Ngành du lịch bàn cách vực dậy sau tổn thất nặng nề vì Covid-19

Hoàng Minh|29/11/2020 03:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Sáng 28/11, hàng trăm doanh nghiệp du lịch, các hiệp hội, lãnh đạo các cơ quan quản lý nhà nước, địa phương đã cùng họp mặt tại Hội nghị du lịch toàn quốc, khai mạc tại tỉnh Quảng Nam.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch (Bộ VH-TT&DL) Nguyễn Ngọc Thiện cho biết ngành du lịch Việt Nam giai đoạn 2015-2019 đã chứng kiến sự phát triển vượt bậc.

Khách quốc tế đến Việt Nam từ 7,9 triệu lên 18 triệu, bình quân tăng trưởng 22,7% mỗi năm. Khách nội địa tăng từ 57 triệu lượt lên 85 triệu lượt với tốc độ 10,5% một năm. Năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam được xếp hạng 63/140 nền kinh tế năm 2019 (tăng 12 bậc so với năm 2015).

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng ngành du lịch đang đóng góp ngày càng lớn cho tăng trưởng chung, lan tỏa tới nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nặng nề khiến doanh nghiệp lao đao, các điểm đến vắng khách hẳn, nhiều doanh nghiệp đóng cửa, cho nhân viên nghỉ việc.

Hội nghị toàn quốc về du lịch được tổ chức nhằm đánh giá tình hình và bàn phương hướng giải pháp phục hồi, thúc đẩy phát triển du lịch trong giai đoạn mới. Ảnh: VGP.

Thống kê cho thấy lượng khách du lịch nội địa giảm đến 45%, thiệt hại tới 23 tỉ USD, thời điểm giảm bắt đầu từ tháng 3/2020. Thời gian qua, cả nước vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế, ngành du lịch cũng chứng kiến giai đoạn cầm cự đầy kiên cường trong bộn bề khó khăn.

Trong bối cảnh đó, Hội nghị toàn quốc về du lịch được tổ chức nhằm đánh giá tình hình và bàn phương hướng giải pháp phục hồi, thúc đẩy phát triển du lịch trong giai đoạn mới. Ngành du lịch quyết tâm thực hiện mục tiêu kép vừa an toàn phòng chống dịch, vừa phát triển du lịch an toàn, hiệu quả, bền vững.

Sự ngưng trệ của hoạt động du lịch do dịch bệnh đã tác động sâu rộng tới các ngành liên quan và đời sống xã hội, cụ thể và dễ thấy như ngành hàng không, lưu trú, ăn uống. Qua đại dịch COVID-19, chúng ta càng thấy rõ vai trò và sức lan tỏa của du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, gắn bó khăng khít với các ngành, lĩnh vực liên quan.

Vấn đề của ngành du lịch hôm nay cũng đồng thời là vấn đề chung của nhiều ngành liên quan. Với cách nhìn nhận đó, trong khuôn khổ Hội nghị các đại biểu sẽ thảo luận về việc cơ cấu lại thị trường khách du lịch; phát triển sản phẩm, dịch vụ mới, liên kết đa dạng hóa sản phẩm và nâng cao chất lượng sản phẩm phù hợp với thị trường; đẩy mạnh hợp tác công tư, liên kết vùng giữa các địa phương, điểm đến trong hợp tác phát triển sản phẩm du lịch; chuyển đổi số trong nghiên cứu thị trường, cơ sở dữ liệu và xúc tiến, quảng bá du lịch.

Theo đó, trong thời gian tới, ngành du lịch Việt Nam cần đẩy mạnh khai thác và khai thác có hiệu quả thị trường khách du lịch nội địa, nâng dần tỷ lệ đóng góp của khách du lịch nội địa vào tổng thu du lịch của đất nước. Bên cạnh đó, đối với thị trường khách du lịch quốc tế, cần cơ cấu lại thị trường khách du lịch quốc tế theo cơ cấu nhu cầu của khách du lịch đối với từng loại hình sản phẩm du lịch cụ thể, tập trung vào các sản phẩm như nghỉ dưỡng, sản phẩm du lịch hội nghị-hội thảo, các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, phù hợp với nhu cầu của từng phân khúc.

Ông Nguyễn Ngọc Thiện, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể Thao Du lịch phát biểu tại hội nghị.

Tại hội nghị, Bộ VH-TT&DL đề xuất và xin ý kiến tham luận về 4 nhóm vấn đề: Cơ cấu lại thị trường khách du lịch theo hướng bền vững, hiệu quả nhằm vào thị trường chất lượng cao, lưu trú dài ngày, chi tiêu cao, cơ cấu thị trường theo phân đoạn nhu cầu; phát triển sản phẩm, dịch vụ mới, liên kết đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm phù hợp với từng phân đoạn thị trường; đẩy mạnh hợp tác công tư, liên kết vùng giữa các địa phương, điểm đến trong hợp tác phát triển du lịch và chuyển đổi số trong phát triển du lịch, đặc biệt trong nghiên cứu thị trường, cơ sở dữ liệu và xúc tiến, quảng bá du lịch.

Trong đó, Bộ VH-TT-DL cho rằng, quá trình chuyển đổi số trong phát triển du lịch, đặc biệt là trong quản lý, kinh doanh, trong nghiên cứu thị trường, trong tiếp thị và bán sản phẩm du lịch là yêu cầu mang tính chất “sống còn”.

Bên cạnh các kết quả đã đạt được, việc chuyển đổi số trong du lịch thời gian qua vẫn còn một số hạn chế như: Nhận thức về chuyển đổi số tại một số địa phương, doanh nghiệp chưa được triển khai thường xuyên; chưa hình thành được hệ thống cơ sở dữ liệu điện tử liên thông và có thể được chia sẻ, phục vụ hoạt động du lịch; việc nghiên cứu thị trường và số hóa cơ sở dữ liệu về thị trường chưa theo kịp yêu cầu và xu thế đồng bộ; nguồn lực đầu tư cho marketing điện tử, thương mại điện tử còn quá ít.

Do đó, ngành du lịch trong thời gian tới cần xây dựng đề án chuyển đổi số trong ngành du lịch giai đoạn tiếp theo; tăng đầu tư cho hoạt động e-marketing cũng như tiếp tục đẩy mạnh hợp tác với các hãng công nghệ lớn trên thế giới để có thể cập nhật và ứng dụng được các công nghệ mới nhất phục vụ phát triển du lịch.

Hoàng Minh

Bài liên quan
  • Xu thế phát triển tất yếu của ngành du lịch
    Moitruong.net.vn –  Các địa phương có thế mạnh về du lịch đang tìm cách tận dụng những ứng dụng công nghệ để hỗ trợ du khách trong việc tìm hiểu các điểm du lịch như là một xu thế phát triển tất yếu trong ngành công nghiệp không khói này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngành du lịch bàn cách vực dậy sau tổn thất nặng nề vì Covid-19