Diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024: Báo chí giải pháp giúp báo chí chính thống khẳng định vị thế
Chiều ngày 21/9, tại TP. Phan Thiết (Bình Thuận) đã diễn ra chương trình Diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề "Báo chí giải pháp – hướng đi cho báo chí truyền thống" do Hội Nhà báo Việt Nam chủ trì, giao Báo Nhà báo và Công luận tổ chức.
Tham dự và chủ trì diễn đàn có các lãnh đạo: Ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; ông Nguyễn Hoài Anh, Ủy viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận; ông Nguyễn Đức Lợi, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; ông Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; ông Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông...
Đến tham dự chương trình Diễn đàn còn có hơn 100 Tổng biên tập các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương, các cơ quan chỉ đạo báo chí, quản lý báo chí, đại diện Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Thuận và các phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí đến dự và đưa tin.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn Tổng Biên tập 2024, ông Lê Trần Nguyên Huy, Quyền Tổng Biên tập Báo Nhà báo và Công luận cho biết, báo chí truyền thống đã, đang chịu sức ép cạnh tranh rất lớn từ truyền thông xã hội.
Tuy nhiên, thực tế đời sống báo chí thời gian đã cho thấy báo chí truyền thống không nên và không thể cạnh tranh với mạng xã hội về tốc độ đưa tin. Vì thế, để bảo đảm sự tồn tại, kiến tạo nguồn thu và giữ chân được độc giả, báo chí truyền thống buộc phải tìm những hướng đi mới.
Theo ông Lê Trần Nguyên Huy, với báo chí cách mạng Việt Nam, hướng đi đó còn là việc làm thế nào để các cơ quan báo chí tiếp khẳng định được dòng thông tin chủ lưu, định hướng, dẫn dắt dư luận và đóng góp được vào sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, không chỉ để giữ chân độc giả mà còn để củng cố niềm tin của công chúng vào báo chí.
"Từ những trăn trở đó, trước thềm kỷ niệm 100 năm Báo chí cách mạng Việt Nam, chúng tôi lựa chọn chủ đề “Báo chí giải pháp: Hướng đi cho báo chí truyền thống?” cho Diễn đàn Tổng Biên tập 2024. Báo chí giải pháp liệu có thể là hướng phù hợp cho báo chí Việt Nam hiện nay? Hy vọng, diễn đàn sẽ được đón nhận những ý kiến trao đổi thẳng thắn, những hiến kế thiết thực, những chia sẻ bổ ích về xu hướng báo chí mới này...", ông Lê Trần Nguyên Huy chia sẻ.
Chào mừng Diễn đàn, ông Nguyễn Hoài Anh - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Bình Thuận cho hay, tỉnh Bình Thuận rất vui mừng và vinh hạnh được Hội Nhà báo Việt Nam chọn là nơi tổ chức Diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024: “Báo chí giải pháp - Hướng đi cho báo chí Truyền thống”.
Theo Bí thư Tỉnh uỷ Bình Thuận, trong thời kỳ khoa học công nghệ phát triển nhanh chóng như hiện nay, những thành tựu của cuộc cách mạng 4.0, nhất là trí tuệ nhân tạo, những ứng dụng của công nghệ số đang đặt ra nhiều vấn đề mới trong hoạt động của báo chí truyền thống, vừa tạo ra nhiều cơ hội, vừa đặt ra nhiều thách thức mà báo chí truyền thống cần giải quyết để từ đó có thích ứng linh hoạt, tiếp tục phát triển.
Báo chí giải pháp, báo chí xây dựng không chỉ mang đến những phương pháp tiếp cận mới mẻ và tích cực cho báo chí mà còn là cơ hội để các cơ quan báo chí Việt Nam khẳng định vai trò của mình trong việc định hình và thúc đẩy sự phát triển xã hội. Hơn thế, báo chí giải pháp có thể giúp báo chí chính thống khẳng định vị thế trước sự cạnh tranh mạnh mẽ về thông tin từ mạng xã hội, thể hiện vai trò phụng sự Đảng, Nhà nước và nhân dân.
“Với ý nghĩa đó, tỉnh Bình Thuận rất phấn khởi và tán thành cao với việc Hội nhà báo Việt Nam chọn chủ đề Diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 là “Báo chí giải pháp: Hướng đi cho báo chí Truyền thống”. Đây cũng chính là vấn đề chúng tôi rất quan tâm khi Bình Thuận đang bước vào hành trình phát triển mới với những mục tiêu mới. Với chủ đề này, Diễn đàn sẽ được nghe những bài viết chuyên sâu, giúp chúng ta hiểu rõ hơn về báo chí giải pháp; tác động của báo chí giải pháp; cách thức, mô hình triển khai báo chí giải pháp để báo chí giải pháp đạt kết quả cao nhất. Đồng thời, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024, nơi hội tụ các Tổng Biên tập, lãnh đạo của các tờ báo lớn và có uy tín cao của đất nước cùng tập trung thảo luận chủ đề nêu trên là một sự kiện mang ý nghĩa hết sức thời sự với đời sống báo chí mà còn là hoạt động rất ý nghĩa trước thềm kỷ niệm 100 năm Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2025)”, ông Nguyễn Hoài Anh nhấn mạnh.
Diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 có 2 phiên thảo luận. Phiên thứ nhất có chủ đề “Báo chí giải pháp - Xu hướng và tiềm năng”; Phiên thứ hai có chủ đề “Triển khai báo chí giải pháp: Cách thức, mô hình nào hiệu quả?”.
Tại các phiên thảo luận, những vấn đề nóng, thời sự, những câu chuyện thực tế của báo chí thế giới, của Việt Nam và của từng cơ quan báo chí trong cả nước sẽ được bàn luận, chia sẻ… góp phần cho mỗi cơ quan báo chí, cơ quan quản lý báo chí định hướng triển khai hiệu quả, phù hợp hơn nữa với thực tế trong thời gian tới.
Theo Ban Tổ chức, việc bàn về báo chí giải pháp còn nhằm góp phần cho các cơ quan báo chí cả nước làm tốt hơn nữa vai trò của mình. Đó là bên cạnh các hoạt động phản ánh, phản biện, đấu tranh, báo chí còn thực hiện vai trò hiến kế, đề xuất các giải pháp, biện pháp thực hiện. Đây cũng là một trong những hướng đi để báo chí thể hiện vai trò cung cấp, định hướng thông tin chính thống trong bối cảnh người đọc đang bị “ngợp” trong lượng thông tin khổng lồ nhưng chưa qua kiểm chứng trên mạng xã hội.
Ông Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam - cho rằng, một hướng đi đang hiện rõ cho ngành báo là báo chí xây dựng/báo chí giải pháp. Theo đó, các cơ quan báo chí trong khi đưa tin cũng đề xuất các giải pháp hoặc luận giải kỹ lưỡng để độc giả cảm thấy được trao quyền và mang lại hy vọng.
Báo chí giải pháp hiện là một xu hướng tích cực và phù hợp với sự vận động của báo chí trong giai đoạn hiện nay. Báo chí ngày càng thể hiện được vai trò đồng hành với Đảng, Nhà nước, các địa phương và nhân dân trong việc giải quyết các vấn đề thiết thực, cần kíp của xã hội, của đất nước. Trong bối cảnh kỷ nguyên số với rất nhiều sự thay đổi, báo chí giải pháp như một hướng đi cho báo chí truyền thống để khẳng định vị thế và uy tín cũng như giữ chân công chúng của mình.
Chính vì thế, báo chí giải pháp có thể hiểu là bên cạnh các hoạt động phản ánh, phản biện, đấu tranh, báo chí còn thực hiện vai trò hiến kế, đề xuất các giải pháp, biện pháp thực hiện thay vì chỉ nêu lên vấn đề rồi bỏ lửng. Điều này có nghĩa là báo chí thể hiện vai trò tích cực hơn, trách nhiệm hơn đối với các vấn đề của đất nước, của xã hội, nhất là đề xuất giải pháp để giải quyết các vấn đề nêu ra, góp phần tạo dựng niềm tin và sự đồng thuận của xã hội.
Cách tiếp cận báo chí giải pháp là mang đến cho mọi người cái nhìn chân thực hơn, đầy đủ hơn về những vấn đề mà con người và xã hội đang phải đối mặt, giúp thúc đẩy quyền công dân hiệu quả hơn. Các câu chuyện giải pháp có thể có nhiều dạng, nhưng chúng có chung một số đặc điểm chính đó là xác định các nguyên nhân gốc rễ của một vấn đề xã hội; làm nổi bật một câu trả lời hoặc các câu trả lời cho vấn đề đó.
Trong khuôn khổ chương trình, các đại biểu tham dự đã quyên góp cho “Quỹ ước mơ xanh” hướng về đồng bào các tỉnh miền Bắc chịu thiệt hại do bão lũ...