MOITRUONG.NET.VN – Sau đợt mưa kéo dài vừa qua, hàng trăm ha hồ tiêu đồng loạt chết. Không ít chủ vườn đang phải đối mặt với một khoản nợ lớn.
>>> Dự báo năm 2018: Xuất khẩu gạo có thể đạt 3,3 tỷ USD
>>> Thảm họa thiên tai khiến kinh tế thế giới thiệt hại 2.250 tỷ USD
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Anh Tr. cho biết: “Gần 3 năm qua, gia đình tôi đã bỏ ra hơn 500 triệu đồng để thuê đất, mua trụ, giống, phân bón và chăm sóc cho hơn 1.000 trụ hồ tiêu này. Để có tiền đầu tư, tôi đã phải đi vay ngân hàng và vay bên ngoài. Vườn hồ tiêu chuẩn bị thu hoạch thì bị thiên tai, giờ thành ra trắng tay, không có tiền để trả nợ”.
Thông tin với báo chí, ông Nguyễn Văn Hợp – Trưởng phòng NN-PTNT huyện Chư Sê cho biết: Toàn huyện có trên 350 ha hồ tiêu bị chết, có vườn chết trắng cả ngàn trụ, thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Tiêu chết nhiều ở các xã Chư Pơng, Ia Tiêm, Dun, thị trấn Chư Sê… “Hiện chúng tôi đang đi kiểm tra, thống kê lại toàn bộ diện tích hồ tiêu chết để có hướng khắc phục”, ông Hợp nói.
“Hàng xóm” với Chư Sê là huyện Chư Pưh cũng thống kê được hơn 145 ha, cụ thể là 290.017 trụ bị chết (trong đó hơn 24 ha chết do bị úng nước, 120 ha bị bệnh chết). Tổng số 998 hộ bị thiệt hại do tiêu chết.
Tuy chưa thống kê cụ thể, nhưng một số địa phương khác như huyện Chư Pah, Đức Cơ, Chư Prông, Mang Yang, Ia Grai.. cũng đã có không ít vườn tiêu bị chết.
Về nguyên nhân hồ tiêu chết hàng loạt, theo ông Lê Tấn Hùng – Phó trưởng phòng NN- PTNT huyện Đak Đoa: Do mưa kéo dài, nước không thoát kịp làm rễ tiêu ngập úng dẫn đến thối rễ. Một khi bộ rễ bị tổn thương, các loại bệnh khác dễ dàng xâm nhập vào gây hại, làm cây tiêu chết rất nhanh. “Với những vườn tiêu chết do mưa bão, già cỗi, sâu bệnh nên vệ sinh vườn cây, thu gom tàn dư cây chết và tiêu hủy. Sau đó dùng vôi bột để khử trùng, xử lý đất và chuyển đổi sang cây trồng khác”, ông Hùng khuyến cáo.
Trước tình trạng hồ tiêu chết hàng loạt, các địa phương đang tiến hành kiểm tra cụ thể, tìm nguyên nhân và đưa ra hướng xử lý. Ông Nguyễn Văn Khanh -Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Pưh-cho biết: Ủy ban nhân dân huyện đã thành lập tổ kiểm tra, thẩm định diện tích hồ tiêu bị chết trong năm 2018 để tổng hợp báo cáo tỉnh. Đồng thời, UBND huyện đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh tỉnh, các chi nhánh ngân hàng thương mại tổ chức hội nghị phổ biến thông tin về cơ chế, chính sách gia hạn (cơ cấu lại nợ, giãn nợ), giảm lãi suất nhằm tháo gỡ khó khăn cho nông dân sản xuất hồ tiêu. Hiện tại, UBND huyện đang phối hợp với Công ty OLAM xây dựng 2 cánh đồng lớn trên cây hồ tiêu để liên kết sản xuất-tiêu thụ sản phẩm tại xã Ia Hrú và Ia Le.
Hiện UBND huyện Chư Pưh đã lập tổ kiểm tra, thẩm định diện tích hồ tiêu bị chết trong năm 2018, tổng hợp báo cáo tỉnh. Để giúp người dân chuyển đổi cây trồng hiệu quả, huyện đã chủ động mời Cty CP TPXK Đồng Giao về liên kết sản xuất – tiêu thụ một số loại cây ăn quả như dứa, chuối tiêu hồng, chanh leo, măng bát độ…
Hoàng Anh (T/h)