Cùng tham dự đoàn có Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên; Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Võ Minh Lương; Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi; Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Vĩnh Long Bùi Văn Nghiêm.
Tại Nghĩa trang TP.HCM – nơi yên nghỉ của các nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và TP.HCM, Đoàn đại biểu đã dâng hương, hoa lên Đài tưởng niệm. Sau đó, Đoàn di chuyển về khu vực phần mộ của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt và dành phút mặc niệm, dâng hương, dâng hoa với lòng thành kính, tưởng nhớ, tri ân nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.
Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (có tên khai sinh là Phan Văn Hòa, bí danh Sáu Dân), quê quán xã Trung Hiệp, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long. Ông là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và là một trong những nhà lãnh đạo đã góp phần đưa sự nghiệp đổi mới đất nước thành công như ngày nay.
Tại đây, Đoàn đại biểu Trung ương, TP.HCM và tỉnh Vĩnh Long dành phút mặc niệm, dâng hương, hoa lên đài tưởng niệm Nghĩa trang TP.HCM – nơi yên nghĩ của các nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và TP.HCM.
Lễ dâng hương, dâng hoa cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt diễn ra trước thềm Hội thảo khoa học cấp quốc gia với chủ đề “Đồng chí Võ Văn Kiệt - Nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam”, nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Võ Văn Kiệt (23/11/1922 – 23/11/2022). Hội thảo do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương, Văn phòng Chính phủ, Thành ủy TPHCM và Tỉnh ủy Vĩnh Long phối hợp tổ chức.
Trước đó, tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, Ban tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn TP.HCM cùng Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức lễ khai mạc triển lãm “Đồng chí Võ Văn Kiệt - Nhà lãnh đạo tài năng - tấm gương người cộng sản tận trung với nước, tận hiếu với dân” nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (23-11-1922 – 23-11-2022).
Phát biểu khai mạc buổi lễ, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, đã ôn lại những cống hiến to lớn của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc.
“Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, đồng chí Võ Văn Kiệt luôn tận trung với nước, tận hiếu với dân, sống giản dị, khiêm tốn, luôn đặt lợi ích của Đảng, của đất nước, của Nhân dân lên trên hết. Ông là một tấm gương tiêu biểu, mẫu mực về đạo đức cách mạng cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư; một người cộng sản chân chính với trái tim nhân hậu, mãi mãi ở trong lòng Nhân dân ta và bạn bè quốc tế” - ông Đức phát biểu.
“Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt luôn tận trung với nước, tận hiếu với dân, sống giản dị, khiêm tốn, luôn đặt lợi ích của Đảng, của đất nước, của Nhân dân lên trên hết…”
Với tính cách sâu sát thực tế, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, sẵn sàng dấn thân cho cái mới, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã có những quyết định táo bạo và là người chỉ đạo thực hiện nhiều dự án hạ tầng quan trọng tại khu vực miền Đông và miền Tây Nam bộ như: Thủy điện Trị An; công trình thủy lợi kênh T5 đưa nước lũ thoát ra biển Tây, khai phá Đồng Tháp Mười và tứ giác Long Xuyên, ngọt hóa bán đảo Cà Mau...
Triển lãm đã khái quát về thân thế và sự nghiệp cách mạng của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, quê hương, gia đình, thời niên thiếu là quá trình hoạt động cách mạng.
Đặc biệt, triển lãm đã trưng bày hình ảnh cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt sau ngày thống nhất đất nước với phương châm vừa học vừa làm, vừa dựa vào dân, phát huy sức mạnh của dân, đặc biệt là tinh thần mạnh dạn, táo bạo, sự năng động và đổi mới.
Trên cương vị là chủ tịch UBND TP và bí thư Thành ủy TP.HCM, ông đã cùng lãnh đạo TP đưa ra những quyết sách năng động, phù hợp với tình hình thực tiễn, từng bước tháo gỡ khó khăn, đưa TP dần đi vào ổn định để rồi sau đó trở thành đầu tàu kinh tế của cả nước.
Chia sẻ cảm xúc khi tham dự triển lãm, bà Phan Hiếu Dân, con gái cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, xúc động khi nhìn lại những hình ảnh về cha mình. “Tham dự triển lãm hôm nay tôi rất vinh dự và xúc động, những hình ảnh này đã gợi nhắc lại ký ức của cha chúng tôi. Gia đình chúng tôi rất trân trọng và tự hào về người cha, người ông suốt đời vì nước, vì dân” - bà Hiếu Dân chia sẻ.
Nhìn lại những bức ảnh được chụp lúc làm việc của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, ông Nguyễn Công Thành, cựu PV ảnh báo Tuổi Trẻ, không giấu được sự xúc động. “Tôi rất may mắn khi có cơ hội được làm việc, tiếp xúc với chú Sáu Dân. Trong ký ức của tôi, ấn tượng nhất là những hình ảnh chú Sáu Dân với công trình đường dây 500 kV tải điện Bắc - Nam, khởi xướng phong trào Thanh niên xung phong TP… hình ảnh của một người lãnh đạo chất phác, gần dân, yêu thương dân” - ông Thành nhớ lại.
Cùng dịp này, tại đường Pasteur - Lý Tự Trọng (phía trước Bảo tàng TP.HCM), Ban tổ chức trưng bày dãy hình ảnh với chủ đề “Dấu ấn đồng chí Võ Văn Kiệt - Trí tuệ, năng động, sáng tạo”.
Triển lãm nêu bật những dấu ấn, hình ảnh của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt - người sáng lập Đội viên danh dự của lực lượng Thanh niên xung phong TP.HCM; dấu ấn của ông Sáu Dân với các công trình xây dựng lớn của đất nước nhận được sự đồng thuận “ý Đảng, lòng dân”, gắn với những cái tên thân thương như “Tướng điện”, “kênh ông Kiệt”…•
Cũng nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, sáng 21-11, Bảo tàng TP.HCM phối hợp với tạp chí Xưa và Nay tổ chức triển lãm “Dấu ấn Thủ tướng Võ Văn Kiệt”. Tham dự buổi lễ có ông Trương Tấn Sang, nguyên Chủ tịch nước; ông Trương Hòa Bình, nguyên Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ; ông Võ Viết Thanh, nguyên Chủ tịch UBND TP…
Phát biểu khai mạc triển lãm, bà Phạm Dương Mỹ Thu Huyền, Giám đốc Bảo tàng TP.HCM, cho biết thông qua những hình ảnh, tư liệu, triển lãm sẽ góp phần khắc họa chân dung của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, một nhà lãnh đạo kiên cường với tư duy đổi mới, sâu sát thực tiễn và hành động quyết liệt vì lợi ích của Nhân dân, một nhà lãnh đạo tài năng, đầy bản lĩnh và nhân cách, luôn dấn thân và kiến tạo.
“Nhớ đồng chí Võ Văn Kiệt là nhớ đến một nhân cách lớn mà rất gần gũi, bình dị, thân thương, luôn quý trọng mọi tầng lớp, lứa tuổi, vùng miền, ở các dân tộc, tôn giáo khác nhau, ở mọi thành phần, người Việt Nam trong nước và nước ngoài. Một nhà lãnh đạo có sức cảm hóa và thu phục nhân tâm với tinh thần hòa hợp dân tộc vì sự phát triển đi lên của đất nước” - giám đốc Bảo tàng TP.HCM nhấn mạnh.
Cũng dịp này, ngành bưu chính Việt Nam phát hành một mẫu tem đặc biệt về cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Ông Nguyễn Đại Hùng Lộc, Phó Chủ tịch Hội Tem TP.HCM, cho biết bức tranh ghép tem tái hiện lại hình ảnh của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt và đường dây điện 500 kV Bắc - Nam sẽ phát hành lần đầu tiên vào hôm nay (22-11) tại Vĩnh Long và TP.HCM. Đây là bức tranh ghép tem dựa theo mẫu tem bưu chính, được ghép từ những mẫu tem dùng để gửi thư trong và ngoài nước.
“Bức tranh được họa sĩ Đỗ Lệnh Tuấn thực hiện trong thời gian kỷ lục, chỉ 12 ngày. Các chi tiết trong bức tranh đều được sử dụng từ những con tem bưu chính của Việt Nam, quá trình ghép tem đòi hỏi sự cẩn trọng, tỉ mỉ để thể hiện được thần thái của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt một cách chân thật nhất” - phó chủ tịch Hội Tem TP.HCM cho biết.
Cũng dịp này, tại Trường THPT Võ Văn Kiệt (quận 8, TP.HCM) đã diễn ra chương trình “Chuyện người trẻ” với chủ đề “Đồng chí Võ Văn Kiệt - Người thắp lửa”.
Tại buổi giao lưu, ông Phạm Chánh Trực, nguyên Phó Bí thư thường trực Thành ủy, nguyên Bí thư Thành đoàn, Chủ nhiệm CLB Truyền thông Thành đoàn, khẳng định ông Võ Văn Kiệt là người truyền lửa, năng lượng, khơi dậy nhiệt huyết tuổi trẻ. “Trong những năm khó khăn, khủng hoảng kinh tế, chú Sáu Dân luôn đứng mũi chịu sào, trực tiếp lo chạy gạo cứu đói, lo “xé rào bung ra”, khôi phục sản xuất” - ông Phạm Chánh Trực kể.
Còn bà Quách Thu Nguyệt, nguyên Giám đốc Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Trẻ, kể lại câu chuyện từ tháng 8-1975, lớp lớp thanh niên, sinh viên TP đi theo lời kêu gọi của chú Sáu Dân về các vùng đất hoang hóa Lê Minh Xuân, Phạm Văn Hai để đào kênh, trồng thơm, mở nông trường… “Với chúng tôi, những câu chuyện này là một rừng ký ức ngọt ngào nhất và hạnh phúc nhất khi có lớp lãnh đạo như chú Sáu Dân” - bà Nguyệt nói.
Bà Nguyệt tâm sự: “Chú Sáu Dân yêu thế hệ trẻ lắm. Chú yêu thế hệ trẻ không phải vì nhiệm vụ của một người lãnh đạo, mà chú yêu vì chú nhìn thấy tương lai của đất nước. Chính từ những điều đó, chú Sáu Dân đã là sức hút thế hệ trẻ chúng tôi hôm qua và còn truyền lửa cho thế hệ trẻ hôm nay!”.