Giải cứu nông sản đến bao giờ?

04/04/2019 05:04
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Chuyện nông sản bị rớt giá thê thảm thường xuyên được các phương tiện truyền thông, báo đài đưa tin. Những ruộng dưa, liếp cà, rẫy rau sau khi thu hoạch có giá không quá 1000 đồng/kg. Trước thực trạng đó, người tiêu dùng đã nhảy vào “giải cứu”, giúp bà con nông dân lấy lại vốn, trang trải nợ nần.

– Giải cứu nông sản là việc làm hết sức ý nghĩa, phần nào giúp bà con nông dân ổn định sản xuất. Điều này mang giá trị nhân văn cao đẹp. Bởi, mỗi cá nhân cần có tấm lòng để chung tay xây dựng xã hội, đất nước giàu đẹp. Tuy nhiên, trong bối cảnh của nền kinh tế thị trường luôn đặt tiêu chí chủ động lên hàng đầu. Vậy, vấn đề đặt ra là chúng ta sẽ giải cứu nông sản đến khi nào?

>>>ĐBSCL: 40% diện tích đất sẽ bị “chìm” do biến đổi khí hậu

>>>Lý Sơn sụt giảm mực nước ngầm, cần tìm kiếm giải pháp bền vững

Ảnh minh họa

Gần đây nhất, đầu 3/2019, giá khoai lang ở huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai chỉ có giá 1000 đồng/kg; Giá lúa giảm liên tục từ cuối năm 2018 đến nay. Trước tình hình đó, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Tài chính phải sớm mua dự trữ 200.000 tấn gạo và 80.000 tấn thóc.

Giải cứu nông sản là việc làm cần thiết, phần nào giúp bà con nông dân ổn định sản xuất. Tuy nhiên, trong bối cảnh của nền kinh tế thị trường luôn đặt tiêu chí chủ động lên hàng đầu, chúng ta sẽ giải cứu nông sản đến khi nào? Đây chỉ là tình thế tức thời, nếu tính lâu dài, điều này khiến người nông dân trở nên thụ động, khó thoát nghèo.

Nghịch lý, giá nông sản tại các vùng nông thôn rất thấp, nhưng khi đến tay người tiêu dùng khu vực thành phố lại khá cao, thậm chí tăng gấp hàng chục lần. Vậy, nguyên nhân do đâu? Giải pháp nào có thể sớm chấm dứt tình trạng này?

Ai cũng biết, để nông sản đến tay người tiêu dùng phải qua nhiều khâu, trong đó khâu thương lái cực kỳ quan trọng. Đây là đầu mối làm cho giá cả thị trường biến động. Rất nhiều thương lái có tâm, nhưng cũng không ít người cố dồn nhà nông vào đường cùng, tán gia bại sản vì đầu cơ, ép giá. Họ sử dụng nhiều chiêu trò: tung tin đồn thất thiệt, bắt tay với nhiều nhà buôn, nắm bắt sự đói vốn, khó khăn của các hộ nông dân hòng hạ giá nông sản nhằm thu lợi cao khi đem hàng về thành thị.

Vì thế, các hộ sản xuất cần liên kết với nhau để giữ vững giá nông sản, tuyệt đối không bán phá giá kẻo bị sập bẫy thương lái. Chính quyền địa phương cũng nên ra sức tuyên truyền, dập tắt tin đồn thất thiệt có hại cho nhà nông, để người tiêu dùng an tâm sử dụng nông sản. Song song, nhà nông nên chủ động tìm nguồn ra ngay từ khi hoa màu sắp thu hoạch để dễ bề ứng phó khi xảy ra tình huống xấu, tránh “bán đổ bán tháo”.

Đối với việc nhập khẩu nông sản, các cơ quan chức năng cần thống kê, kiểm soát sản lượng thành phẩm chặt chẽ để từ đó cân đối hàng nhập khẩu vừa đủ. Bởi, nếu nhập các mặt hàng vô tội vạ, với giá rẻ hơn hàng trong nước, thì tình trạng đổ bỏ nông sản nội địa vẫn xảy ra và bà con nông dân mãi nghèo.

Ví dụ, nếu mặt hàng khoai lang của chúng ta rớt giá thì không nên nhập khẩu quá nhiều với giá rẻ hơn trong nước. Từ đó sẽ khiến cung nhiều hơn cầu, làm “vỡ trận”. Giá rớt thê thảm là điều không thể tránh khỏi.

Các bộ ngành liên quan nên phối hợp với cơ quan chức năng địa phương tích cực hướng nghiệp, định hướng canh tác giúp bà con nông dân. Phải thay đổi tư duy trồng trọt, biết đi tắt đón đầu, luân canh… mới tránh tình trạng “trúng mùa rớt giá”. Đồng thời, các bộ cần “giải cứu” kịp thời khi nông sản rớt giá để triệt tiêu nạn đầu cơ trục lợi từ thương lái, làm rối loạn thị trường.

Đặng Trung Thành


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải cứu nông sản đến bao giờ?