Du học sinh: “Nhớ mùi, nhớ vị Tết quê nhà!”

Mai Dung|11/02/2021 11:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Thời khắc Giao thừa, những người con xa xứ đều chung nỗi khắc khoải hình ảnh Tết Việt, nhớ bánh chưng, dưa hành, bữa cơm tất niên,… nhớ mùi, nhớ vị, nhớ không khí đầm ấm nơi quê nhà.

Cộng đồng người Việt Nam đón Tết tại chùa Viên Ngộ (Hàn Quốc) khi chưa có dịch bệnh.

Tết là sum họp, là đoàn viên, cả gia đình cùng sắm sửa, chuẩn bị đón cái Tết no ấm và rộn ràng, rồi cùng nhau quây quần bên bữa cơm tất niên và cùng chờ đón thời khắc bước sang năm mới với những hy vọng và niềm vui. Tuy nhiên, đối với những du học sinh Việt khắp năm châu, những ngày cuối năm này thật dễ chạnh lòng khi vì một lý do nào đó mà không thể về đón tết bên gia đình.

Nỗi nhớ Tết…Nhà

Bạn Hồng Trang (Tây Hồ, Hà Nội), hiện đang học tập tại trường New Brunswick Community College (Canada) cho biết đây là năm thứ 3 đón Tết xa nhà, “Mỗi khi Tết đến, mình nhớ không khí sum vầy ở nhà, đồ ăn đặc trưng của Tết, nhớ pháo hoa, cành đào, nhớ hình ảnh mẹ cúng đêm giao thừa, nhớ thời khắc đi chơi cùng các bạn, hít hà không khí Tết khắp phố phường Hà Nội”.

Khi đi du học, các bạn thường kết giao được rất nhiều bạn bè và trong đó có rất nhiều người bạn cùng quê qua cộng đồng du học sinh Việt. Những dịp Tết đến, không được về nhà, các bạn du học sinh thường tụ tập ăn uống, vui chơi với bạn bè để quên đi nỗi nhớ nhà.

“Tại trường có hội học sinh Việt Nam, những dịp Tết đến hội sẽ gặp gỡ, ăn uống đi chơi, mọi người nấu đồ ăn, trang hoàng để có không khí Tết Việt. Những khoảnh khắc nhớ người thân, thật may mắn ở đây mình có các bạn, chia sẻ thời gian với các bạn, trong thời khắc đó cũng gọi điện về nhà, hỏi thăm gia đình và cùng xem Táo quân,…” Trang tâm sự.
Thế nhưng, không gian ấm cúng của gia đình, được ngồi quây quần bên bữa cơm gia đình ngày tất niên,.. là những nỗi nhớ vẫn không thể nguôi ngoai.

Năm nay là cái Tết thứ 4 xa nhà của Lê Thu, sinh viên Đại học Konkuk (Hàn Quốc), “Nhớ Tết quê hương nhớ hình ảnh ngồi bếp lửa trông nồi bánh chưng, quây quần bên gia đình, nhớ mùi, nhớ vị, nhớ không khí Tết nhà ấm cúng”.

“Ở trường Đại học, vào dịp Tết cổ truyền, trường cũng tổ chức cho học sinh quốc tế, các bạn du học sinh lập nhóm tự tổ chức, liên hoan, đón Giao thừa cùng nhau. Khoảnh khắc Giao thừa chung vui cùng các bạn nhưng vẫn nao nao nhớ quê nhà. Năm đầu tiên Thu nhớ, mình gọi điện về khóc sướt mướt chỉ muốn về nhà, giờ trải qua mấy năm đón Tết ở đây bận rộn học hành, công việc, mỗi khi Tết đến Thu cũng đã biết kiềm chế cảm xúc của mình hơn”.

Du học sinh trang trí mâm ngũ quả cho giống không khí Tết Việt.

Vũ Minh (Cát Hải, Hải Phòng), là y tá tại Bệnh viện Dandenong Hospital và đã định cư tại Melbourne (Úc) được 4 năm, nói về nỗi nhớ Tết cổ truyền anh tâm sự, “Tết ở quê nhớ nhất là bánh chưng, thịt đông, dưa hành, những món ăn ngày Tết, bên này người ta cũng có làm nhưng vị thì không thể nào giống được, nó có cảm giác không được trọn vẹn. Mặc dù ở đây cũng có chợ Việt và có những hình thức trang trí để mình cảm giác đây là chợ Tết nhưng không thể nào giống không khí ở Việt Nam. Năm ngoái mình có về dịp Tết thăm gia đình, năm nay có lẽ không về được vì dịch bệnh phức tạp”.

Nhắc đến khoảnh khắc Giao thừa thiêng liêng điều gì khiến anh nhớ nhất. Minh cho hay, “Có 1 năm mình đã thức đến 4 giờ sáng để đón Tết, vì chênh nhau 4 tiếng, bên Việt Nam khi đó là đúng vào thời khắc Giao thừa. Vào 12 giờ đêm bên Úc là 8 giờ Việt Nam lúc đó có Táo Quân, bật lên ngồi xem để tưởng tượng mình đang ở Việt Nam và đang xem Táo Quân, xem xong Táo Quân cố thức đến Giao thừa mới đi ngủ, đến ngày hôm sau lại quay trở về cuồng quay của học tập, rồi công việc thường nhật, những ngày đó là Tết Nguyên đán bên mình nhưng ở Úc thì vẫn chỉ là ngày bình thường”.

“Thời khắc Giao thừa mình hay nhớ về lúc còn bé đi đón Giao thừa cùng với mấy người bạn nhỏ khác trong xóm, mình ở ngoài đảo Cát Hải, bọn mình ra bờ biển, rồi kiếm chỗ nào đấy cao nhất để nhìn pháo hoa, từ Cát Hải mà hóng ra hướng tận Đồ Sơn để xem pháo hoa, nhìn thấy be bé, xa xa nhưng vẫn nhìn thấy những điểm bắn pháo hoa trong thành phố và nó cũng là một cái gì đấy khiến mình rất là mong chờ. Cả đám cùng reo hò đón chào năm mới, sau đó mừng tuổi nhau, lì xì cũng chỉ là 1000đ , 2000đ thôi nhưng nó cũng là một cái niềm vui. Đó là một trong những hình ảnh khi mình xa quê sang Úc, đến thời khắc Giao thừa hàng năm khiến mình khắc khoải mãi không thôi”, Minh kể lại.

Cái Tết khác biệt

Mọi năm hòa cùng không khí đón Xuân rộn ràng của cả dân tộc, các bạn du học sinh cũng có những kế hoạch cho mình chào đón năm mới, sẽ tụ tập cùng nhau để nấu bữa tối tất niên và chờ đón thời khắc Giao thừa. Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19 phức tạp mọi kế hoạch đều bị đổ bể.

“Mọi năm bọn mình bên này tổ chức đón Giao thừa như ở Việt Nam, tụ tập với nhau làm các món cổ truyền cũng đầy đủ, rồi nấu bánh chưng, sang mùng 1 Tết sẽ đi chùa Viên Ngộ, chùa của người Việt ở Hàn Quốc để gặp gỡ đồng hương, tham gia các hoạt động, cộng đồng người Việt hay đến đây, rất đông vui. Còn năm nay chắc là không, vì dịch Covid-19 không được tụ tập đông người, không được gặp gỡ bạn bè, đi du Xuân không dám đi”, bạn Lê Thu bộc bạch.

Đối với kế hoạch đón Tết Nguyên đán năm nay, Vũ Minh dành thời gian chăm sóc bệnh nhân tại Bệnh viện thay vì ăn mừng năm mới như mọi năm.

“Tập chung hết mình vào công việc tại Bệnh viện và chăm sóc bệnh nhân, dường như không có thời gian để nghĩ đến những chuyện khác ngoài công việc, nhất là trong dịch bệnh thế này”, Minh cho biết.

“Những ngày đầu chống dịch mình rất tâm lý, chứng kiến nhiều cảnh tượng trước mắt như vậy rất stress, lo sợ mình bị lây nhiễm, có khi nửa đêm thấy lạnh người cũng nghĩ tới hay bị nhiễm rồi, hôm sau đi xét nghiệm luôn, rất may là âm tính. Sau 1 tháng thì cảm thấy bình thường và đã quen, biết là mình đảm bảo mặc đồ bảo hộ, quy trình mình làm, mọi việc đúng quy trình an toàn cho bản thân, cho nên mình không còn lo sợ nữa. Mình luôn quan điểm giữ an toàn cho mình cũng như giữ an toàn cho bệnh nhân.

Để phòng chống dịch Covid-19, lời khuyên tất cả mọi người hãy đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, tránh chạm tay lên mặt, uống đủ nước, bổ sung vitamin C, tránh tụ tập nơi đông người, khi gặp gỡ cần giữ đúng khoảng cách theo quy định, nếu cảm thấy người không được khỏe thì đến cơ sở y tế gần nhất để được hướng dẫn. Bên này mình cũng thường xuyên theo dõi, cập nhật tin tức và tình hình dịch bệnh Covid-19 ở Việt Nam. Mọi người ở đây cũng như là cả thế giới đều rất ngưỡng mộ Việt Nam đã kiểm soát dịch bệnh rất tốt, những con người nhỏ bé nhưng đã làm được những điều phi thường, và họ cũng dành lời khen ngợi về người Việt thân thiện hiếu khách, đồ ăn rất ngon”, Minh chia sẻ.

Thời điểm Tết, những mục tiêu, mong ước cho năm mới đều được đặt ra. Dịch bệnh nhanh chóng được kiểm soát, đẩy lùi để quay trở lại cuộc sống thường nhật. Đặc biệt, có thể trở về Việt Nam thăm gia đình, bạn bè, có lẽ là mong ước chung của nhiều du học sinh.

Mai Dung

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Du học sinh: “Nhớ mùi, nhớ vị Tết quê nhà!”