Khó khăn nguồn cung, một số hệ thống bán lẻ xăng ở các tỉnh phía Nam xin nghỉ bán hàng

Mai Hạ|07/10/2022 07:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Với lý do không còn nguồn hàng để duy trì hệ thống bán lẻ, một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu ở TP.HCM và ở tỉnh Bình Phước xin nghỉ bán hàng trong thời gian tới.

hxa.jpg
Nhiều cây xăng ở Bình Phước thông báo hết xăng vì khó tìm được nguồn cung.

Tại TP. HCM, lãnh đạo Sở Công thương thành phố vừa có cuộc họp đột xuất với các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn, sau khi có thông tin Công ty CP Thương mại và Dịch Vụ Cần Giờ xin nghỉ bán trong thời gian tới vì không còn nguồn hàng để duy trì hệ thống bán lẻ.

Theo công văn của Công ty CP Thương mại và Dịch Vụ Cần Giờ (TP. HCM) gửi Sở Công Thương và Cục Quản lý thị trường thành phố, đơn vị này là thương nhân phân phối được cấp giấy phép ngày 22/9/2020, nên nguồn hàng cung cấp cho hệ thống bán lẻ của mình được lấy từ các thương nhân nhập khẩu. Đơn vị không được phép nhập khẩu xăng dầu từ các doanh nghiệp ở nước ngoài về.

Do lệ thuộc vào nguồn hàng từ các thương nhân nhập khẩu nên thời gian gần đây, thị trường trong nước và thế giới đang diễn biến phức tạp, dẫn đến nguồn cung bị gián đoạn đã ảnh hưởng tới các đơn vị đầu mối. Khi các đơn vị đầu mối này ngừng cung cấp hàng cho Công ty CP Thương mại và Dịch vụ Cần Giờ đồng nghĩa với việc công ty không còn nguồn hàng để đáp ứng duy trì hệ thống bán lẻ của mình, vì vậy có thể sẽ tạm ngưng việc bán hàng trong thời gian tới.

Được biết, hệ thống bán lẻ của Công ty CP Thương mại và Dịch vụ Cần Giờ gồm 17 cửa hàng trực thuộc và 36 đại lý.

Tại Bình Phước, trước thông tin người dân ở các xã biên giới huyện Bù Gia Mập phải đi hàng chục cây số mới mua được xăng phục vụ sinh hoạt, sản xuất. Thậm chí có nơi phải xếp hàng vài tiếng đồng hồ mới mua được xăng, ông Trương Tấn Nhất Linh, Phó Giám đốc phụ trách Sở Công thương tỉnh Bình Phước xác nhận có tình trạng hàng loạt trạm xăng dầu ở huyện Bù Gia Mập đóng cửa ngừng bán. Nguyên nhân ban đầu theo ông Linh là các trạm xăng dầu đã hết hàng và không dám nhập về do không có lời, thậm chí lỗ.

Trên địa bàn huyện Bù Gia Mập xuất hiện tình trạng một số tiệm tạp hóa đã chủ động gom hàng về bán lại cho người dân với giá đến 25.000 đồng/lít, cao hơn gần 4.000 đồng so với giá niêm yết tại các trạm xăng. Trước đó, ngày 3/10, nhiều hộ dân ở xã Phú Văn, huyện Bù Gia Mập phải mua xăng tại các điểm lẻ với giá 30.000 đồng/lít.

Hiện tại, chỉ duy nhất trạm xăng dầu Sơn Giang 3 ở xã Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập còn bán xăng nên lượng người từ các nơi đổ về rất đông. Mọi người phải xếp hàng dài, chờ đợi từ 2 đến 3 tiếng đồng hồ song cũng chỉ mua được trong giới hạn vài lít.

Được biết, ngoài huyện Bù Gia Mập, nhiều trạm xăng dầu ở huyện Bù Đăng, Phú Riềng cũng xảy ra tình trạng đóng cửa tương tự.

Lãnh đạo UBND huyện Phú Riềng cho biết, vừa có công văn khẩn số 1473/UBND-KT về kiểm tra, xác minh một số cây xăng dầu trên địa bàn huyện đóng cửa, ngừng bán. Theo UBND huyện Phú Riềng, UBND huyện nhận được ý kiến của người dân phản ánh trên địa bàn các xã Long Bình, Bù Nho xảy ra tình trạng một số cây xăng dầu đóng cửa, ngừng bán gây bức xúc cho người dân. Trước thực trạng đó, UBND huyện giao các cơ quan chức năng và UBND các xã tiến hành kiểm tra, xác minh kịp thời các thông tin phản ánh của người dân và báo cáo kết quả về UBND huyện trước ngày 7/10.

Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công thương TP. HCM, mặc dù các doanh nghiệp rất nỗ lực tìm kiếm nguồn hàng để đảm bảo nguồn nhưng do chi phí vận chuyển và các chi phí khác cao khiến doanh nghiệp gặp khó khăn. Là cơ quan quản lý, Sở Công thương sẽ lắng nghe những khó khăn của doanh nghiệp và kiến nghị các cơ quan quản lý cấp trung ương để có những điều chỉnh phù hợp với thị trường, hài hòa lợi ích của người dân và doanh nghiệp trong kinh doanh xăng dầu. Sở thường xuyên giữ liên lạc, tham gia điều phối, hỗ trợ cho các doanh nghiệp khó khăn trong quá trình hoạt động để đảm bảo ổn định thị trường xăng dầu trên địa bàn thành phố.

Đại diện Sở Công thương cũng cho biết, cây xăng nào còn hàng mà không phục vụ, đóng cửa mà không xin phép sẽ bị xử phạt.

“Việc các trạm xăng dầu đóng cửa khiến người dân gặp khó khăn. Do hoạt động kinh doanh thay đổi đột ngột nên các trạm xăng dầu không xoay xở kịp. Hiện chủ các trạm xăng dầu đang liên kết lại cùng có kiến nghị lên cơ quan chức năng nhằm tháo gỡ khó khăn. Để tháo gỡ khó khăn, trước mắt sở sẽ liên hệ, làm việc với các doanh nghiệp đầu mối về giá, mức chiết khấu hoa hồng để đảm bảo quyền lợi cho các trạm kinh doanh xăng dầu”, đại diện Sở Công thương TP. HCM cho hay.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Khó khăn nguồn cung, một số hệ thống bán lẻ xăng ở các tỉnh phía Nam xin nghỉ bán hàng
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.