Đường đi của chất thải ở Formosa – Bài 1: Sự thật phía sau những lô hàng… phế liệu

Theo báo Phụ nữ|13/05/2019 14:07
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Kết quả phân tích mẫu gang xỉ từ Formosa bán đến tỉnh Thái Nguyên có hàm lượng pH vượt ngưỡng nguy hại theo quy chuẩn Việt Nam, nhưng lại được xem là… nguyên liệu sản xuất.

Từ tháng 11/2018, những “lô hàng phế liệu” của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (Formosa Hà Tĩnh) đã được chuyển ra Thái Nguyên để bán cho các nhà máy thép. Trên giấy tờ đây là gang xỉ – phế liệu dùng để tái chế thép, hợp pháp. Chỉ đến khi Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên lấy mẫu gang xỉ đưa đi phân tích, sự thật mới dần sáng tỏ.

Bất ngờ với phế liệu của Formosa

Trong công văn gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) cùng Sở TN-MT tỉnh Hà Tĩnh, giữa tháng 4/2019, Sở TN-MT tỉnh Thái Nguyên cho biết, kết quả phân tích mẫu gang xỉ từ Formosa bán ra tỉnh này có hàm lượng pH vượt ngưỡng nguy hại theo quy chuẩn Việt Nam.

Gang xỉ của Formosa chuyển giao ra Thái Nguyên được phát hiện có hàm lượng pH vượt ngưỡng nguy hại

Không chỉ mẫu gang xỉ – nguồn phế liệu đầu vào để sản xuất thép mà ngay cả mẫu bùn thải sau tuyển thép – chất thải đầu ra tại nhà máy sử dụng gang xỉ của Formosa cũng phát hiện có hàm lượng pH vượt ngưỡng nguy hại. Cụ thể, mẫu gang xỉ phân tích có pH vượt ngưỡng nguy hại được lấy từ Công ty TNHH sản xuất và thương mại Trường Huy (Công ty Trường Huy) và mẫu bùn sau tuyển được lấy từ Công ty cổ phần Công nghiệp Bắc Thái (Công ty Bắc Thái).

Thật ra, Sở TN-MT tỉnh Thái Nguyên không chủ động lấy mẫu gang xỉ – phế liệu có nguồn gốc từ Formosa đưa đi phân tích mà thực hiện theo đề nghị của Sở TN-MT tỉnh Hà Tĩnh (nơi có nhà máy thép của Formosa). Trên thực tế, từ tháng 11/2018, những lô hàng gang xỉ – phế liệu của Formosa Hà Tĩnh đã bắt đầu được chuyển bán ra Thái Nguyên thông qua một công ty trung gian.

Bãi quặng Bắc Thái

Vào thời điểm này, khi quan sát số gang xỉ tập kết ở cảng để chuyển đi, chúng tôi nhận thấy nếu dựa vào hình ảnh thì trông giống bột xỉ thải của ngành thép hơn là gang xỉ phế liệu. Thử đối chiếu hình ảnh các mẫu gang xỉ phế liệu bán trên thị trường, mẫu gang xỉ ở Formosa có nhiều bột mịn, còn gang xỉ bán trên thị trường thường có dạng hình khối cứng.

Dù không phải là những người am hiểu sâu về ngành thép, chúng tôi cũng phát hiện được sự bất thường nói trên. Vậy các cơ quan chuyên môn, cụ thể là Bộ TN-MT lẽ nào lại không nhận thấy? Qua thu thập những tài liệu liên quan đến vụ việc, chúng tôi biết được, từ đầu tháng 1/2019, Sở TN-MT tỉnh Hà Tĩnh đã có công văn đề nghị Sở TN-MT tỉnh Thái Nguyên tăng cường kiểm tra các đơn vị tiếp nhận phế liệu (gang xỉ – PV) từ Formosa để sản xuất thép trên địa bàn Thái Nguyên. Từ động thái này mới dẫn đến việc phát hiện mẫu gang xỉ của Formosa có pH vượt ngưỡng nguy hại.

Tính đến thời điểm Sở TN-MT tỉnh Thái Nguyên phát hiện mẫu gang xỉ của Formosa Hà Tĩnh có pH vượt ngưỡng nguy hại, số gang xỉ của Formosa được bán ra Thái Nguyên đã hơn 20.000 tấn. Cụ thể, Công ty Bắc Thái đã nhận chuyển giao gần 9.000 tấn và Công ty Trường Huy đã nhận chuyển giao hơn 11.000 tấn.  Đây là hai công ty ký hợp đồng mua gang xỉ từ Formosa thông qua Công ty TNHH Đầu tư Phát triển MHD Việt Nam (viết tắt Công ty MHD). Ngoài hai công ty này, còn có hai công ty khác ký hợp đồng mua gang xỉ từ Công ty MHD nhưng chưa nhận chuyển giao.

Xỉ thải bán quá dễ dàng

Từ cuối năm 2018, qua tìm hiểu hoạt động sản xuất thép của Formosa Hà Tĩnh, chúng tôi biết được trong quá trình sản xuất thép phát sinh một lượng xỉ rất lớn. Đó là phần tạp chất trào ra khỏi lò trong quá trình luyện thép, sau đó đông cứng lại dạng cục. Trên lý thuyết, trong số xỉ thép thải ra, gang xỉ có thể tận dụng để làm nguyên liệu sản xuất thép với điều kiện ít lẫn tạp chất và tỷ lệ sắt phải thật cao.

Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo một công ty thép ở Việt Nam cho biết, một trong những lo ngại nhất đối với gang xỉ là mức độ nhiễm lưu huỳnh, nếu hàm lượng lưu huỳnh cao thì không thể tận dụng để tái chế như là nguồn phế liệu đầu vào. “Với công nghệ luyện thép ở các nhà máy tại Việt Nam hiện nay, không đơn vị nào dám tận dụng gang xỉ nhiễm lưu huỳnh làm nguyên liệu sản xuất. Có thể hiểu đơn giản rằng, hàm lượng lưu huỳnh nhiễm trong gang xỉ tỷ lệ nghịch với chất lượng thép, lưu huỳnh càng cao thì chất lượng thép càng thấp. Không ai muốn sản xuất thép chất lượng thấp cả, trừ khi có tiêu cực”, vị này phân tích.

Theo tài liệu chúng tôi thu thập được, trong báo cáo gửi Bộ TN-MT về phương án tái chế, sử dụng xỉ thép đầu năm 2018, Formosa Hà Tĩnh cho biết có một dây chuyền phát sinh xỉ nhiễm lưu huỳnh cao, không tái sử dụng được. Theo đó, Formosa Hà Tĩnh dự kiến sẽ chuyển số xỉ này cho những đơn vị có chức năng xử lý xỉ thép (được Bộ TN-MT cấp phép) để tái chế, làm nguồn phế liệu luyện thép. Tổng cộng số xỉ phát sinh nhiễm lưu huỳnh này ước tính khoảng 20.000 tấn/năm, được thể hiện trong báo cáo như là chất thải rắn chứ không phải phế liệu.

Trong khi số xỉ nhiễm lưu huỳnh ở Formosa không rõ được chuyển giao, xử lý ra sao thì bất ngờ xuất hiện văn bản của Tổng cục Môi trường (do ông Hoàng Văn Thức, Phó tổng cục trưởng ký) cho phép Công ty MHD ký hợp đồng thu gom, chuyển giao gang xỉ của Formosa Hà Tĩnh như là phế liệu – hàng hóa để làm nguyên liệu sản xuất thép. Được sự chấp thuận này, Công ty MHD ký hợp đồng với Formosa Hà Tĩnh để lấy gang xỉ bán cho các nhà máy ở Thái Nguyên.

Đã có hơn 20.000 tấn gang xỉ từ Formosa Hà Tĩnh bán ra Thái Nguyên với danh nghĩa là phế liệu – hàng hóa. Nếu là phế liệu – hàng hóa, tại sao Formosa không tái sử dụng để sản xuất thép mà lại bán đi? Câu hỏi này cần được làm sáng tỏ.

Theo báo Phụ nữ 

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đường đi của chất thải ở Formosa – Bài 1: Sự thật phía sau những lô hàng… phế liệu