Diễn đàn Nông dân quốc gia lần VIII năm 2023: Thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp

Minh Lâm|12/10/2023 17:21
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái nhấn mạnh, kinh tế tập thể là thành phần kinh tế quan trọng, phải được củng cố và phát triển cùng kinh tế Nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân.

XEM VIDEO: Diễn đàn Nông dân quốc gia lần VIII năm 2023: Thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp

Sáng ngày 12/10, tại Hà Nội, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cùng gần 600 đại biểu, trong đó có 100 nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023 và 63 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp tiêu biểu, đã tham dự Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ VIII với chủ đề "Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp".

Mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã đã đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển ngành nông nghiệp, tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho nông dân Việt Nam. Tuy nhiên, trong giai đoạn mới, các hợp tác xã nông nghiệp sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức về vốn, đất đai, tiêu thụ nông sản, năng lực quản trị... và đòi hỏi cần phải có những sự thay đổi trong tư duy sản xuất để tiếp tục phát triển bền vững.

dien-dan-1.jpg
Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ VIII năm 2023. Ảnh: VGP

Phát biểu khai mạc tại diễn đàn, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn nhấn mạnh: Phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã là một chủ trương lớn, xuyên suốt và nhất quán của Đảng và Nhà nước. Để củng cố và phát triển cùng kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16-6-2022 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới.

Trong thời gian qua, các cấp hội nông dân đã góp phần xây dựng, thành lập hơn 23.000 mô hình kinh tế tập thể hoạt động có hiệu quả, trong đó có hơn 3.800 hợp tác xã nông nghiệp và khoảng 19.000 tổ hợp tác. Doanh thu bình quân mỗi hợp tác xã đạt 4,7 tỷ đồng, lợi nhuận 350 triệu đồng/năm; doanh thu bình quân mỗi tổ hợp tác khoảng 240 triệu/năm, lợi nhuận đạt gần 40 triệu/năm; số hợp tác xã có sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên ngày càng tăng với hơn 700 hợp tác xã (chiếm gần 20%).

hoi-nong-dan.jpg
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn phát biểu khai mạc Diễn đàn

Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước xác định rõ và coi kinh tế tập thể (KTTT) là 1 trong 4 thành phần kinh tế không thể thiếu, cùng với kinh tế nhà nước, kinh tế tư nhân, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, tạo nên sự ưu việt của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

Những năm qua, khu vực KTTT đã phát triển cả về số lượng và chất lượng. Nông dân và hội viên hội nông dân đóng vai trò quan trọng trong phát triển KTTT. Hiện nay, trong hơn 31 nghìn hợp tác xã (HTX), có hơn 20 nghìn HTX nông nghiệp, chiếm trên 64% tổng số HTX cả nước; trong gần 6 triệu thành viên HTX có trên 3,8 triệu là nông dân, chiếm trên 63%% tổng số thành viên). Nhiều loại hình HTX liên kết trong sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, tạo nên các chuỗi liên kết đa giá trị, bền vững.

"Khu vực KTTT, HTX góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, an sinh, công bằng xã hội, tạo được nhiều công ăn việc làm cho người lao động trong nước, đặc biệt là những lao động yếu thế trong xã hội" - Phó Thủ tướng Lê Minh Khái khẳng định.

Theo Phó Thủ tướng, từ nền tảng là các chi, tổ hội nghề nghiệp giúp nhau làm giàu, phát triển kinh tế, các cấp hội nông dân đã vận động thành lập được gần 3.800 HTX và khoảng 20.000 tổ hợp tác nông nghiệp. Đây là nỗ lực, cố gắng rất lớn của Hội Nông dân Việt Nam, góp phần cùng với các cấp, các ngành, địa phương cụ thể hóa mục tiêu đã được đề ra tại Nghị quyết số 20-NQ/TW, đó là đến năm 2030, cả nước có 45.000 HTX và 140.000 tổ hợp tác với khoảng 10 triệu thành viên tham gia.

Nhiều HTX, tổ hợp tác sau khi được các hội nông dân hỗ trợ thành lập đã làm ăn có lãi, tạo thêm nhiều công ăn việc làm và sản phẩm nông sản chất lượng, an toàn, xây dựng được các thương hiệu sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm); các mô hình HTX nông nghiệp tổ chức sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị ngày càng tăng, nhiều hợp tác đã đăng ký sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn VietGAP.

Tuy vậy, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng nhấn mạnh, các HTX hiện nay cũng còn gặp không ít khó khăn, thách thức cả về vốn, đất đai, tiêu thụ nông sản cho đến năng lực quản trị, cơ chế, chính sách để vận hành, hoạt động của các HTX trong lĩnh vực nông nghiệp. Có nhiều vấn đề, các HTX đặt ra có thể tháo gỡ, giải quyết được trong thời gian trước mắt; nhưng cũng có nhiều vấn đề đòi hỏi phải giải quyết từng bước, có lộ trình theo đúng chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, nhằm đảm bảo phát triển lợi ích hài hòa giữa các thành phần kinh tế, giữa các thành phần tham gia vào chuỗi liên kết.

ong-le-minh-khai.jpg
Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái phát biểu tại Diễn đàn.

Để phát triển HTX trong thời gian tới, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương, Hội Nông dân Việt Nam cần nhận thức đúng, đầy đủ về bản chất, vị trí, vai trò và tầm quan trọng của KTTT trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

“Để thực hiện yêu cầu này, đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan khẩn trương trình Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về KTTT theo chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Nghị quyết số 20-NQ/TW, trên cơ sở đó các địa phương nhanh chóng kiện toàn Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về KTTT. Hội Nông dân Việt Nam cần xây dựng nội dung và phương pháp tuyên truyền, giáo dục bảo đảm thiết thực và hiệu quả, hình thức đa dạng, phong phú; kịp thời tôn vinh và nhân rộng các tổ chức KTTT hoạt động hiệu quả”- Phó Thủ tướng yêu cầu.

Nhằm phát huy những kết quả đã đạt được trong thời gian vừa qua, Phó Thủ tướng đề nghị Hội Nông dân các cấp tiếp tục thực hiện việc tuyên truyền, vận động, hướng dẫn thành lập mới được nhiều HTX, tổ hợp tác hơn nữa trên cơ sở các chi, tổ hội nghề nghiệp. HTX, tổ hợp tác mới được thành lập phải hoạt động hiệu quả, thiết thực, có sự liên kết theo chuỗi với nhau.

Đồng thời, phải tạo được chuỗi liên kết bền vững giữa HTX/tổ hợp tác với doanh nghiệp, với Nhà nước, nhà khoa học, ngân hàng; phấn đấu mục tiêu chung là đến năm 2030, cả nước sẽ có 45.000 HTX với 2 triệu thành viên tham gia.

Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển KTTT trong nông nghiệp”.

Các nội dung đề án phải đảm bảo tính khả thi, huy động được nguồn lực của xã hội, hộ gia đình, cá nhân cùng tham gia; phát huy và nâng cao hơn nữa vai trò của hội nông dân các cấp trong việc tham gia phát triển KTTT, khuyến khích những cách làm mới, hình thành các chuỗi liên kết bền vững…

Các bộ, ngành, địa phương cần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với lĩnh vực KTTT. Ưu tiên nguồn lực, bố trí kinh phí, cán bộ theo dõi các nội dung về đổi mới KTTT, HTX ở cơ quan, đơn vị từ trung ương tới địa phương. Các bộ, ngành, địa phương cần dành nguồn lực, bố trí nguồn vốn cho Hội Nông dân Việt Nam hỗ trợ thành lập, củng cố các HTX hoạt động hiệu quả, thực chất…

Ngoài ra, tăng cường hợp tác quốc tế để thu hút các nguồn lực hỗ trợ phát triển KTTT, hợp tác xã trong nông nghiệp và mở rộng thị trường, giới thiệu tiêu thụ sản phẩm của các HTX.

Phó Thủ tướng lưu ý một yếu tố hết sức quan trọng là các HTX phải chủ động, sáng tạo, đổi mới cách nghĩ, cách làm, chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, tích hợp đa giá trị. Các sản phẩm làm ra phải có thương hiệu, chất lượng cao, đáp ứng được thị trường trong nước và thế giới, nhất là gắn với thương hiệu Chương trình OCOP...

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Diễn đàn Nông dân quốc gia lần VIII năm 2023: Thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp