Du lịch nội địa đóng góp phục hồi kinh tế Việt Nam

Minh Châu|03/12/2020 00:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Ngành du lịch đã chuyển hướng sang phát triển du lịch nội địa trong bối cảnh du lịch quốc tế ngưng trệ.

Covid-19 là một “cú sốc” chưa từng có trong lịch sử, nó tạo ra những sự kiện tưởng chừng như không thể và sau đó đưa ra khái niệm “bình thường theo một cách mới” cho những hành vi và thói quen tiêu dùng của cả cộng đồng trên toàn thế giới một cách đầy bất ngờ.

Du lịch nội địa đã góp phần duy trì hoạt động của ngành, hạn chế thấp nhất tổn hại do dịch bệnh mang lại.

Chiến dịch kiểm soát đại dịch ở Việt Nam diễn ra khá tốt tạo nên một môi trường an toàn đáng mơ ước trong bối cảnh dịch bệnh vẫn đang diễn ra phức tạp đặc biệt ở các nước châu Âu, Mỹ, và ngay cả những thị trường khách chiếm tỷ trọng lớn là Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Mặc dù vậy, sau đại dịch Covid-19, máy bay, tàu viễn du là những phương tiện mà du khách sẽ cân nhắc và hầu như chỉ sử dụng khi cần thiết.

Quy trình cấp thị thực trở nên khắt khe hơn cũng sẽ là một trong những rào cản tô đậm hơn biên giới của những chuyến du lịch. Xu hướng du lịch trong khoảng cách gần bằng phương tiện cá nhân sẽ thay thế cho những chuyến bay xuyên quốc gia, lục địa. Do đó, du lịch nội địa sẽ là xu hướng du lịch trong thời gian tới.

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, theo đánh giá của Tổng cục Du lịch, dù dịch Covid-19 đã nhanh chóng được khống chế tốt, Việt Nam trở thành điểm sáng về an toàn phòng dịch trên toàn thế giới, nhưng ngành du lịch không tránh khỏi những tổn thất nặng nề. Do đó, ngành du lịch đã chuyển hướng sang phát triển du lịch nội địa trong bối cảnh du lịch quốc tế ngưng trệ từ đầu năm 2020.

Đến tháng 11/2020, tổng số khách du lịch nội địa đạt 49 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch trong 11 tháng năm 2020 ước đạt 280.200 tỷ đồng, giảm 56,8% so với cùng kỳ năm 2019. Công suất sử dụng phòng khách sạn ở nhiều địa phương như: Đà Lạt, Sầm Sơn, Sa Pa, Hạ Long, Phú Quốc… đã đạt tới 30-50%, thời kỳ cao điểm, cuối tuần lên tới 80 – 90%. Du lịch nội địa đã góp phần duy trì hoạt động của ngành, hạn chế thấp nhất tổn hại do dịch bệnh mang lại.

Các chuyến đi sẽ ngắn ngày hơn, hướng về các di sản văn hoá, thiên nhiên tránh những tụ điểm đông đúc. Đây là phản ứng dễ hiểu khi cả cộng đồng đã học được bài học quý báu về giãn cách xã hội từ đại dịch Covid-19. Như vậy, những tour du lịch tới các trung tâm vui chơi giải trí như các lễ hội, sự kiện, festival sẽ nhường chỗ cho xu hướng du lịch tham quan, trải nghiệm, khám phá thiên nhiên, văn hoá, con người.

Việt Nam là một đất nước có tài nguyên du lịch dồi dào khi sở hữu đến 3.260 km bờ biển với những bãi biển và vịnh biển được xếp trong top những bãi biển đẹp nhất hành tinh như Mỹ Khê, Nha Trang, Vịnh Hạ Long… Nhiều di sản văn hóa được Unesco công nhận và bảo tồn tại Việt Nam như khu Đền tháp Mỹ Sơn, Phố cổ Hội An, Cố đô Huế… 54 dân tộc với sự đa dạng trong văn hoá, sinh hoạt của những cộng đồng dân tộc khác nhau. Cùng với đó, là một quốc gia có 96 triệu dân nên nhu cầu và khả năng chi tiêu cho du lịch từ nội địa là không hề nhỏ.

Tuy lượng khách chưa bằng so với cùng kỳ năm trước nhưng đây là dấu hiệu lạc quan cho thấy tín hiệu hồi phục của thị trường du lịch, cũng như hiệu quả của các chính sách, chương trình kích cầu kịp thời sau nhiều tháng tê liệt hoạt động do dịch bệnh Covid-19. Từ đó, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm.

Minh Châu

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Du lịch nội địa đóng góp phục hồi kinh tế Việt Nam