Đối mặt với nắng nóng kỷ lục, miền Trung gia tăng nguy cơ cháy rừng

Thanh Thanh|19/08/2024 19:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Mặc dù trạng thái khí quyển đang chuyển dần sang pha lạnh La Nina nhưng ở miền Trung Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới lại đang đối mặt với nắng nóng gay gắt kéo dài, làm gia tăng nguy cơ cháy rừng.

Hiện tại, hàng loạt các quốc gia trên thế giới hiện đang ở trong tình trạng báo động đỏ do nắng nóng gay gắt. Không chỉ số ca tử vong vì nắng nóng gia tăng mà các vụ cháy rừng cũng xảy ra với mức độ nghiêm trọng chưa từng có, gây thiệt hại lớn.

Báo cáo mới nhất từ Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) cho thấy, tháng 7 năm nay đã ghi nhận mức nhiệt độ bề mặt trung bình toàn cầu cao nhất từ trước đến nay. Cụ thể, nhiệt độ bề mặt trung bình toàn cầu trong tháng 7 vừa qua đạt 17,01 độ C, cao hơn 1,21 độ C so với mức nhiệt trung bình của thế kỷ 20. Điều này đã xô đổ mức nhiệt kỷ lục trước đó được thiết lập vào tháng 7 năm ngoái, vượt hơn 0,03 độ C. Tháng 7 năm nay đã trở thành tháng nóng nhất trong chuỗi số liệu 175 năm qua. Không chỉ dừng lại ở đó, đây cũng là tháng thứ 14 liên tiếp có nền nhiệt toàn cầu đạt mức cao kỷ lục, kéo dài từ tháng 6 năm ngoái đến nay.

Tại Việt Nam, tình trạng nắng nóng và nguy cơ cháy rừng tại khu vực Trung Bộ đang ở giai đoạn cao điểm của năm 2024 và dự kiến sẽ tiếp tục kéo dài đến hết tháng 8 này.

Dự báo thời tiết cho thấy nắng nóng sẽ bao trùm từ Thanh Hóa đến Ninh Thuận với nền nhiệt cao nhất từ 35-37 độ C, có nơi lên đến 38 độ C. Độ ẩm không khí dự kiến sẽ giảm xuống chỉ còn 45-55%, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của tình trạng khô nóng.

chayyyy.jpg
Đối mặt với nắng nóng kỷ lục, miền Trung gia tăng nguy cơ cháy rừng

Nắng nóng kéo dài và độ ẩm thấp đang làm cho thảm thực bì trong các cánh rừng trở nên khô nỏ. Lớp thực bì dày và khô ráo hiện đang tạo ra một nguy cơ cháy rất cao. Chỉ một sơ suất nhỏ trong việc sử dụng lửa, chẳng hạn như đốt rẫy hoặc đơn giản là một tàn thuốc lá, cũng có thể gây ra các đám cháy lớn.

Bên cạnh yếu tố thời tiết, khu vực miền Trung còn nổi bật với diện tích rừng trồng lớn nhất cả nước. Phần lớn các cánh rừng ở đây đều trồng thông, keo, bạch đàn - những loại cây chứa nhiều tinh dầu và rất dễ bén lửa. Các vụ cháy rừng xảy ra vào tháng 8 vừa qua chủ yếu xảy ra ở những cánh rừng trồng thông, keo, bạch đàn tái sinh, do đó khi đã cháy thì thường lan rất nhanh và khó dập tắt.

Ngoài ra, địa hình vùng núi miền Trung với các đồi dốc và gió khô thổi mạnh làm cho tốc độ lan tràn của ngọn lửa rất nhanh, khiến công tác chữa cháy gặp nhiều khó khăn. Để dập lửa hiệu quả, lực lượng chữa cháy phải huy động đông đảo nhân lực và trang thiết bị.

Theo thống kê từ Cục Kiểm lâm, từ đầu tháng 7 đến nay, khu vực Trung Bộ đã xảy ra 56 vụ cháy rừng, chiếm gần một nửa số vụ cháy từ đầu năm. Đặc biệt, tỉnh Quảng Bình đã liên tiếp xảy ra các vụ cháy vào ngày 6, 9 và 12 tháng 8, dẫn đến cái chết của một người tham gia chữa cháy. Bên cạnh Quảng Bình, các tỉnh Thừa Thiên Huế, Nghệ An và Quảng Trị cũng đã ghi nhận các vụ cháy rừng trong thời gian gần đây, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế của người dân.

Cục Kiểm lâm đã cảnh báo có tới 73 điểm có nguy cơ cháy rừng cấp 4, tức cấp nguy hiểm, tập trung chủ yếu ở các khu vực từ Thanh Hóa đến Quảng Nam, và các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Đối mặt với nắng nóng kỷ lục, miền Trung gia tăng nguy cơ cháy rừng
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.