Tái chế rác thải nhựa có những lợi ích gì?

Anh Hoàng|04/04/2023 19:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Tái chế, giảm rác thải nhựa ra môi trường không chỉ mang lại lợi ích lớn về mặt kinh tế mà còn có ý nghĩa lâu dài cho môi trường.

Rác thải nhựa là những sản phẩm được làm từ nhựa đã qua sử dụng bao gồm: Chai nhựa, túi nhựa, ống hút nhựa,… Rác thải nhựa có đặc tính khó phân hủy, ngay cả khi được chôn trong lòng đất, chúng vẫn có thể tồn tại hằng trăm thậm chí là hàng ngàn năm gây xói mòn đất, làm cản trở dinh dưỡng và oxy đi qua đất, cản trở sự sinh trưởng của các loại động thực vật.

Rác thải nhựa đang trở thành mối đe dọa đối với môi trường, hệ sinh thái và sức khỏe con người. Nếu như không có hành động cụ thể, thiết thực nào để ngăn chặn tình trạng này, chúng ta sẽ phải chịu những ảnh hưởng nặng nề do rác thải nhựa gây ra.

nhung-y-tuong-tai-che-rac-thai-nhua-cuc-don-gian-nhung-rat-huu-ich.jpg
Tái chế, giảm rác thải nhựa ra môi trường không chỉ mang lại lợi ích lớn về mặt kinh tế mà còn có ý nghĩa lâu dài cho môi trường.



Tái chế rác thải nhựa là gì?


Tái chế rác thải nhựa được hiểu là quá trình thu gom rác thải hoặc những phế phẩm từ nhựa, sau đó trải qua quá trình xử lý để tạo thành vật liệu mới với khả năng ứng dụng đem lại lợi ích cho con người. Đây là một giải pháp có thể giúp tiết kiệm vật liệu cũng như giảm thiểu việc phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính.

Ngành công nghiệp tái chế ra đời được xem là giải pháp hữu hiệu để giảm thiểu tình trạng rác thải ra ngoài môi trường. Đây còn là một bước đột phá mở ra triển vọng mới cho ngành công nghiệp sạch, khi mà ở thời điểm hiện tại các biện pháp để thay thế các sản phẩm từ nhựa dùng một lần chưa thật sự khả quan và nhu cầu của người tiêu dùng ngày càng tăng cao.

Những lợi ích tái chế rác thải nhựa mang đến cho con người và môi trường sống


Tái chế rác thải nhựa giúp giảm thiểu chất thải rắn ra ngoài môi trường


Nhu cầu tiêu thụ của con người ngày càng tăng cao, đồng nghĩa với việc số lượng rác thải nhựa thải ra ngoài môi trường ngày càng lớn. Ước tính, hiện nay trên cả nước lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh khoảng 60.000 tấn/ngày, trong đó khu vực đô thị chiếm 60%; dự kiến, đến năm 2025, tỷ lệ này dự báo tăng 10-16%/năm. Sự gia tăng chất thải nhựa trong thành phần chất thải rắn sinh hoạt là một trong những vấn nạn đối với xử lý chất thải rắn sinh hoạt của Việt Nam. Tái chế rác thải nhựa đồng nghĩa với việc thu hồi nguyên liệu, sản phẩm nhựa đã qua sử dụng để tạo thành những vật dụng hữu ích sẽ giúp giảm thiểu tác động xấu đến môi trường, giảm thiểu được phần nào chất thải rắn, chất ô nhiễm, giúp môi trường sống của chúng ta trở nên sạch – đẹp hơn.

tai-che-rac-thai_-loi-ich-va-cach-phan-loai.jpg
Tái chế rác thải nhựa giúp giảm thiểu tiêu thụ dầu



Tái chế rác thải nhựa giúp bảo vệ sức khỏe con người và môi trường trước những nguy cơ gây ô nhiễm


Rác thải nhựa khi thải ra ngoài môi trường, sẽ dần tan rã thành các hạt vi nhựa, ngấm vào dòng nước ngầm sẽ được dùng cho sinh hoạt, xâm lấn vào thức ăn của chúng ta và trở thành những chất vô cùng độc hại với cơ thể con người, khi hấp thụ vào gây nên suy chức năng đa cơ quan, thậm chí là ung thư. Rác thải nhựa khi đốt, sẽ tạo ra các khí thải có chứa chất độc Dioxin và Furan gây ngộ độc, giảm khả năng miễn dịch, rối loạn chức năng, các dị tật bẩm sinh ở trẻ nhỏ và làm ô nhiễm bầu không khí. Vì thế, tái chế rác thải nhựa sẽ giảm thiểu được những mối nguy hại, góp phần bảo vệ cho sức khoẻ của con người và môi trường sống.

Bên cạnh đó, khi Trái Đất đang dần nóng lên, tái chế rác thải sẽ giúp giảm thiểu tối đa hiệu ứng nhà kính. Rác thải nhựa được xử lý kịp thời sẽ tạo nên những khoảng đất trống thuận lợi cho việc cải tạo và trồng cây xanh, giúp cân bằng sinh thái và giữ sự trong lành cho không khí.

Tái chế rác thải nhựa giúp giảm thiểu tiêu thụ dầu


Vòng đời của các sản phẩm từ nhựa dùng một lần thường rất ngắn, trong khi đó, việc sản xuất ra chúng lại tiêu tốn nhiều nguyên liệu từ dầu mỏ, sử dụng nhiều năng lượng và phát sinh nhiều khí thải. Chất dẻo cần thiết để sản xuất đồ dùng nhựa được làm từ khí thiên nhiên hoặc các dẫn xuất từ dầu thô. Điều này có nghĩa rằng, nếu chúng ta sản xuất càng nhiều sản phẩm nhựa dùng một lần thì nguyên liệu hóa thạch không thể tái sinh sẽ được tiêu thụ nhiều hơn. Theo một nghiên cứu, tái chế 1 tấn túi nilon có thể giúp tiết kiệm lượng dầu thô tương đương 16,3 thùng. Như vậy, việc tái chế túi nilon và các phế phẩm từ nhựa có thể cắt giảm đáng kể lượng dầu được tiêu thụ mỗi năm.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tái chế rác thải nhựa có những lợi ích gì?