Doanh nghiệp có trách nhiệm tái chế đối với những sản phẩm, bao bì nào?

Hoàng Anh|02/05/2023 19:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Nhà sản xuất, nhập khẩu sản phẩm, bao bì hàng hóa có chứa nhựa phải có trách nhiệm tái chế bao bì hoặc đóng tiền hỗ trợ xử lý chất thải ít có khả năng tái chế. Vậy, những bao bì nào phải thực hiện tái chế?

Theo Điều 77 và Phụ lục XXII Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, nhà sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm, bao bì sau đây phải thực hiện trách nhiệm tái chế: Ắc quy và pin sạc nhiều lần; Dầu nhớt dùng cho động cơ; Săm lốp các loại; Điện – điện tử; Phương tiện giao thông; Bao bì.

Trong đó:


Ắc quy gồm ắc quy chì và các loại khác. Pin sạc nhiều lần gồm pin các loại sử dụng cho phương tiện giao thông và pin các loại sử dụng cho các thiết bị điện – điện tử.

tai-che.jpg
Ảnh minh họa

Điện – điện tử gồm tủ lạnh, tủ đông, thiết bị tự động cung cấp sản phẩm đông lạnh, máy bán hàng tự động; điều hoà không khí cố định, di động; máy tính bảng, máy tính xách tay (laptop, notebook); ti vi và màn hình máy tính, các loại màn hình khác; bóng đèn compact; bóng đèn huỳnh quang; bếp điện, bếp từ, bếp hồng ngoại, lò nướng, lò vi sóng; máy giặt, máy sấy; máy ảnh (kể cả đèn flash), máy quay phim; thiết bị âm thanh (loa, amply); máy tính để bàn; máy in, photocopy; điện thoại di động; tấm quang năng.

Phương tiện giao thông gồm xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh; xe gắn máy kể cả xe máy điện, xe đạp điện; xe ô tô chở người (đến 09 chỗ ngồi); xe ô tô chở người (trên 09 chỗ ngồi); xe ô tô chở hàng (xe ô tô tải) các loại; xe, máy công trình tự hành các loại.

Bao bì gồm thương phẩm gồm bao bì trực tiếp và bao bì ngoài của các sản phẩm: thực phẩm theo quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm; mỹ phẩm theo quy định của pháp luật về điều kiện sản xuất mỹ phẩm; thuốc theo quy định của pháp luật về dược; phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y theo quy định của pháp luật về phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y; chất tẩy rửa, chế phẩm dùng trong lĩnh vực gia dụng, nông nghiệp, y tế; xi măng.

Bao bì thương phẩm


Theo Điều 3 Nghị định số 43/2017/NĐ-CP của Chính phủ về nhãn hàng hóa thì bao bì thương phẩm của hàng hóa là bao bì chứa đựng hàng hóa và lưu thông cùng với hàng hóa, gồm hai loại bao bì trực tiếp và bao bì ngoài: Bao bì trực tiếp là bao bì chứa đựng hàng hóa, tiếp xúc trực tiếp với hàng hóa, tạo ra hình khối hoặc bọc kín theo hình khối của hàng hóa; Bao bì ngoài là bao bì dùng để bao gói một hoặc một số đơn vị hàng hóa có bao bì trực tiếp.

Theo Thông tư số 05/2019/TT-BKHCN quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 43/2017/NĐ-CP thì các loại bao bì sau đây không gọi là bao bì thương phẩm: Bao bì được sử dụng với mục đích để lưu giữ, vận chuyển, bảo quản hàng hóa đã có nhãn hàng hóa; Túi đựng hàng hóa khi mua hàng; Bao bì dùng để đựng hàng hóa dạng rời, hàng hóa bán lẻ.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Doanh nghiệp có trách nhiệm tái chế đối với những sản phẩm, bao bì nào?
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.