(Moitruong.net.vn) – 3 tháng gần đây, giá lợn hơi trong nước tăng mạnh, gần lặp lại cơn sốt giá lợn những năm 2015 – 2016, song nguyên nhân khiến giá lợn lên cao ở thời điểm này khác hẳn cách đây 2 năm.
Giá sốt, vẫn không ham nuôi
Khảo sát tại những vùng nuôi lợn trọng điểm tại phía Bắc như Bắc Giang, Hà Nam, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Phú Thọ…, giá lợn hơi xuất tại cửa chuồng của Cty C.P đang từ 52.000 – 54.000 đồng/kg. Với giá thành 37.000 – 39.000 đồng/kg, nên hiện mỗi 1kg lợn hơi người chăn nuôi lãi khoảng 15.000 đồng. Trong khi đó, giá giống lợn con siêu nạc 6,5kg đang được các chủ trang trại và công ty giống bán 1,4 – 1,6 triệu đồng/con.
Giá lợn hơi tăng cao hiện nay khác so với hơn 2 năm trước đây |
Cách đây 2 năm, giá lợn hơi lên cao do tác động chính từ thị trường Trung Quốc. Lý do họ thay đổi về chính sách môi trường trong chăn nuôi theo hướng siết chặt lại các quy định về xả thải nên hàng loạt trang trại nuôi lợn phải đóng cửa, di chuyển từ các đô thị về các vùng nông thôn phía Nam, giáp phía Bắc nước ta.
Do đó, Trung Quốc bị khủng hoảng và thiếu nguồn cung thịt lợn cục bộ mất 2 năm, nên họ sang ta mua vét lợn, thậm chí cả lợn choai để bù đắp cho lúc thiếu hụt tạm thời này. Ngày đó, QL1A luôn nườm nượp xe tải chở lợn dừng lại tắm mát rửa xe trên đường vận chuyển lên biên giới.
Còn hiện tại giá lợn hơi nước ta vẫn đang sốt, nhưng lại gần như vắng bóng xe tải chở lợn lên biên giới. Thậm chí, các tỉnh biên giới còn bắt giữ không ít vụ vận chuyển lợn hơi ngược từ Trung Quốc vào ta do giá lợn bên kia đang thấp hơn ta khoảng 10.000 đồng/kg (13 – 15 NDT/kg hơi, tương đương 45.000 – 47.000 đồng). Từ thực trạng trên, có thể cơ bản hiểu được rằng, nguồn cung lợn của ta đang thiếu hụt.
Việc giá lợn hơi cao duy trì được bao lâu, rất khó để đưa ra nhận định chính xác. Song có một thực tế là hiện giá lợn của Việt Nam không còn phụ thuộc vào giá lợn tại Trung Quốc như trước. Với lợn thương phẩm, nếu bây giờ vào chuồng 4 tháng sau có thể xuất bán, riêng lợn hậu bị (lợn bố mẹ) nếu giờ tái đàn với trọng lượng 50 – 60 kg/con, phải 15 – 16 tháng sau mới có lợn thịt xuất chuồng nên bà con chăn nuôi cần cân nhắc kỹ lưỡng.
Thấy gì từ “vựa lợn” Ngọc Lũ?
Được mệnh danh là xã nuôi lợn lớn nhất miền Bắc, Chủ tịch UBND xã Ngọc Lũ, huyện Bình Lục (Hà Nam) Trần Đình Thiện chia sẻ, đó là câu chuyện cách đây hơn 2 năm, còn hiện tại người nuôi lợn tại Ngọc Lũ vẫn chưa hết choáng váng.
Khi giá lợn giảm quá sâu và lâu, dư luận nói rất nhiều về vai trò quản lý, điều tiết của ngành chăn nuôi |
Theo ông Thiện, tại xã Ngọc Lũ lúc cao điểm có 200.000 đầu lợn/năm, nhưng cơn khủng hoảng giá lợn khiến ngành chăn nuôi lợn của xã gần như phá sản. Hiện so với đầu năm 2016, tổng đầu lợn giảm gần 80%, song bà con chưa có ý định tái đàn bởi chưa thực sự tin tưởng, hơn nữa các DN TĂCN “tát nước theo mưa” bắt đầu tăng giá cám nên người dân càng không mặn mà.
Ông Nguyễn Thế Chinh, BQL Chợ đầu mối gia súc gia cầm Hà Nam cho biết, hiện giá lợn hơi siêu nạc đang thu mua tại cửa chuồng từ 52.000 – 55.000 đồng/kg, trong khi lợn lai thấp hơn 3.000 – 4.000 đồng/kg. Theo ông Chinh, cách đây 2 năm lợn bán tại chợ chủ yếu là lợn của người chăn nuôi nhỏ lẻ thì nay, chiếm 70% là lợn của các DN như CP, Dabaco, Austfeed…, lợn nhỏ lẻ trong dân giờ chỉ còn 30% lượng giao dịch tại chợ.
Vào thăm hộ chăn nuôi hiếm hoi còn cầm cự được của xã Ngọc Lũ là bà Trần Thị Cường, thấy phần lớn chuồng trại đang bỏ trống. Bà Cường tâm sự, cao điểm bà nuôi hơn 20 nái, 300 lợn thịt, nhưng sau phải bán dần bán mòn bởi không chịu được giá thấp kéo dài quá lâu nên hiện chỉ còn giữ lại được 4 nái và 100 lợn thịt.
Sở dĩ gia đình bà còn trụ lại được là nhờ không vay vốn ngân hàng, không mua chịu đại lý cám nên vẫn còn sức cầm cự, trong khi đa phần những hộ vừa vay ngân hàng, vừa mua nợ cám đã phá sản đi làm công nhân từ lâu. Tuy nhiên, bà Cường cũng chưa dám tự tin mở rộng đàn nái mà chỉ tận dụng tối đa những gì đang có vì không biết giá lợn duy trì được bao lâu.
Một DN chuyên cung cấp lợn siêu nạc giống chia sẻ, với giá lợn hơi 52 – 55.000 đồng, giá 1 con lợn giống siêu nạc 6,5kg tầm 1,8 triệu. Tuy nhiên hiện người chăn nuôi chỉ chấp nhận mức giá giống 1,4 – 1,6 triệu và không tái đàn bằng mọi giá như cách đây hai năm, cho thấy bà con đã có sự tỉnh táo nhất định.
Khi giá lợn giảm quá sâu và lâu, dư luận nói rất nhiều về vai trò quản lý, điều tiết của ngành chăn nuôi, nay giá lợn tăng cao dư luận lại một lần nữa cho rằng vai trò nắm bắt, định hướng của ngành chăn nuôi rất yếu. Theo một số chuyên gia, ngành chăn nuôi không nên can thiệp và cũng không thể can thiệp được thị trường giá lợn, bởi nó là quy luật cung cầu, mặt khác Luật Chăn nuôi chưa có nên cũng không có công cụ để quản lý việc này. Thực tế cho thấy, nếu có lãi thì dù cấm người dân vẫn bất chấp vào đàn và ngược lại khi người dân đã kiệt sức vì thua lỗ thì có động viên họ cũng không nuôi. Vì vậy, điều người chăn nuôi cần nhất ở cơ quan quản lý chính là một số liệu thống kê thật chuẩn xác. |