Ngày 6/10, gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam đang được chào bán với giá khoảng 428 - 430 USD/tấn. Theo các doanh nghiệp, mức giá này cao hơn giá chào bán của gạo Thái Lan và giá gạo Việt Nam tiếp tục có xu hướng tăng dần. Thậm chí, gạo 100% tấm còn đang "cháy hàng".
Nhiều doanh nghiệp trong nước ngừng chào bán gạo 100% tấm vì thiếu hàng. Theo các doanh nghiệp, Việt Nam thường nhập một lượng nhất định gạo 100% tấm từ Ấn Độ.
Sau khi nước này cấm xuất khẩu gạo 100% tấm, nguồn cung cho các doanh nghiệp Việt Nam bị thiếu hụt, khi đó gạo trong nước chủ yếu đáp ứng nhu cầu cho các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước, nên hầu như các doanh nghiệp không có hàng để xuất khẩu.
Bộ Công Thương khuyến cáo các thương nhân xuất khẩu gạo chủ động theo dõi tình hình thị trường, đánh giá rủi ro về giá để xây dựng phương án giao dịch hợp lý, phòng ngừa rủi ro về thanh toán và giao hàng trong bối cảnh tình hình thương mại gạo thế giới dự báo đến cuối năm có nhiều biến động.
Theo Tổng Cục thống kê, trong 9 tháng năm 2022, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt trên 5,4 triệu tấn, tăng 19,3%; kim ngạch xuất khẩu đạt 2,64 tỷ USD, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2021.
Thông tin từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam, năm 2022, nhiều khả năng xuất khẩu gạo Việt Nam đạt và vượt kế hoạch đề ra. Theo kế hoạch, năm 2022, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt khoảng 6,3 - 6,5 triệu tấn, cao hơn 100.000 - 200.000 tấn so với năm 2021.
Các doanh nghiệp ở khu vực ĐBSCL cho biết, hiện nay, trên 80% gạo xuất khẩu của Việt Nam tập trung vào phân khúc gạo cao cấp, thơm và đặc sản nên thị trường tiêu thụ rất đa dạng.