Khuyến khích ngư dân thu đổi, tái chế rác thải nhựa trong khai thác thủy sản

Anh Hoàng|29/03/2023 17:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Thu gom rác thải nhựa trên biển đang là yêu cầu cấp thiết đối với các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Việc khuyến khích ngư dân tham gia vào các hoạt động thu gom xử lý rác thải nhựa bằng các cơ chế hỗ trợ chi phí thu mua cụ thể ngay tại các cảng cá là cần thiết.

Tại Hội thảo Góp ý báo cáo tổng kết “Nghiên cứu, đề xuất cơ chế khuyến khích ngư dân thu đổi, tái chế rác thải nhựa trong khai thác thủy sản”, bà Phạm Thu Hằng - Phó Cục trưởng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên & Môi trường) cho biết: “Ô nhiễm nhựa và rác thải đại dương đã và đang là một vấn đề cấp bách toàn cầu, đe dọa đến các hệ sinh thái, môi trường và chất lượng sống của con người. Việt Nam chúng ta cùng với các nước trong khu vực và trên toàn thế giới đang nỗ lực trong các tiến trình giải quyết ô nhiễm nhựa đại dương”.

Theo bà Hằng, dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam” đã thu được những kết quả quan trọng, nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi đối với chất thải nhựa,... góp phần giảm ô nhiễm rác thải nhựa đại dương, bảo vệ môi trường và hệ sinh thái biển. Đây cũng chính là hiệu quả có được từ việc triển khai Kế hoạch hành động quốc gia về giảm thiểu rác thải nhựa đại dương.

rac-thai-nhua-dai-duong.jpg
Khuyến khích ngư dân thu đổi, tái chế rác thải nhựa trong khai thác thủy sản

Tiếp nối các kết quả đã đạt được, bà Hằng cho biết dự án đã phối hợp với Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nghiên cứu, đề xuất cơ chế khuyến khích thu đổi, tái chế rác thải nhựa trong khai thác thủy sản với với các hoạt động rà soát cơ chế, chính sách, mô hình thu gom, tái chế rác thải nhựa trên thế giới và Việt Nam.

Dự án cũng thực hiện khảo sát đánh giá hiện trạng rác thải nhựa của các tàu khai thác thủy sản, công tác thu mua rác thải nhựa từ các nguồn thu gom khác nhau như ve chai, các cơ sở thu mua phế liệu, khả năng tái chế cũng như công tác quản lý tại các ban quản lý cảng cá. Trên cơ sở đó, đề xuất các cơ chế phù hợp để quản lý tốt hơn nữa rác thải nhựa từ các hoạt động khai thác thủy sản.

Theo ông Nguyễn Quốc Tĩnh, chuyên gia nhóm nghiên cứu dự án cho biết, dự án đã kêu gọi được sự sẵn lòng tham gia của người dân vào hoạt động thu gom, vận chuyển rác thải nhựa vào bờ để xử lý.

“Sự sẵn lòng tham gia được thể hiện qua tỷ lệ người tham gia và mức đóng góp chi phí tiếp nhận, xử lý rác thải nhựa của tàu cá mang về bờ với mức bình quân 39.380 đồng/tháng/tàu, cao hơn nhiều lần mức chi phí xử lý lượng rác thải nhựa không có khả năng tái chế là 2.063 đồng/tháng/tàu. Mức đóng góp này có thể sử dụng làm mức giá dịch vụ tiếp nhận, thu gom, xử lý rác thải nhựa tại cảng cá”, ông Tĩnh chỉ ra.

Theo ông Tĩnh, việc thu gom, xử lý rác thải nhựa tại cảng sẽ được thực hiện theo lộ trình. Năm thứ nhất, thu thập thông tin xây dựng cơ cấu hình thành giá và kế hoạch triển khai thí điểm dịch vụ tiếp nhận, thu gom, xử lý rác thải nhựa tại 1 cảng cá, trình UBND tỉnh phê duyệt.

Năm thứ 2, xây dựng và công bố mức giá trực tiếp hoặc gián tiếp đối với từng loại tàu, mức giá trực tiếp phát sinh theo khối lượng đối với từng loại rác thải nhựa được cảng tiếp nhận, thu gom và xử lý theo quy định. Các năm tiếp theo có thể được điều chỉnh thông qua điều kiện cụ thể khi triển khai dịch vụ tiếp nhận, thu gom, xử lý rác thải nhựa cụ thể tại từng cảng.

Chia sẻ ý kiến góp ý về dự án giảm thiểu rác thải nhựa đại dương ở Việt Nam trong khai thác thủy sản, ông Nguyễn Long - chuyên gia tư vấn rằng, nếu muốn thu rác thải đáy biển chỉ có thể dựa vào ngành kéo lưới.

“Chúng ta đã có nhiều nghị quyết, hướng dẫn để thu gom rác thải nhựa nhưng thực tế thì mới chỉ thể hiện ở các dự án nhỏ. Sau nghiên cứu của dự án, các lãnh đạo cũng cần nên đưa ra các kế hoạch thực tế. Không thể để các biện pháp mãi chỉ trong nghị quyết, trong trang giấy”, ông Long cho biết.

Kiến nghị thêm về dự thảo của đề án, ông Long cho rằng cần đề cập thêm một loại rác thải nữa vào danh sách thống kê, đó là rác từ đáy biển lên. Đây mới là loại rác đáng lưu tâm, gây ảnh hưởng nhiều đến hệ sinh thái và môi trường biển.

Ở một số địa phương đang có chính sách thu mua rác từ biển lên với giá 2.000 đồng/cân nhằm hỗ trợ cho người ngư dân, điều này trực tiếp sẽ giúp cải tạo sinh cảnh vùng đáy biển.

Ông Long cho rằng cần phải có cơ chế hỗ trợ ngư dân bằng việc tổ chức đội thu mua ngay tại cầu cảng, cân tất cả rác tái chế và không tái chế. Ngoài ra, ông Long cũng đề xuất phương án sử dụng túi mềm cho thu mua rác thay vì sử dụng thùng cứng.


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Khuyến khích ngư dân thu đổi, tái chế rác thải nhựa trong khai thác thủy sản
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.