho rằng, các đơn vị quản lý phải thường xuyên duy tu, bảo dưỡng, nạo vét, khơi thông dòng chảy. Phối hợp với UBND các tỉnh, TP trong việc cấp phép xả thải dựa trên khả năng chịu tải của từng tuyến kênh, mương.

Đồng tình với quan điểm của đại diện Cục Bảo vệ môi trường miền Bắc, Phó Cục trưởng Cục Quản lý công trình thuỷ lợi Nguyễn Việt Anh cho rằng việc thống kê, kiểm đếm nguồn thải vào công trình thủy lợi là giải pháp cần thiết.

sinh-2.jpeg
Cải thiện ô nhiễm nguồn nước hệ thống thuỷ lợi Bắc Hưng Hải đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ của các cấp bộ ngành và địa phương.

“Chúng tôi đã chỉ đạo các đơn vị quản lý khai thác, các Sở NN&PTNT hàng tháng phải có báo cáo về phát sinh điểm xả thải, phát sinh vi phạm. Nhưng việc tăng cường nhận thức của người dân, sự tham gia của các cấp chính quyền địa phương trong việc bảo vệ môi trường, xả thải vào công trình thủy lợi là rất quan trọng...” – ông Việt Anh chia sẻ.

Cho ý kiến về đề xuất giải pháp cải thiện nguồn nước trên hệ thống thuỷ lợi Bắc Hưng Hải, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ lợi (Bộ NN&PTNTT) Lương Văn Anh cho rằng giải pháp công trình là rất quan trọng, và điều này có vai trò trách nhiệm lớn của các địa phương.

Đại diện Tổng cục Thuỷ lợi thông tin, trong trung hạn, Bộ NN&PTNT đã đưa vào kế hoạch đầu tư trạm bơm Xuân Quan và nạo vét một số hệ thống kênh trục. Tuy nhiên, các địa phương cũng cần phải đầu tư hệ thống thu gom, xử lý nước thải, nhất là từ các khu dân cư.

“Theo Luật Bảo vệ môi trường, trách nhiệm đầu tư hệ thống xử lý nước thải thuộc về UBND cấp tỉnh. Các địa phương phải đầu tư hệ thống thu gom, xử lý nước thải khu đô thị, khu dân cư và làng nghề. Có như vậy tình trạng ô nhiễm hệ thống thuỷ lợi Bắc Hưng Hải mới mong được kiểm soát…” - ông Lương Văn Anh bày tỏ quan điểm.

Ông Hoàng Văn Vy, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ môi trường miền Bắc - Tổng cục Môi trường - Bộ Tài nguyên và môi trường đưa ra 4 giải pháp trước mắt và lâu dài: Đầu tiên phải thống kê các nguồn thải vào hệ thống Bắc Hưng Hải, từ đó chúng ta sẽ có kế hoạch kiểm soát nguồn thải. Lâu nay, số liệu nguồn thải chưa đầy đủ. Muốn quản lý thì phải có thông tin làm cơ sở.

Khi có thông tin, Bộ Tài nguyên và môi trường có thể có văn bản đôn đốc UBND các tỉnh tăng cường xử lý, như ở quận Long Biên, huyện Gia Lâm… từ đó chúng ta sẽ giải quyết được các nguyên nhân chính.

Tiếp đến là chúng ta phải điều tra, khảo sát, đánh giá khả năng chịu tải. Bởi vì, nếu muốn quản lý nguồn nước mặt xả thải thì phải xem hệ thống còn khả năng chịu tải hay không mới cấp phép xả thải. Ngoài ra, phải ban hành kế hoạch quản lý chất lượng nước mặt của hệ thống Bắc Hưng Hải.

Trên cơ sở thống kê, Bộ Tài nguyên và môi trường phải phối hợp với UBND các tỉnh. Trong đó, UBND các tỉnh chịu kinh phí. Nếu có vướng mắc về kinh phí đầu tư hệ thống thì bộ và UBND các tỉnh có liên quan sẽ cùng có kiến nghị với Thủ tướng các giải pháp để hỗ trợ đầu tư hệ thống xử lý.

Sau cùng là trách nhiệm của đơn vị vận hành hệ thống Bắc Hưng Hải phải thường xuyên duy tu, bảo dưỡng, nạo vét, khơi thông dòng chảy.

Ông Vy cho rằng pháp luật đã quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị có liên quan. Nếu làm đầy đủ các nội dung trên thì không cần thiết phải thành lập một tiểu ban chỉ đạo việc này.

"Trước đây chúng ta có các ủy ban bảo vệ sông, nhưng hiệu quả khá hạn chế. Thay vì thế, chúng ta nên tăng cường làm tốt chức năng nhiệm vụ mà pháp luật quy định cho các cơ quan, đơn vị liên quan", ông Vy chia sẻ.

“Tình trạng ô nhiễm hệ thống thuỷ lợi Bắc Hưng Hải đã diễn ra từ nhiều năm nay và ngày càng trở lên đáng báo động. Thời gian qua, chúng tôi đã phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) và Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) thực hiện công tác phòng ngừa, đấu tranh xử lý vi phạm xả thải trái phép. Có một số đơn vị trong một năm bị xử lý đến 2 lần. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, quyết liệt xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm...”

Đại tá Nguyễn Văn Thắng - Cục Cảnh sát về phòng chống tội phạm môi trường, Bộ Công an.

Tại Công văn số 3372/VPCP-NN ngày 31/5/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành yêu cầu Bộ TN&MT khẩn trương triển khai các nhiệm vụ theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 để quản lý chặt chẽ chất lượng môi trường nước tại hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải. Bộ Công an nghiên cứu ý kiến góp ý của các bộ ngành, địa phương để có đề xuất giải pháp đảm bảo phù hợp, khả thi.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cũng yêu cầu các địa phương liên quan tập trung tăng cường, đẩy nhanh triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao, các công việc, giải pháp theo thẩm quyền để ngăn chặn, xử lý ngay các hành vi, hoạt động, các đối tượng, cơ sở xả thải trái phép gây ô nhiễm môi trường nước trên hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải...

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Giải pháp “hồi sinh” hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải