Gia Lai: Vẫn còn tình trạng khai thác đá lậu ở xã HBông
Trước đó, chính quyền xã HBông cho biết đã xử lý vi phạm về khai thác khoáng sản đá trái phép, tuy nhiên đến nay, nạn khai thác lậu vẫn còn đang tiếp diễn…
Thời gian vừa qua, hoạt động khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn huyện Chư Sê vẫn còn xu hướng diễn ra phức tạp. Nhận định nhiệm vụ đấu tranh, kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực tài nguyên là cấp bách, lãnh đạo UBND huyện Chư Sê nói chung và xã HBông nói riêng đã quyết liệt, thường xuyên tổ chức lực lượng tiến hành tuần tra tại các địa bàn trọng điểm, có dấu hiệu khai thác trái phép để kịp thời ngăn chặn và xử lý vi phạm các đối tượng có hành vi.
Cũng theo đó, ngày 04/10, một lãnh đạo của UBND xã HBông, huyện Chư Sê cho biết, chính quyền vừa phát hiện, ngăn chặn và đang báo cáo huyện vụ khai thác đá chẻ tại địa phương này. Điểm chung của các vụ khai thác khoáng sản trái phép là đối tượng có nhiều phương thức hoạt động như lợi dụng vị trí xa, khu vực giáp ranh, hoạt động vào các ngày nghỉ lễ, vào buổi tối, khai thác nhỏ lẻ để tránh bị cơ quan chức năng phát hiện.
Tại điểm khai thác ở làng Ring, xã HBông, đối tượng khai thác đá chẻ tại chỗ, đối với đá khối lớn thì được vận chuyển thẳng về hướng Khu Công nghiệp Trà Đa (thành phố Pleiku).
Đối với điểm khai thác nói trên, lãnh đạo UBND xã HBông cho biết là đã xử lý vi phạm đối với đối tượng có hành vi. Tuy nhiên cho đến nay, vị trí này thỉnh thoảng vẫn có xe chở đá lậu ra vào, tình trạng khai thác vẫn còn tiếp diễn. Chủ tịch UBND huyên Chư Sê – bà Rmah H’Bé Nét cho biết, sẽ chỉ đạo lực lượng thường xuyên kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm khoáng sản tại địa phương.
Đối với vấn đề trên, đề nghị UBND xã HBông tiếp tục tăng cường kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn, đồng thời xử lý quyết liệt hơn đối với các đối tượng có hành vi khai thác trái phép để bảo vệ môi trường và tài nguyên khoáng sản của khu vực.
Theo các chuyên gia, hoạt động khai thác khoáng sản trái phép nhỏ lẻ ở nước ta đã và đang gây nhiều tác động xấu đến môi trường xung quanh. Biểu hiện rõ nét nhất là việc sử dụng thiếu hiệu quả các nguồn khoáng sản tự nhiên; tác động đến cảnh quan và hình thái môi trường; tích tụ hoặc phát tán chất thải; làm ảnh hưởng đến sử dụng nước, ô nhiễm nước, tiềm ẩn nguy cơ về dòng thải axit mỏ... Những hoạt động này đang phá vỡ cân bằng điều kiện sinh thái được hình thành từ hàng chục triệu năm, gây ô nhiễm nặng nề đối với môi trường, trở thành vấn đề cấp bách mang tính chính trị và xã hội của cộng đồng một cách sâu sắc.