Lịch sử vẻ vang
Với bề dày lịch sử xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của QĐND Việt Nam khẳng định: Mối quan hệ đoàn kết gắn bó quân dân là nguồn sức mạnh vô địch của quân đội; đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Quân đội ta có sức mạnh vô địch, vì nó là một Quân đội nhân dân do Đảng ta xây dựng, Đảng ta lãnh đạo và giáo dục”. Để phát huy nguồn sức mạnh đó, ngày 17-10-1989, Ban Bí thư Trung ương Đảng, khóa VI đã ra Chỉ thị số 381-CT/TW, lấy ngày 22-12 – Ngày thành lập QĐND Việt Nam là Ngày hội Quốc phòng toàn dân (QPTD), nhằm phát huy truyền thống yêu nước, biểu dương sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa (XHCN).
Từ 34 chiến sĩ, được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo, giáo dục và rèn luyện, được nhân dân nuôi dưỡng, ủng hộ và giúp đỡ, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân-tiền thân của QĐND Việt Nam đã phát triển không ngừng; chưa đầy một năm sau khi thành lập đã cùng toàn dân làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 vĩ đại, giành độc lập dân tộc.
Việc đọc báo, tạp chí của Đảng được duy trì thường xuyên tại các đơn vị thuộc Bộ CHQS tỉnh Lai Châu.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, trên cơ sở đường lối kháng chiến “toàn dân, toàn diện, dựa vào sức mình là chính”, QĐND được sự ủng hộ, giúp đỡ, sát cánh chiến đấu, phục vụ chiến đấu của nhân dân, nên càng đánh càng mạnh, giành từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, hàng chục vạn dân công đã xẻ núi, san đồi, bảo đảm giao thông; đồng thời, tiến hành vận chuyển khối lượng lớn lương thực, thực phẩm, vũ khí cho chiến dịch bằng xe đạp thồ, mảng nứa, xe thô sơ, ngựa thồ… Theo số lượng tổng kết, chỉ trong thời gian ngắn nhân dân ta đã đóng góp và cung cấp được 23.126 tấn gạo, 922 tấn thịt, 800 tấn rau, 226 tấn muối, 917 tấn thực phẩm khác…; có hơn 261.000 lượt dân công với 12 triệu ngày công phục vụ chiến dịch.
Được sự giúp đỡ tận tình, hiệu quả của nhân dân, cán bộ, chiến sĩ trên Mặt trận Điện Biên Phủ đã thể hiện rõ bản chất, truyền thống, vượt mọi khó khăn, gian khổ người trước ngã xuống, người sau xông lên “vì nhân dân quên mình”, giành giật với địch từng mét chiến hào, từng ngọn đồi, đánh thắng từng trận, tiến tới tiêu diệt hoàn toàn tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, tư tưởng “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công” của Chủ tịch Hồ Chí Minh được vận dụng một cách sáng tạo, với nhiều hình thức phong phú, phù hợp với điều kiện đất nước tạm thời bị chia làm hai miền. Ở miền Bắc, đông đảo các tầng lớp nhân dân hăng hái thi đua lao động sản xuất, chi viện cho chiến trường miền Nam với tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “Thanh niên ba sẵn sàng”, “Phụ nữ ba đảm đang”… Trên chiến trường miền Nam, mặc dù chính quyền tay sai và đế quốc Mỹ dùng mọi thủ đoạn chia rẽ giữa nhân dân với bộ đội, du kích, như: Dồn dân lập ấp chiến lược, đàn áp phong trào cách mạng… nhưng mối quan hệ đoàn kết quân dân vẫn không ngừng được củng cố, ngày càng gắn bó. Hàng nghìn, hàng vạn những người mẹ, người chị không quản ngại gian khổ, hiểm nguy, thậm chí có thể hy sinh tính mạng để nuôi giấu bộ đội, làm giao liên, y tá… Đó là những hình ảnh sáng đẹp về tình cảm quân dân. Trong lòng nhân dân, được nhân dân che chở, giúp đỡ, nuôi dưỡng, bộ đội ta luôn phát huy truyền thống “Trung với nước, hiếu với dân”, chiến đấu dũng cảm, ngoan cường với ý chí quyết chiến, quyết thắng, bảo vệ nhân dân trong từng trận chống càn, đánh bại các chiến dịch quy mô lớn của địch, giữ vững vùng giải phóng, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước bằng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975.
Trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại chống xâm lược, giành độc lập, mối quan hệ đoàn kết quân dân thực sự là nguồn sức mạnh vô địch của QĐND Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, được nhân dân nuôi dưỡng đùm bọc, sát cánh chiến đấu, QĐND luôn thể hiện rõ vai trò là lực lượng nòng cốt trong đấu tranh vũ trang cách mạng, chiến đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Vì nhân dân-đó là động lực mạnh mẽ thôi thúc lớp lớp các thế hệ cán bộ, chiến sĩ không quản ngại khó khăn, gian khổ, sẵn sàng chấp nhận hy sinh, quyết tâm chiến đấu giành độc lập dân tộc.
Tiếp nối sức mạnh trong thời đại mới
Trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, QĐND vẫn luôn là lực lượng chính trị trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân, được nhân dân thương yêu, mến phục. Cùng với nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, QĐND luôn hoàn thành tốt chức năng của “đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất”. Hình ảnh cán bộ, chiến sĩ quân đội có mặt ở những nơi nguy hiểm nhất, dầm mình trong mưa bão để cứu giúp nhân dân, ứng phó với thiên tai, bão lũ, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân; các chiến sĩ bộ đội hóa học không quản ngại hiểm nguy trong khu vực ô nhiễm để xử lý sự cố môi trường… làm ngời sáng thêm bản chất, truyền thống tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ-bộ đội của dân, được nhân dân tin yêu, quý mến. Các đơn vị quân đội rất tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới; tổ chức tốt các đợt hành quân dã ngoại kết hợp làm công tác dân vận; tuyên truyền, vận động nhân dân đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chia rẽ quan hệ đoàn kết gắn bó quân dân của các thế lực thù địch.
Tuổi trẻ Học viện Biên phòng tham gia xây dựng nông thôn mới.
Kinh qua những cuộc chiến vệ quốc lẫy lừng làm bạt vía quân xâm lược và công cuộc dựng xây đất nước, đội quân bách chiến bách thắng ấy đã chứng minh rằng họ thực sự là những người lính “từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, vì nhân dân phục vụ”. Đất nước sạch bóng thù, dù đã “gác chuyện binh đao”, song những người lính ấy vẫn không ngừng chiến đấu và là điểm tựa vững chắc, tin cậy bảo vệ nhân dân trong thiên tai, bão lũ, dịch bệnh…
Khi COVID-19 gieo rắc kinh hoàng trên toàn cầu, tại Việt Nam, đại dịch được khống chế hiệu quả bởi toàn dân cùng “đánh giặc COVID”, trong đó có những đóng góp rất lớn của những người lính Cụ Hồ. Tại 44 tỉnh thành có lực lượng Biên phòng (trong đó 25 tỉnh thành có đường biên giới đất liền), hàng nghìn tổ, chốt với gần 10 nghìn cán bộ, chiến sĩ quân hàm xanh ngày đêm luân phiên trấn ải, ngăn dịch gần một năm qua. Rất nhiều người trong số họ đã gác chuyện cưới hỏi của con cái, bản thân; không thể về đưa cha già, mẹ yếu, con thơ đi chữa bệnh hiểm nghèo hay thậm chí chịu tang người thân ngay trên chốt tiền tiêu chống dịch. Tại những doanh trại Quân đội khác, tình quân dân, nghĩa đồng bào đã khiến nhiều người dân cảm động bật khóc khi được bộ đội nhường chỗ ở, chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ và chăm sóc y tế tận tình khi đến đây cách ly theo quy định…
“Bóng ma COVID” chưa lui thì bão lũ, sạt lở kinh hoàng ập về dải đất miền Trung khó nhọc trong tháng 10 và tháng 11 vừa qua, gây tang thương lớn về nhân mạng và đẩy người dân vào cảnh khốn cùng do mất mát nhà cửa, tài sản. Bởi luôn xem “Nhân dân là nền tảng, là cha mẹ của bộ đội” (Lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong “Thư gửi Hội nghị chính trị viên”, tháng 3/1948), ngay lập tức, những người lính lại bất chấp hiểm nguy vượt lũ, dầm mưa, băng rừng cứu dân bằng “mệnh lệnh trái tim”. Và trong thời khắc sinh tử ấy, 35 quân nhân, cán bộ của Bộ Quốc phòng, Quân khu 4 và địa phương, trong đó có 2 vị tướng đã hy sinh quả cảm khi vào cứu hộ, cứu nạn, giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai ở thủy điện Rào Trăng 3 ( xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế) và xã Hướng Phùng (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị), để lại sự tiếc thương, cảm phục.
Bên cạnh nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, với người lính cứu, giúp nhân dân trong thiên tai, hoạn nạn cũng là nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình. Thực tế công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn cho thấy, quân đội luôn là lực lượng nòng cốt, quan trọng, xung kích đi đầu. Luôn đến với dân trong những lúc nguy cấp, về với dân trong những lúc khó khăn, đã càng tăng thêm sự gắn bó quân bền chặt.
Nhật Minh