Vùng thấp nóng phía tây phát triển mạnh và mở rộng về phía đông nam khiến nền nhiệt miền Bắc tăng nhanh, trời nắng sớm. Tại Hà Nội, lúc 7h nhiệt độ đã lên 30, sau một tiếng tăng lên hơn một độ, đến 13h nội đô xấp xỉ 38, khả năng cao nhất ngày lên 39 – ngưỡng nắng nóng gay gắt.
Hầu khắp miền Bắc và Bắc Trung Bộ hôm nay cũng nắng nóng. Nhiệt độ lúc 13h tại Tương Dương, Đô Lương (Nghệ An), Hương Khê (Hà Tĩnh) là 38; Tây Hiếu, Con Cuông (Nghệ An) tới 39. Đây là mức nhiệt đo trong lều khí tượng, cách mặt đất hai mét, thực tế ngoài trời cao hơn 2-4 độ C.
Cơ quan khí tượng cho biết, thứ hai 10/6, dưới tác động của hoàn lưu vùng thấp nóng, miền Bắc tiếp tục nắng nóng 36-38 độ C. Hà Nội và một số nơi như Hòa Bình, Mường La (Sơn La), Mường Lay (Điện Biên) xảy ra nắng nóng gay gắt, nhiệt độ trên 38, ban đêm 27-28.
Dự báo đợt nắng nóng ở miền Bắc kéo dài đến hết thứ năm 13/6. Sau đó, rãnh mây giông ở phía bắc di chuyển xuống gây mưa rào và giông nhiều nơi, vùng núi và trung du từ thứ sáu 14/6 đến hết tuần có mưa to và giông mạnh. Người dân cần đề phòng nguy cơ lốc xoáy, gió giật, lũ quét, trượt lở đất vào cuối tuần.
Miền Trung từ ngày 4/6 tới nay xảy ra nắng nóng. Với xu hướng phát triển và mở rộng của hoàn lưu vùng thấp nóng, từ hôm nay đến thứ sáu 14/6 Bắc và Trung Trung Bộ tiếp tục nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 36-39, có nơi trên 40 độ. Thời gian có nhiệt độ trên 35 từ 10h đến 17h.
Sau ngày 14/6, nắng nóng ở Bắc Trung Bộ (Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh) có xu hướng giảm dần, riêng Trung Trung Bộ duy trì đến hết tuần.
Tây Nguyên và Nam Bộ từ nay đến hết thứ ba 11/6 gió mùa tây nam hoạt động với cường độ trung bình, trời có mưa rào và giông vài nơi. Từ thứ tư 12/6 gió mùa tây nam hoạt động mạnh trở lại, mưa giông nhiều hơn, kèm theo đó là nguy cơ lốc xoáy và gió giật mạnh.
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ ngày 11 đến 20/6, nhiệt độ Bắc Trung Bộ cao hơn 0,5-1 độ so với trung bình nhiều năm, các khu vực khác phổ biến xấp xỉ. Nửa cuối tháng 6/2019, một vùng xoáy thuận nhiệt đới có khả năng xuất hiện ở biển Đông.
Mai Anh (T/h)