Đêm đã vào thật sâu, thật tĩnh lặng và cũng tối mịt mùng. Mùi khói nhang trầm lan nhẹ trong liu riu lạnh của làn gió xuân man mác. Thỉnh thoảng vài cánh mai rời cành rơi nhẹ, xoắn mình vài giây trước khi rớt xuống nền gạch trước sân.Kéo cái mền mỏng đã đổi màu xin xỉn, ngà ngà đắp lên người con Sáng, Linh bước lên bộ vạt được lắp ghép bằng cây dừa giăng mùng cho thằng Tươi rồi bước vội ra sân đốt mấy cây nhang cắm lên cái lư hương trên bàn thờ nhỏ. Trên dòng kênh Ci Dầu giờ này, họa hoằn lắm mới thấy bóng dáng một chiếc ghe xuồng hối hả lao nhanh trên sông nước. Dưới ánh đèn pha rực sáng, hai vệt nước ở các mũi ghe trắng xóa lúc ẩn lúc hiện, tiếng máy nổ ầm ầm mở hết tốc độ nghe khàn khàn, đục đục như tiếng ho của người bệnh nặng. Ai cũng muốn về đến gia đình trước giờ phút Giao thừa.
Linh thầm nghĩ: Sao giờ này mà Tâm vẫn chưa về đến nhà? Hôm nay là đêm ba mươi Tết rồi còn gì? Lúc gần nửa đêm thằng Tươi cố thức mòn mỏi để đợi ba về nhưng hai mắt cứ nhắm nghiền. Nó nói: – Con chưa chịu ngủ đâu, con đợi ba về để mua quần áo đẹp cho con, mua nhiều quà bánh nữa, à mà quan trọng nhất là con được mừng tuổi ba mẹ đó nghe. Nói cho có chứ khoảng mười phút sau là nó đã ngủ say. Nhìn con ngủ mà lòng Linh bỗng ấm ấp lạ lùng. Ở chiếc giường nhỏ cạnh bên, Sáng cũng ngủ nhưng trên tay vẫn ôm khư khư cuốn sách tiếng Việt lớp một như một gia tài quý giá lắm. Không hiểu nó mơ thấy gì mà đôi môi chúm chím cười. Bất giác Linh cũng cười theo. Tội nghiệp, mười tuổi rồi mới chỉ học có lớp một. Nhưng nghĩ lại, được vậy cũng là niềm hạnh phúc lớn lao của cả gia đình này. Linh và Tâm cưới nhau đã mười sáu năm rồi mà cái nghèo cứ lẩn quẩn quanh đây.
Sau ngày xuất ngũ, Tâm về quê không một tấc đất cắm dùi, họ hàng hai bên cũng chẳng khấm khá gì hơn. Vậy là Tâm làm mướn làm thuê quần quật quanh năm, ai kêu gì cũng làm: Cắt lúa, phụ hồ, đốn cây…Thương chàng trai hiền lành chân chất nên nhiều người thuê làm, có khi làm đến nửa đêm mới về đến nhà. Vậy mà chưa khi nào Tâm lại quên việc sắc cho Linh thang thuốc nam trị bệnh hen suyễn, sau đó ôm hôn hai đứa con trước khi chợp mắt.
Nhiều lần Linh khẩn khoản cùng chồng:
– Anh cho em đi làm để kiếm tiền lo toan cho gia đình chứ để mình anh làm quần quật suốt ngày em thấy khổ quá.
– Em còn phải lo việc học hành cho các con, vả lại em có khỏe gì đâu, gắng sức lỡ đổ bệnh thì khổ nhiều hơn. Tâm cười thật tươi như bao khó nhọc chưa hề đi qua cuộc đời mình.
Ký ức hơn hai mươi năm về trước ầm ập kéo về ẩn hiện mơ hồ quanh đây như chuyện chỉ mới xảy ra hôm qua. Ngày ấy Linh là chiến sỹ thông tin bộ chỉ huy tiền phương QK 9 trên đất bạn Campuchia trong chiến dịch mùa khô 1982. Mỗi ngày cô đều có nhiệm vụ tổng hợp tin tức ở các chiến trường, các đơn vị. Không hiểu sao Linh lại ghét đắng, ghét cay cái giọng ồm ồm của người báo cáo thuộc trung đoàn thông tin. Bởi lẽ sau phần báo cáo cũng có câu… “ mai mốt về Việt Nam, nhất định anh sẽ mang cau trầu đến cưới em làm vợ…”. Cứ mỗi lần như vậy Linh giận run người, nhưng rồi lại thôi, chiến tranh mà, chuyện sống chết mấy ai tiên đoán được.
Rồi mấy tháng trời không còn nghe cái giọng ồm ồm ấy Linh lại thấy thiếu vắng một cái gì khó tả. Cảm giác giận hờn có, lo lắng có, chờ đợi có, cứ trộn lẫn vào nhau.
Đêm giao thừa năm 1982, lần đầu tiên ăn Tết ở xứ người, Linh mới thấm thía thế nào là nỗi nhớ quê hương, nhớ Cần Thơ bầm gan tím ruột. Ngồi nghe nghệ sỹ Phương Quang hát bài vọng cổ “ Xuân này con không về”, bất giác nước mắt Linh cứ lăn dài. Bỗng cô nghe tiếng người sỹ quan trực ban gọi lớn:
– Linh ơi ra đây mà gặp người “yêu”, gớm cái cô này có “bồ” mà kín như “bưng”.
Chưa kịp hiểu và cũng chẳng có thời gian để hiểu, Linh bước vội ra sân. Ở đó có một người lính chân trái đang băng bột trắng xóa, tay ôm một bó hoa rừng, mắt ngập ngừng cứ nhìn xuống đôi chân.
– Anh là…
– Tôi là người thường mỗi chiều liên lạc với cô, xin lỗi tôi thường trêu ghẹo cô sau mỗi cuộc điện đàm …. cô …… . Nói đến đó Tâm im lặng hồi lâu, đôi tay cứ run lên trên đôi nạng gỗ.
– Sao mấy tháng nay anh ….”mất tiêu” vậy?. Vừa nói Linh vừa trách mình hôm nay sao lúng túng và hỏi những câu bâng quơ đến lạ thường.
– Tôi bị thương trên đường hành quân, cũng may bị nhẹ thôi.
– Anh tìm “tui” chi vậy?
– Tôi đến tặng cô bó hoa rừng, đêm giao thừa xa quê cứ nao nao làm sao ấy, cô đừng từ chối nghe.
Nói đoạn Tâm chống nạng bước đến trao bó hoa cho Linh với đôi mắt rực sáng niềm tin và nụ cười rất lính. Cái giọng ồm ồm khi nào giờ đã “hết đáng ghét” trong Linh.
Duyên nợ của hai người lính thật giản đơn. Một đám cưới giản dị mà ấm cúng được tổ chức tại doanh trại bộ đội. Cũng có văn nghệ cơ quan, vài chai rượu đế, bữa ăn thường nhật của đơn vị được “cải thiện” thêm vài ký thịt heo. Chỉ có vậy nhưng thật rôm rả và hạnh phúc biết dường nào.
Phút Giao thừa đã điểm
Giao thừa nào cũng vậy, cả hai người đều bồi hồi nhớ lại kỷ niệm xưa đã vun đắp cho tình yêu đôi lứa. Vậy mà giao thừa này Tâm đi bán hàng rong trên chiếc ghe máy nhỏ vẫn chưa về đến nhà. Nhớ lại cảnh khổ những năm về trước, Linh chạnh lòng không kìm được nước mắt. Tâm một mình bươn chải để nuôi người vợ đau ốm quanh năm và hai đứa con nhỏ. Cái ăn cái mặc lúc có lúc không. Con Sáng mười tuổi đầu mà chữ nghĩa chưa rành rọt. Thằng Tươi cũng đau bệnh liên tục, bảy tuổi mà gầy đét xanh xao như đứa trẻ lên năm. Khi đoàn y tế đến nhà kiểm tra mới biết nó suy dinh dưỡng nặng.
Những tưởng vận may đã quay lưng với đôi vợ chồng cựu binh. Nhưng đầu năm nay Linh – Tâm đã được nhận một căn nhà nghĩa tình đồng đội. Vậy là niềm mơ ước trở thành hiện thực. Bạn bè còn giúp Tâm vốn để mua ghe máy nhỏ buôn bán hàng “bông”, ngôi trường làng giờ có thêm một học sinh “ đặc biệt” là Sáng. Thằng Tươi được chữa bệnh nay đã lên cân thấy rõ. Linh thấy cuộc đời tươi sáng vẫn còn mỉm cười với vợ chồng mình.
Tiếng ghe máy cứ lớn dần, lớn dần ở con rạch trước nhà đưa Linh về thực tại. Giọng Tâm sang sảng gọi to:
– Linh ơi, anh về đây, các con ơi ba về đây. Con Sáng, thằng Tươi nghe kêu bật choàng dậy chạy ào ào ra sân, đến nỗi không kịp xỏ dép.
– Ba về, ba về rồi, nhiều bánh trái quá, có nhiều đồ đẹp không ba?
Nhìn ba cha con lụi cụi, hớn hở chuyển quà bánh lên nhà trong tiếng cười nói rôm rả, reo vui của các con, Linh nghe lòng tràn ngập niềm hạnh phúc trong giờ phút giao thừa.
Bên kia sông Cái Dầu sáng rực ánh đèn. Người người ra sân tế lạy cùng đất trời sông núi tổ tiên.
Phút giao thừa đã điểm.
Phương Anh