Trong thực tế, tình trạng đốt cỏ, đốt rác bừa bãi, không kiểm soát, đang diễn ra khá phổ biến, đe dọa sự an toàn của các khu dân cư, cơ sở sản xuất, kinh doanh. Tại các khu dân cư, việc người dân tự ý xử lý rác thải bằng cách đốt, thiêu hủy rác là rất phổ biến. Theo ghi nhận của phóng viên, ở những khu vực trống như bãi đất, đất dự án, đất nông nghiệp để hoang, dọc bờ đê… là những nơi thường xuyên xảy ra việc đốt rác, đốt cỏ bữa bãi.
Để hạn chế đến mức thấp nhất về số vụ cháy gây cháy lan, cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng từ việc đốt rác bừa bãi, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự chung, Phòng Cảnh sát PCCC-CNCH, Công an các tỉnh khuyến cáo, UBND các xã, phường tăng cường chỉ đạo đến tổ dân phố, khu dân cư chủ động trong công tác tự kiểm tra an toàn PCCC, tuyên truyền nhắc nhở người dân ý thức trong công tác PCCC nói chung và việc đốt rác bừa bãi gây cháy lan, cháy lớn; tăng cường khả năng hoạt động của lực lượng PCCC tại chỗ, lực lượng dân phòng đảm bảo về quân số, ứng trực, sử dụng thành thạo các phương tiện chữa cháy tại chỗ và nâng cao khả năng triển khai xử lý các tình huống cháy phát sinh.
Ảnh minh họa
Cùng với đó, các địa phương, đơn vị thực hiện tổng kiểm tra, bảo dưỡng phương tiện PCCC tại chỗ hiện có như: Máy bơm chữa cháy, lăng, vòi chữa cháy, bình chữa cháy các loại…, kịp thời huy động phương tiện khi có cháy xảy ra; phát huy tốt phương châm “chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện và vật tư hậu cần tại chỗ”; đồng thời nhanh chóng báo cháy đến lực lượng Cảnh sát PCCC chuyên nghiệp và các cơ quan chức năng để được xử lý kịp thời, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy nổ gây ra.
Đặc biệt, khi đốt rác phải thu gom tạo khoảng cách an toàn PCCC với khu vực xung quanh; không đốt rác vào buổi trưa nắng, lúc có gió lớn; khi đốt rác phải có người trông coi cho đến khi tắt hẳn, dùng nước để dập tàn lửa. Trường hợp khu vực đốt có diện tích rộng, phải chia nhỏ khu vực và đốt theo thứ tự, không được đốt cùng lúc trên diện rộng, tránh cháy lan, cháy lớn không kiểm soát được.
Cần tăng cường giám sát các bãi rác tập trung, tiến hành rà soát các bãi rác tự phát trên địa bàn, khu dân cư; tăng cường quản lý, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường theo Nghị định 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ đối với việc xử lý rác thải; chỉ đạo các tổ dân phố giám sát việc dọn dẹp hàng ngày tại nơi tập kết rác thải, niêm yết biển cấm đốt rác; nhắc nhở các người dân sinh sống quản lý chặt chẽ nguồn lửa, nguồn nhiệt, không đốt rác bừa bãi.Đối với các khu đất trống (đất dự án, đất nông nghiệp để hoang…) cần có biện pháp đề phòng, ngăn cách với các cơ sở sản xuất, khu dân cư và chủ động dọn dẹp, tránh để tình trạng đốt cỏ khô, rác gây cháy lan, cháy lớn.
Song song với đó, Ủy ban nhân dân các phường cần tăng cường tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh của phường về việc quản lý, xử lý rác thải, đảm bảo an toàn phòng cháy và chữa cháy để nâng cao nhận thức trong cộng đồng dân cư. Đối với người dân, cần thực hiện tốt việc đổ rác đúng nơi quy định, không vứt rác thải bừa bãi; các rác thải là nguồn nhiệt có nguy cơ phát sinh cháy như than tổ ong, than hoa, tro vàng mã còn tàn lửa… cần được tưới nước để không còn nguồn nhiệt có thể gây cháy tại nơi tập kết rác.
Người dân cũng không được tự ý đốt cỏ, đốt rác kể cả trong khuôn viên của gia đình. Trường hợp đặc biệt khi cần đốt cỏ, đốt rác phải bố trí ở không gian trống trải, thông thoáng trong điều kiện không có gió, có biện pháp đề phòng cháy lan; cử người trông coi ngọn lửa và chuẩn bị phương tiện chữa cháy đi kèm (bình chữa cháy, xô nước…) trong suốt quá trình cháy, dập tàn tro khi kết thúc.Khi phát hiện ra hành vi đốt cỏ, đốt rác cần báo ngay cho chính quyền địa phương gần nhất; kịp thời báo cho lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ theo số máy 114 nếu đám cháy có nguy cơ gây cháy lan ảnh hưởng đến cơ quan, doanh nghiệp, hộ gia đình.
Minh Châu