Việt Nam có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch. Với sự quan tâm, định hướng, chỉ đạo sát sao của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và cộng đồng, ngành Du lịch Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc. Năm 2017, Việt Nam được UNWTO xếp hạng 6 trong số 10 quốc gia đạt tốc độ tăng trưởng khách du lịch hàng đầu thế giới, đồng thời cũng được bình chọn là điểm đến du lịch hàng đầu châu Á.
Ban tổ chức Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam 2019 đã chọn chủ đề “Du lịch xanh”, nhằm hưởng ứng chiến lược phát triển bền vững 2030, do Liên hợp quốc đề ra. Theo đó, các doanh nghiệp du lịch sẽ có cơ hội giới thiệu các sản phẩm du lịch xanh thông qua việc quảng bá các sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, nông nghiệp, các sáng kiến bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu trong ngành du lịch.
Tại Việt Nam, các chính sách, chiến lược, quy hoạch, định hướng phát triển du lịch của Đảng, Nhà nước, Chính phủ hướng đến mục tiêu phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng, bền vững, phát triển du lịch phải gắn với bảo vệ môi trường tự nhiên, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, mang lại lợi ích cho cộng đồng địa phương, đóng góp chung vào sự phát triển kinh tế xã hội và thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước -Thứ trưởng Lê Quang Tùng khẳng định.
Tại diễn đàn du lịch xanh, các diễn giả đi sâu vào việc chia sẻ những thuận lợi, khó khăn, kinh nghiệm phát triển du lịch xanh tại một số quốc gia, cũng như tại Việt Nam thông qua các tham luận như: Du lịch Xanh – Xu hướng thế giới và tiềm năng phát triển ở Việt Nam – Những vấn đề đặt ra (TS Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch); Quan điểm của Tây Ban Nha về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững gắn với du lịch xanh (Đại sứ Vương quốc Tây Ban Nha tại Việt Nam); Quan điểm của ADB đối với phát triển du lịch xanh ở Việt Nam (Ngân hàng phát triển Châu Á)…
Ở Việt Nam hiện cũng đang có nhiều doanh nghiệp phát triển du lịch xanh như: Xây dựng sản phẩm lưu trú xanh của tập đoàn Flamingo; Chia sẻ điển hình tốt của Câu lạc bộ du lịch cộng đồng CTC; Kinh nghiệm điều hành homestay của người dân tộc thiểu số…
Theo nhận định, phát triển du lịch xanh, tăng trưởng xanh là cơ hội và cũng là thách thức, là mục tiêu quan trọng trong phát triển du lịch bền vững. Và để hướng tới du lịch xanh, Việt Nam cần vượt qua nhiều thách thức như xả thải khí nhà kính và tiêu thụ năng lượng, tiêu thụ nước, quản lý rác thải, suy giảm đa dạng sinh học, quản lý hiệu quả di sản văn hóa… Minh chứng rõ nét nhất cho việc chuyển đổi theo hướng du lịch xanh ở Việt Nam là việc nhiều chứng nhận nhãn du lịch bền vững Bông sen xanh được trao cho các cơ sở lưu trú đảm bảo các tiêu chuẩn đặt ra đối với du lịch sinh thái.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp đã thực hiện du lịch có trách nhiệm, hướng dẫn khách du lịch bảo vệ môi trường khi tham gia tour đi rừng, leo núi như tour thám hiểm hang động tại Phong Nha- Kẻ Bàng (Quảng Bình); xây dựng các sản phẩm du lịch làm sạch môi trường như tour vớt rác tại Hội An (Quảng Nam), Sơn Trà (Đà Nẵng)…
VITM Hà Nội 2019 có sự tham gia của 710 doanh nghiệp du lịch đến từ 27 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới (trong đó có hai quốc gia lần đầu tiên đăng ký tham gia là Cộng hòa Peru và Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên), với số lượng 500 gian hàng.
Minh Anh (T/h)