Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, sáng ngày 13/11, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường, tiến hành các nội dung: biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2025; nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam; xem video clip về dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam; nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất.
Sau phiên họp toàn thể tại hội trường, Quốc hội thảo luận ở tổ về: chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam; điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành tại Nghị quyết số 94/2015/QH13 của Quốc hội; dự thảo Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh tham gia thảo luận tại Tổ 12 gồm Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh: Hưng Yên, Ninh Bình, Quảng Bình và Bắc Kạn.
Thảo luận tại Tổ, các đại biểu bày tỏ thống nhất về sự cần thiết ban hành Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đường sắt cao tốc trên trục Bắc - Nam; nhấn mạnh hành lang Bắc - Nam là hành lang vận tải lớn nhất cả nước, có vai trò, ý nghĩa to lớn trong việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, giúp kết nối các hành lang Đông - Tây, các cực tăng trưởng để tạo động lực lan tỏa phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, nhất là khi đất nước đang bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Các đại biểu nhận thấy, việc đầu tư phát triển hạ tầng giao thông thời gian qua chủ yếu tập trung cho đường bộ, hàng không; hạ tầng đường sắt chưa được quan tâm, đầu tư đúng mức dẫn đến tụt hậu, phát triển không tương xứng, chưa phát huy được lợi thế, tiềm năng vốn có của phương thức vận tải này. Do đó, việc đầu tư dự án sẽ tạo bước đột phá trong phát triển, hiện đại hóa kết cấu hạ tầng giao thông, kết nối với hệ thống đường sắt trong khu vực và châu Á và mở ra không gian phát triển kinh tế mới.
Đại biểu Nguyễn Đại Thắng - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên đánh giá dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam là dự án có quy mô đặc biệt lớn, chưa từng có tiền lệ. Trong khi đó, điều kiện, năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế nước ta chưa được cao..., các ngành nền tảng, công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển, chưa đạt được như kỳ vọng. Vận tải đường sắt đang dần mất vai trò, hạ tầng lạc hậu, chất lượng dịch vụ thấp và lạc hậu so với thế giới và khu vực.
Theo đại biểu Nguyễn Đại Thắng, thực tiễn việc triển khai thực hiện các dự án đường sắt đô thị thời gian qua cho thấy gặp nhiều khó khăn, dẫn đến tăng vốn, kéo dài thời gian hoàn thành. Do đó đề nghị Chính phủ cần làm rõ việc huy động nguồn lực, cân đối nguồn vốn để hoàn thành dự án. Đồng thời làm rõ việc lựa chọn phương án đầu tư phù hợp với điều kiện kinh tế Việt Nam hiện nay để bảo đảm thực hiện thành công và tiến độ dự án. Bên cạnh nguồn vốn ngân sách, nguồn vốn nhà nước huy động thì cần tăng cường nguồn lực đầu tư tư nhân.
Đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn nhận thấy dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam là công trình lịch sử có ý nghĩa quan trọng, nếu thực hiện thành công sẽ giải quyết được rất nhiều vấn đề về kinh tế - xã hội. Nếu được Quốc hội biểu quyết thông qua chủ trương đầu tư dự án, đại biểu Thủy đề nghị Chính phủ bảo đảm bám sát tiến độ như đã đề xuất ban đầu. Đồng thời kiến nghị Chính phủ tổng kết kinh nghiệm khi hoàn thành dự án đường dây 500 kV mạch 3 từ Hưng Yên nối với Quảng Bình để tích hợp vào việc triển khai đường sắt tốc độ cao. Nếu hoàn thiện được dự án sớm hơn thì nền kinh tế và người dân sẽ được thụ hưởng sớm hơn.
Về cơ cấu, theo dự kiến, dự án có kết cấu 60% là cầu, 10% là hầm và 30% là nền đất, đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu giảm tỉ lệ đi qua nền đất xuống thấp hơn 30% để giảm thiếu tối đa việc phải di dân và giải phóng mặt bằng. Nếu giảm được tỉ lệ trên thì sẽ là một trong những điều kiện đẩy nhanh tiến độ dự án, giúp dự án về đích sớm hơn dự kiến.
Bày tỏ ý kiến của mình, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình đề nghị Chính phủ thuyết minh rõ hơn về tính hiệu quả khi xác định hướng tuyến và vị trí đặt nhà ga như đề xuất. Quan tâm tới nguồn vốn đầu tư của dự án, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh cho biết, trong giai đoạn sắp tới phải tập trung phát triển kết cấu hạ tầng và thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, vì vậy Chính phủ cần báo cáo rõ hơn về phương án bố trí vốn và khả năng cân đối vốn của ngân sách nhà nước sử dụng trong dự án. Đồng thời đề nghị Chính phủ đánh giá cụ thể hơn về tác động của việc đầu tư dự án đến bội chi ngân sách nhà nước, nợ công, khả năng trả nợ của ngân sách nhà nước trong trung hạn và dài hạn; có phương án đảm bảo tuân thủ nguyên tắc về hạn mức chi tiêu an toàn nợ công để đảm bảo an ninh tài chính quốc gia.
Về chuyển giao công nghệ, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh cho rằng cần đánh giá khả năng tiếp nhận công nghệ của doanh nghiệp Việt Nam. Trong trường hợp không được nước ngoài chuyển giao công nghệ cần làm rõ giải pháp thay thế cũng như khả năng tự chủ nội địa hoá công nghệ đường sắt tốc độ cao của Việt Nam. Bên cạnh đó, cũng có ý kiến đề nghị Chính phủ rà soát hoàn thiện các tiêu chuẩn, định mức liên quan để đảm bảo tính đồng bộ, từng bước làm chủ công nghệ đường sắt, làm chủ nguyên vật liệu và các điều kiện đảm bảo khác trong quá trình xây dựng và quá trình đưa dự án vào khai thác, sử dụng.
Cũng tại phiên thảo luận Tổ, các đại biểu đã thảo luận về điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành tại Nghị quyết số 94/2015/QH13 của Quốc hội và dự thảo Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất.