Theo Reuters, metan là khí nhà kính chính sau khí carbon. Metan có khả năng giữ nhiệt cao hơn CO2 nhưng phân hủy trong khí quyển nhanh hơn, có nghĩa là việc cắt giảm lượng khí metan có thể có tác động nhanh chóng đến việc kiềm chế sự nóng lên toàn cầu.
Các nguồn phát thải khí metan chính bao gồm cơ sở hạ tầng dầu khí bị rò rỉ, các mỏ
than cũ, nông nghiệp và các bãi chôn lấp rác thải. (Ảnh: Reuters)
Theo quan chức chính quyền Tổng thống Joe Biden, Hiệp ước Khí metan Toàn cầu được công bố lần đầu vào tháng 9, hiện đã có sự tham gia của 1/2 trong số 30 nhà phát thải khí metan hàng đầu.
Một trong số các quốc gia ký kết mới sẽ được công bố vào ngày 3/11 là Brazil – một trong năm quốc gia phát thải khí metan lớn nhất thế giới.
Kể từ khi Hiệp định được công bố, Mỹ và EU đã cố gắng kêu gọi các nhà phát thải khí metan lớn nhất thế giới tham gia. Đã có khoảng 60 quốc gia đăng ký chỉ trong tuần trước, sau khi Mỹ và EU thúc đẩy ngoại giao.
Mặc dù không thuộc các cuộc đàm phán chính thức của Liên Hợp Quốc, nhưng cam kết về khí metan có thể được xếp hạng trong số những kết quả quan trọng nhất từ hội nghị COP26, do tác động tiềm tàng của nó trong việc ngăn chặn biến đổi khí hậu thảm khốc.
Một báo cáo hồi tháng 5 của Liên Hợp Quốc cho biết, việc cắt giảm mạnh lượng khí thải metan trong thập kỷ này có thể tránh được tình trạng Trái đất nóng lên gần 0,3 độ C vào những năm 2040.
Nếu không giải quyết được khí metan thì sẽ không đạt được mục tiêu của Thỏa thuận Paris là không để nhiệt độ Trái đất tăng vượt mức 1,5 độ C so với mức tiền công nghiệp và tránh những tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu.
Việc cắt giảm 30% khí metan sẽ do các bên ký kết cùng đạt được và bao gồm tất cả các lĩnh vực. Các nguồn phát thải khí metan chính bao gồm cơ sở hạ tầng dầu khí bị rò rỉ, các mỏ than cũ, nông nghiệp và các bãi rác.
Nếu được thực hiện, cam kết có thể sẽ có tác động lớn nhất đến ngành năng lượng, vì các nhà phân tích cho rằng sửa chữa cơ sở hạ tầng dầu khí bị rò rỉ là cách nhanh nhất và rẻ nhất để hạn chế phát thải khí metan.
Hiện nay, Mỹ là nhà sản xuất dầu và khí đốt lớn nhất thế giới, trong khi EU là nhà nhập khẩu khí đốt lớn nhất. Tuần này, Mỹ sẽ ban hành các quy định về khí methane, trong khi EU và Canada đều có kế hoạch công bố luật methane vào cuối năm nay.
Hồng Anh