Theo dự thảo Đề án hình thành và phát triển đô thị sáng tạo tương tác cao phía đông (sau đây gọi là TP Thủ Đức) giai đoạn 2020 – 2035 do Sở Quy hoạch – kiến trúc xây dựng trình UBND TP, trong giai đoạn 2020 – 2025 nhu cầu vốn nhà nước để thực hiện các mục tiêu phát triển là hơn 41.660 tỉ đồng. Nguồn vốn này bao gồm vốn ngân sách và vốn đi vay hoặc phát hành trái phiếu.
Trong đó, khoản chi cho xây dựng hạ tầng giao thông là 30.000 tỉ đồng, đầu tư chống ngập 6.400 tỉ đồng và 4.400 tỉ đồng đầu tư cho chuyển đổi số…
Nhu cầu về vốn trong các giai đoạn tiếp theo sẽ được nghiên cứu, tính toán theo từng thời điểm cho phù hợp với các kết quả đạt được trong giai đoạn 2020 – 2025 và mục tiêu trong giai đoạn tiếp theo.
Theo kế hoạch phát triển đô thị trong đề án, trong 5 năm đầu tiên này, TP Thủ Đức sẽ có tỉ trọng GDP tăng trưởng 100%, số lượng phát minh sáng chế tăng trưởng 100%, có 500.000m2 sàn văn phòng hạng A, tăng 50% diện tích sàn các công trình giáo dục so với hiện nay và có 20.000 công việc trình độ cử nhân, kỹ sư trở lên.
Sở Quy hoạch – Kiến trúc đề xuất bố trí việc xây dựng, phát triển thành phố mới phía Đông thành 3 giai đoạn: Khởi tạo (2020 – 2022); Triển khai (2023 – 2030) và giai đoạn Hoàn thiện (2030 – 2040).
TP.Thủ Đức được kỳ vọng là động lực tăng trưởng mới của TP.HCM trong thời gian tới.
Trong đó, mục đích chính trong giai đoạn 1 là lập định hướng khung phát triển và chiến lược, xây dựng cơ chế – tổ chức, xác định nhóm ngành ưu tiên, thiết lập hợp phần 3 Nhà (Nhà nước – Nhà đầu tư – Nhà giáo dục); Đầu tư các ngành kinh tế ưu tiên, hoàn thiện cơ chế – tổ chức chính sách phát triển cho từng khu vực, triển khai kết nối đối ngoại từ giao thông các trục chính của khu vực. Diện tích phát triển trong giai đoạn này là 100 ha, tập trung chính vào các trụ cột kinh tế sáng tạo có sẵn như Khu Công nghệ cao, Khu Thủ Thiêm, Khu Đại học quốc gia.
Trong giai đoạn Triển khai, TP.HCM đặt mục tiêu phát triển diện tích 500 ha, thu hút 80.000 dân cư. Diện tích khu công nghiệp sáng tạo là 150 ha, 50.000 việc làm trình độ kỹ sư trở lên. Nhiệm vụ trong giai đoạn này là nhà nước triển khai thực hiện các dự án đầu tư – giao thông – hạ tầng – hạ tầng số, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tàu triển khai đầu tư chiến lược. Bên cạnh đó, tạo hiệu ứng xã hội, quốc tế về triển khai chiến lược thông qua diễn đàn trao đổi, xúc tiến đầu tư và hợp tác quốc tế.
Ở giai đoạn cuối – Hoàn thiện, chiến lược đầu tư sẽ được mở rộng đối với tất cả các nhóm ngành kinh tế, đẩy mạnh phát triển đối với nhóm ngành ưu tiên (đã triển khai đầu tư trong giai đoạn 2), xây dựng chính sách lan tỏa phát triển toàn khu vực phía Đông và vùng phụ cận trên địa bàn thành phố. Đây cũng là giai đoạn được xác định cần chiến lược đầu tư toàn diện trên địa bàn TP.HCM, xây dựng TP.HCM là đầu tàu kinh tế của cả nước, triển khai kết nối các trung tâm kinh tế trên cả nước và quốc tế. Sau giai đoạn này, TP.Thủ Đức sẽ đạt diện tích phát triển 1.800 ha, thu hút 200.000 dân cư. Diện tích khu công nghiệp sáng tạo là 350 ha, tạo ra 150.000 việc làm trình độ kỹ sư trở lên.
Minh Hiền