Sáng 20/3, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tòa án. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên chất vấn. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) Nguyễn Hòa Bình trả lời chất vấn.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định) về việc thời gian gần đây, các vụ án hành chính đang tăng về số lượng, trong đó có nhiều vụ việc liên quan đến đất đai; Trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang đề xuất đưa các tranh chấp đất đai sang Tòa án giải quyết, Chánh án TANDTC cho rằng, nếu đưa hết khiếu kiện sang tòa án là đã giới hạn lựa chọn của người dân, trong khi đó, nếu có lựa chọn cho UBND giải quyết thì nhiều trường hợp sẽ đảm bảo được yêu cầu về tiến độ giải quyết hơn. Chánh án Nguyễn Hòa Bình đề nghị cân nhắc, không đưa hết các khiếu kiện đất đai sang Tòa án trong dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Trước câu hỏi về việc tổ chức phiên tòa trực tuyến của ĐBQH tỉnh Bắc Kạn, Chánh án TANDTC cho biết, Tòa án nhân dân tối cao đã phối hợp ban hành các văn bản liên quan để hướng dẫn thực hiện, tổ chức tập huấn ở các địa phương… Đến nay, các trang bị cho xét xử trực tuyến đã cơ bản đầy đủ, đã xét xử hơn 5400 vụ theo hình thức trực tuyến, đảm bảo công lý thực thi không chậm trễ, tạo điều kiện cho người ở xa, người ở nước ngoài tham gia phiên tòa; góp phần tiết kiệm nhiều nguồn lực trong tổ chức xét xử.
“Hiện nay, khó khăn trong việc xét xử trực tuyến là việc trang bị cơ sở vật chất, trang thiết bị còn hạn chế”, Chánh án TANDTC cho biết và đề nghị Quốc hội phê duyệt các chương trình liên quan để ngành Tòa án tiếp tục trang bị tốt hơn nữa cho việc tổ chức phiên tòa trực tuyến. Ngoài ra, việc nâng cao kỹ năng chuyên môn trong xét xử cho đội ngũ cũng là việc cần thực hiện.
Đối với câu hỏi làm cách nào nâng cao chất lượng xét xử, Chánh án TANDTC cho biết, so với khối lượng công việc, biên chế của Tòa án hiện nay rất ít. Điều này tạo nên áp lực đối với hệ thống Tòa án, ảnh hưởng chất lượng xét xử. TANDTC mong muốn Quốc hội, các cơ quan có thẩm quyền xem xét việc này, đảm bảo vấn đề biên chế cho Tòa án.
“Trong báo cáo của TANDTC gửi Quốc hội có nêu, tỉ lệ giải quyết đơn tuyên bố phá sản doanh nghiệp chưa cao, đề nghị Chánh án cho biết nguyên nhân và giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp”, đại biểu Hoàng Văn Liên (Đoàn ĐBQH tỉnh Long An) đặt câu hỏi.
Trả lời câu hỏi này, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết về chất lượng giải quyết các vụ án phá sản, Chánh án cho biết, Luật đang quy định tương đối ngặt nghèo về trình tự phá sản. Các Thấm phán rất giỏi trong vụ án hình sự, dân sự nhưng trong các vụ án phá sản là thiếu. Khắc phục tình trạng này, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho rằng, cần tiếp tục đề xuất Quốc hội sửa Luật Phá sản; nâng cao trình độ Thẩm phán trong xét xử vụ án phá sản; tiến tới hình thành Tòa phá sản chuyên biệt ở các trung tâm kinh tế lớn, chuyên xét xử phá sản, không xét xử các vụ án khác.
Tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương) đặt câu hỏi: “có thông tin cho rằng Trung tâm hoà giải được thành lập nhưng hiệu quả hoạt động thấp. Do đó, đề nghị Chánh án cho biết hiệu quả trên thực tế của việc thực hiện hoà giải đối thoại ngoài Toà án? Đồng thời đề nghị làm rõ việc có nên xây dựng nhiều án lệ để áp dụng hay chỉ cần một số lượng vừa phải để áp dụng?
Liên quan đến vấn đề án lệ, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cho biết, một trong những nội dung cải cách tư pháp từ nhiệm kì XIV là Quốc hội cho phép Tòa án phát triển án lệ. Lịch sử phát triển án lệ trên thế giới đã có 100 năm, cả thế giới đều cần án lệ. Trong khi đó Việt Nam mới có lịch sử phát triển án lệ vài năm gần đây. Luật chỉ quy định những vấn đề chung nhất không thể bao hàm hết diễn biến cuộc sống. Án lệ được xem là nguồn bổ sung cho giải thích pháp luật và thực tiễn nếu pháp luật chưa đề cập đến, tạo chuẩn mực pháp lý cho các cơ quan áp dụng. Án lệ chỉ là 1 chi tiết của vụ án mà không phải toàn bộ vụ án.
Việt Nam tuy số lượng án lệ ít nhưng có một số án lệ được thế giới đánh giá cao như việc vũ khí nguy hiểm tấn công vào vùng nguy hiểm được xem là hành vi của tội giết người.
"Việt Nam mới có lịch sử phát triển án lệ 4 năm, do đó chúng ta phải có những bước đi thận trọng; quy trình làm án lệ của chúng ta chặt chẽ. Điều này là rất cần thiết đối với thực tiễn ở Việt Nam. Vì quá chặt chẽ nên số lượng án lệ của ta khá khiêm tốn. Do đó, trong thời gian tới Tòa án nhân dân tối cao từng bước sửa quy trình này và khuyến khích thẩm phán giới thiệu bản án đẩy nhanh phát triển án lệ", Chánh án TANDTC trả lời.
Về tuyển chọn, bổ nhiệm thẩm phá, Chánh án TANDTC cho biết thời gian tới tiếp tục đổi mới cách họp tuyển chọn hội đồng thẩm phán quốc gia, sớm có nhận xét tiến cử thẩm phán khẩn trương trong bổ nhiệm.
Về hòa giải, Chánh án TANDTC cho biết hòa giải là đột phá của cải cách tư pháp thay thế cho xét xử. Qua hòa giải, xung đột được giải quyết thân thiện tạo ra hòa thuận xã hội giảm bớt các chi phí mở phiên tòa, xét xử, thi hành án, hạn chế phát sinh tranh chấp mới. Những năm qua hòa giải 72.000 vụ, dù chưa nhiều nhưng giảm tải đáng kể số vụ việc tòa án phải giải quyết.
Độc lập là một trong những nguyên tắc căn cốt của tòa án: độc lập giữa các cơ quan, giữa các tòa án, giữa cấp trên cấp dưới. Ngành tòa án quán triệt chặt chẽ nguyên tắc này, thực hiện nhiều giải pháp về kỹ thuật, đặt ra quy trình phân án ngẫu nhiên, thường xuyên kiểm tra tránh can thiệp vào xét xử, Chánh án không được can thiệp vào xét xử của thẩm phán. Chánh án đề nghị các đại biểu Quốc hội tôn trọng tuân thủ nguyên tác này, tránh trường hợp có đơn đề nghị Chánh án chỉ đạo giải quyết vụ án.
Đối với các vụ án thi hành án rồi mà Tòa xử lại, theo Chánh án TANDTC, trên thực tế không có nhiều nhưng vẫn có trên thực tế. Việc Tòa phải xử lại để đảm bảo quyền lợi cho người dân; đảm bảo công bằng, lẽ phải.
Trả lời câu hỏi về tăng cường thu tài sản tham nhũng, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cho biết trên thế giới cũng như Việt Nam việc thu không hoàn toàn triệt để.
“Theo tổng kết 10 năm chúng ta thu được 40% số tài sản tham nhũng. Đây là con số rất đáng ghi nhận, biểu dương của các cơ quan tiến hành tố tụng. Để nâng cao hơn nữa, chỉ thu hồi những tài sản tham nhũng nếu quá trình tố tụng các cơ quan chứng minh được tài sản có nguồn gốc từ tham nhũng. Muốn thu hồi được thì công tác chứng minh phải rất chất lượng. Do đó nâng cao chất lượng điều tra và kịp thời phong tỏa tài sản. Trên thế giới có cơ chế thu hồi tài sản của nghi can tham nhũng mà không giải trình được nguồn gốc. Nếu làm được điều này có thể tăng cao hơn nữa tỉ lệ thu hồi.”, Chánh án TANDTC trả lời chất vấn.